Thứ năm, 25/04/2024 06:55 (GMT+7)

Đà Nẵng: Dân than trời vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Nam Hà -  Thứ sáu, 09/11/2018 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ngày qua, người dân Đà Nẵng phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là các giờ cao điểm. Nhiều người phải mua nước đóng chai để nấu nướng và hứng từng giọt nước để tắm giặt...

Trắng đêm thức hứng nước làm "của để dành"

Những ngày nay, nhiều người dân ở cuối đường ống nước như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà (TP Đà Nẵng) than trời vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đặc biệt, ngay cả nhiều khu vực ở trung tâm như quận Hải Châu vẫn lâm vào tình trạng tương tự.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, tại khu vực đường Bùi Chát (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và các họ dân tại các kiệt nhỏ trên đường Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, Liêu Chiểu), bà con cũng bất lực vì sau 6 giờ tối, nước gần như mất hẳn.

Sinh viên ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) phải chờ hứng từng giọt nước để nấu cơm.

Ngồi cầm nồi cơm điện chờ hứng từng giọt nước để vo gạo cho buổi cơm chiều, em Nguyễn Hoài Sơn, sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, mấy ngày nay phải tắm lúc nửa đêm. Sau khi tắm xong, em phải hứng nước cho đầy các thau, chậu để dành nước cho sinh hoạt sáng hôm sau.

“Em là con trai thì còn đỡ chứ mấy bạn nữ còn tội nghiệp hơn. Do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt nhiều nên mấy bạn nữ phòng bên cạnh phải mua liền mấy bình nước đóng chai loại lớn để nấu cơm, thậm chí là dùng để tắm giặt...”, nam sinh này chia sẻ.

Nước chảy nhỏ từng giọt khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Người dân ở Đà Nẵng phải hứng nước vào chậu để dành sử dụng.

Tại khu dân cư đường Phần Lăng 1, Phần Lăng 2 (quận Thanh Khê), suốt 3 ngày qua, sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn vì nước chảy yếu xìu. Trong khi đó, tình trạng này còn xảy ra ở khu vực khách du lịch sầm uất nhất Đà Nẵng là phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn).

Anh Trần Tiến Cường cho biết, nhà anh nước chảy nhỏ giọt từ ngày từ ngày 5/11 đến nay và gia đình anh hầu như chỉ lấy nước dự trữ được vào giữa khuya.

“Tôi phải thức đến 1, 2 giờ sáng để mở nước để ngồi canh hứng từng giọt vào thùng. Đến khi buồn ngủ quá thì vợ tôi ra thế, phải hứng hơn 2 tiếng thì mới đủ nước sinh hoạt cho  hôm sau chứ đến sáng là nước không chảy được rồi...”, anh Cường kể.

Người dân phải dùng nước đóng bình để nấu ăn, tắm giặt...
Thiếu nước sạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh, quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Những ngày qua, nước máy ở trên tầng yếu, nhỏ từng giọt. Khu vực tôi ở thường bị mất nước vào giờ cao điểm, sáng, trưa, chiều, tối. Do thiếu nước sinh hoạt nên gia đình tôi đành mua nước đóng chai về dùng trong việc nấu ăn, sinh hoạt đơn giản. Riêng tắm, giặt, chúng tôi phải chờ đến đêm khuya, nước hứng được nhiều mới dám sử dụng”.

Loay hoay tìm giải pháp

Theo tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, thực tế hiện nay TP Đà Nẵng vẫn đang hằng ngày xin nước từ các thủy điện. Tuy nhiên, mực nước tại các hồ chứa của thủy điện vẫn đang rất thấp, không đủ nguồn cung cho việc phát điện nên không thể xả nước để “cứu” Đà Nẵng.

Liên quan đến vụ việc, ông Hồ Hương, Tổng giám đốc công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, hiện nay, do lượng mưa thượng nguồn suy giảm, lượng nước trên sông Vu Gia, sông Yên bị giảm nhiều nên mực nước các hồ chứa đều xuống thấp so với cùng kỳ những năm trước. Điều này dẫn đến nguồn nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn dài ngày và độ mặn có thời điểm lên đến 4.300mg/lít.

Ông Hồ Hương (người đứng bên trái), trình bày phương án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Dù Dawaco đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch 24h24 giờ, nhưng vẫn không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay. Vì thế, áp lực và lưu lượng hệ thống cấp nước thành phố bị suy giảm.

Hiện nay, 2 thủy điện xả về sông Vu Gia là thủy điện A Vương đã dưới mực nước chết, không thể hoạt động và thủy điện Sông Bung 4 thì hồ trữ nước sắp đến mực nước chết. Do đó, nước đầu nguồn về hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 bao nhiêu thì thủy điện này lại xả bấy nhiêu.

Tối 7/11, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cũng đã có thông cáo báo chí thông tin nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Trước đó, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Công ty cổ phần thủy điện Dak Mi 4 và Công ty cổ phần thủy điện A Vương về tình hình nhiễm mặn và đề nghị các thủy điện có phương án xả nước hợp lý về sông Yên để nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn, mực nước tại An Trạch ở mức trên 1,5m cho các máy bơm hoạt động.

Đồng thời, UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chỉ đạo các chủ hồ chứa ở thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn vận hành xả nước với chế độ phù hợp nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho TP.Đà Nẵng.

Người dân ở Đà Nẵng đang kêu trời vì thiếu nước sinh hoạt.

Sở cũng ban hành công văn về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, trong đó yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng khẩn trương tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn đã được UBND thành phố thống nhất nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố.

Sở cũng báo cáo UBND thành phố nội dung tổng thể các dự án cấp nước trên địa bàn thành phố, trong đó có đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài như tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 160.000m3/ngđ) và dự án Nhà máy nước hô Hòa Trung (10.000m3/ngđ) vào tháng 3.2019; đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm; đầu tư các trạm bơm tăng áp theo quy hoạch được duyệt.

Giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020 là xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước sân bay sau khi nâng cấp; tiếp tục đầu tư xây dựng dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000m3/ngđ (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (công suất 120.000m3/ngđ) hoàn thành vào cuối năm 2020 và tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2 là 120.000m3/ngđ theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt; tiếp tục đầu tư các tuyến cống cấp nước chính theo dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Dân than trời vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành