Thứ năm, 25/04/2024 11:31 (GMT+7)

Đà Nẵng: Doanh nghiệp Du lịch lao đao bởi đại dịch Covid-19

Đinh Nga -  Thứ năm, 09/09/2021 08:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đà Nẵng là địa phương có số lượng lớn người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid – 19. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này là du lịch.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn chồng chất. Hiện tại, các doanh nghiệp đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại ra làm sao, chứ chưa nghĩ đến chuyện bao giờ quay lại hoạt động. Khó khăn nhất phải kể đến các doanh nghiệp ở lĩnh vực khách sạn, hàng không và vận chuyển khi Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách quyết liệt để chống dịch.

tm-img-alt

Các điểm du lịch tại Đà Nẵng vắng khách vì đại dịch Covid-19. 

   Cũng theo ông Cao Trí Dũng, Đà Nẵng hiện có 5.000 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch thì đa phần đã đóng cửa, chỉ bố trí lực lượng bảo vệ ở lại trông coi cơ sở. Dù khó khăn nhưng theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh của thành phố, doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ, với mong muốn làm sao kiểm soát nhanh dịch thì du lịch mới quay lại được.

   Nói về những khó khăn ở lĩnh vực doanh nghiệp khách sạn, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Nẵng hiện có 600 khách sạn thì đa phần ngừng hoạt động, chỉ có một số ít mở cửa phục vụ nhu cầu chống dịch Covid của thành phố. Cái khó khăn nhất hiện giờ đối với doanh nghiệp là tìm đâu ra nguồn vốn để duy trì khách sạn. Và khi dịch kiểm soát được thì cũng không biết thị trường khách nào để khai thác. Cái khó nữa là lực lượng nhân sự, dịch này không chỉ làm đứt gãy nền kinh tế mà còn làm đứt luôn nguồn cung cấp lao động cho ngành du lịch, trong đó có khách sạn. Dịch Covid-19 kéo dài tại Đà Nẵng 18 tháng, thực tế các khách sạn bị ảnh hưởng, không có nguồn thu. Khó khăn trước mắt là khách sạn không có khách, có đóng cửa cũng phải chi phí cho nhân sự, bảo dưỡng, bảo vệ… đó là chưa kể đến các khoản vay nợ ngân hàng phải trả”.

tm-img-alt

Gần 600 khách sạn tại Đà Nẵng đóng cửa  do đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp dễ phá sản vì  vay vốn ngân hàng.

     Theo ước tính của ông Nguyễn Đức Quỳnh, những khách sạn đóng cửa hoàn toàn chịu lỗ hàng trăm triệu đồng. Những doanh nghiệp nào không đóng cửa khách sạn, hoạt động duy trì thì phải chi phí từ 2 đến 3 tỷ đồng/18 tháng. Với các khách sạn 5 sao, lỗ từ đầu dịch đến giờ khoảng 3 đến 4 triệu USD, tùy theo quy mô.

    Thực tế, nỗi lo doanh nghiệp khách sạn không chỉ dừng lại khi dịch kết thúc. Bởi, các khách sạn không thể mong chờ lượng khách trở lại như năm 2019 mà phải tăng lên dần dần. Theo dự đoán của các chuyên gia, phải đến năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng mới trở lại được mức phát triển như năm 2019. Vậy nên, việc đóng cửa khách sạn là điều không thể dừng lại được.

tm-img-alt
Hàng loạt khách sạn cao tầng dọc tuyến ven biển quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Ngoài khách sạn, lĩnh vực vận chuyển du lịch (VCDL) cũng đang đối mặt với muôn trùng khó khăn bởi đại dịch. Ông Ngô Tấn Nhị - Tổng giám đốc Cty TNHH Liên hợp Vận tải và Du lịch Vitraco, Phó Chủ tịch Hội vận chuyển du lịch Đà Nẵng cho biết, gần 2 năm qua, tình hình kinh doanh VTDL tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Không có khách du lịch đến Đà Nẵng, các doanh nghiệp VTDL “đứng bánh”, nợ ngân hàng quá nhiều.

    “Đà Nẵng hiện có hơn 300 doanh nghiệp VTDL, đến bây giờ nhiều đơn vị chấp nhận lỗ, bán xe và giải thể vì không đủ vốn để trụ được. Chỉ một số ít doanh nghiệp hoạt động lâu năm ở lĩnh vực này, có vốn dự trữ rủi ro, cầm cự được nhưng cũng phải cắt giảm rất nhiều chi phí. Như Cty TNHH Liên hợp Vận tải và Du lịch Vitraco có tới 150 xe ô tô từ 4 chỗ đến 45 chỗ. Trong những ngày qua, đơn vị phải cắt giảm lao động và tích cực hỗ trợ phương tiện cho thành phố để vận chuyển người cùng phương tiện chống dịch”, ông Ngô Tấn Nhị cho hay.

tm-img-alt

Hàng trăm ô tô vận tải khách "đứng bánh" do đại dịch Covid -19 khiến doanh nghiệp VTDL dễ phá sản vì vốn vay ngân hàng lên tới trên 80%.

Cũng theo ông Ngô Tấn Nhị, tài sản ngành VTDL đa phần là ô tô có vốn vay ngân hàng đến 90%. Sau 2 năm không hoạt động, chưa kể khoản lãi ngân hàng phải trả, giá trị các xe thực tế thấp hơn nhiều so với định giá thế chấp ngân hàng. Nguyên nhân là xe sẽ giảm theo từng đời, càng để lâu càng xuống giá.  Hiện nay, các doanh nghiệp VTDL đã nhận được thông báo về các chính sách hỗ trợ. Lãi suất ngân hàng giảm nhưng không bao nhiêu, từ 0,5 đến 1%. Có thông tin ngân hàng cho giãn nợ đến 2022, nhưng nếu giãn nợ thì không được hưởng lãi suất ưu đãi…

tm-img-alt

Hàng trăm ô tô vận tải khách tại Đà Nẵng dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19.

     Không chỉ cơ sở vật chất, nguồn lực lao động trong lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng cũng gặp khó khăn rất nhiều khi dịch bệnh xảy ra. Có hàng ngàn lao động hoạt động ở các lĩnh vực hướng dân viên (HDV) cùng nhân viên ở các doanh nghiệp du lịch buộc phải nghỉ việc, chuyển đổi nghề trong điều kiện dịch bệnh hết sức khó khăn.

      Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện có 3.000 HDV bị mất việc. Hiện nay, anh em HDV nhiều người chuyển đổi nghề nghiệp như: Chạy Grab, bán bảo hiểm, bán hàng online, kinh doanh nhỏ lẻ…. Ai cũng phải chuyển đổi để duy trì cuộc sống hằng ngày, nhất là đối với những HDV đã lập gia đình.

   “Đối với lực lượng HDV quốc tế, ảnh hưởng ngay từ đầu dịch tháng 1/2020, gần như toàn bộ Tour khách quốc tế dừng. Nhân viên nội địa thì cầm cự, năm 2020 vẫn còn làm nghề được, tuy có gián đoạn thời gian. Từ năm 2021 (nhất là giai đoạn tháng 5 đến tháng 9/2021), HDV du lịch trong nước gần như tê liệt hoàn toàn. Trước thực trạng này, TP Đà Nẵng đã và đang triển khai bố trí vốn vay xuống cho Ngân hàng chính sách để cho HDV vay chuyển đổi nghề với mức tối đa là 100 triệu đồng/người. Ngoài ra, có hơn 1.300 HDV đã nhận được hỗ trợ dịch bệnh của TP Đà Nẵng với mức 3.710.000 đồng/người”, ông Võ Văn Anh  chia sẻ.

tm-img-alt
Các điểm du lịch tại Đà Nẵng vắng khách do đại dịch Covid-19, hàng ngàn HDV du lịch mất việc, phải chuyển đổi ngành nghề.

     Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam ngay sau khi Đà Nẵng chuyển đổi trạng thái giãn cách từ “Ai ở đâu ở yên đó” để chống dịch sang phân vùng để quản lý, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện tại mọi hoạt động ở lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng đang tạm dừng vì dịch bệnh.

    Sở Du lịch đang tiếp tục triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch tiếp cận các chính sách đã được Trung ương và TP. Đà Nẵng ban hành. Ngoài ra, Sở còn theo dõi nắm tình hình doanh nghiệp và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đề xuất, kiến nghị các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; chuẩn bị phương án khôi phục lại thị trường du lịch Đà Nẵng khi dịch bệnh Covid -19 được kiểm soát.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Doanh nghiệp Du lịch lao đao bởi đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành