Thứ sáu, 29/03/2024 19:35 (GMT+7)

Đà Nẵng diễn tập vận hành hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần

Nam Hà -  Thứ tư, 26/12/2018 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm lắp đặt các hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần.

Ngày 26/12, tại TP.Đà Nẵng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã tổ chức diễn tập vận hành hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai, đa mục tiêu với giả định có động đất gây nên sóng thần ảnh hưởng vùng biển của địa phương.

Ông Lê Văn Tuyến - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng cho biết, thành phố là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm lắp đặt các hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần.

Hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai tại phường Mân Thái (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng).

Được biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 30 trạm loa, đèn cảnh báo sóng thần được lắp đặt tại các phường ven biển Đà Nẵng. Riêng tại 2 điểm thuộc P.Mân Thái (Sơn Trà) và Trạm thông tin 575 (Liên Chiểu) là trạm có ăng-ten thu sóng cao nhất, từ 30-35m, bên cạnh hệ thống còi hú công suất lớn. Buổi diễn tập là dịp để các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần cũng như phương thức vận hành để có hướng xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố.

Theo kịch bản, một trận động đất xảy ra ngoài khơi tại khu vực máng biển sâu Manila, Phillipines vào lúc 8h30’ (giờ Việt Nam ngày 26/12/2018). Độ sóng thần được dự báo dao động từ 1,5m-7m, tùy từng vùng. Trận sóng thần sẽ ảnh hưởng đến vùng biển  Việt Nam từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với độ cao sóng trên 5m trong khoảng thời gian từ 10h30 đến 12h30. Tại Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam sẽ kích hoạt hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu đến tất cả các trạm trực canh ở Đà Nẵng.

Đây là dịp để các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần cũng như phương thức vận hành.

Lúc đó, tại các hệ thống loa, đèn cảnh báo ở các phường Thuận Phước, Thanh Bình (quận Hải Châu); Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, An Hải Tây (quận Sơn Trà); Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Tam Thuận, Xuân Hà (quận Thanh Khê); Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Minh (quận Liên Chiểu); Hòa Hải, Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn)… sẽ phát bản tin cảnh báo từ Viện Vật lý Địa cầu trên hệ thống loa dọc biển, đồng thời, hệ thống đèn cảnh báo cũng sẽ liên tục phát sáng nhằm cảnh báo, hướng dẫn cho người dân biết thông tin và kịp thời sơ tán.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo các kịch bản đã tính toán, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6 mét ở Quảng Ngãi và 5 mét ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng diễn tập vận hành hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới