Thứ sáu, 29/03/2024 21:53 (GMT+7)

Đà Nẵng: Đồng ruộng đang biến mất bởi "dự án" trên giấy của lò gạch

Đinh Nga -  Thứ ba, 12/04/2022 12:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc Đà Nẵng cấp phép cho hàng loạt lò sản xuất gạch tuynel ở địa bàn huyện Hòa Vang nhưng lại không có mỏ khai thác nguyên liệu đi kèm khiến hoạt động của các cơ sở này tiềm ẩn nhiều hiểm họa về môi trường.

Đi sâu tìm hiểu các lò sản xuất gạch Tuynel tại Đà Nẵng, phóng viên nhận thấy, quá trình hoạt động, ngoài việc xả thải, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, các cơ sở này còn gián tiếp tác động xấu đến môi trường thông qua việc khai thác nguyên liệu sản xuất.

tm-img-alt
Bùn, đất từ bãi trữ nguyên liệu ở các lò gạch Tuynel chảy tràn ra môi trường, gây ô nhiễm.

 Rõ nhất cho việc khai thác nguyên liệu đất, để lại hậu họa cho môi trường là dự án cải tạo Bàu Tràm tại thôn Cẩm Toại Tây xã Hòa Phong để xây dựng khu nuôi trồng thủy sản. Dự án này được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt năm 2013.

 Theo ông Đặng Xuân Thành, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, dự án cải tạo Bàu Tràm có quy mô 8ha, được chia làm 3 giai đoạn, triển khai từ năm 2014. Tuy nhiên, khi dự án mới triển khai giai đoạn 2 khoảng 4ha thì tạm dừng cho đến nay. Hậu quả là đơn vị thi công đã đào ao, chở đất sét đi rất nhiều, khiến Bàu Tràm bị băm nát, lỗ chỗ hố sâu, gây nguy hiểm cho người dân địa phương.

tm-img-alt
Sau cải tạo, Bàu Tràm tại thôn Cẩm Toại Tây biến thành biển nước, gây nguy hiểm cho người dân địa phương.

 Hỏi chuyện về dự án cải tạo Bàu Tràm, bà Nguyễn Thị Thân (80 tuổi) có nhà mặt tiền hướng ra Bàu Tràm cho biết, bà về làm dâu và sinh sống tại đây ngót nghét 60 năm. Theo bà, hồi xưa, Bàu Tràm là khu vực rất rộng, mực nước ở đây tầm 0,5m, có sen mọc tự nhiên và rất nhiều tôm cá sinh sống. Người dân địa phương chăn nuôi vịt, thả trâu, khai thác thủy sản và mưu sinh tại đây.

Kể từ ngày có dự án cải tạo của nhà nước, bà Thân thấy có nhiều xe múc, xe ủi đến mở đường cho xe tải vào chở đất đi. “Họ đào sâu lắm, có nơi sâu đến 5 mét nước. Nghe nói đất chở đi dùng để sản xuất gạch. Làm được thời gian gần 1 năm thì xe múc, xe đào rút đi, để lại những hố nước sâu hoắm, lục bình, cỏ dại mọc kín. Hậu quả là đã có người chết đuối ở nơi này”, bà Thân chia sẻ.

tm-img-alt
Chính quyền huyện Hòa Vang cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực dự án cải tạo Bàu Tràm.

Nói về vụ tai nạn đuối nước thương tâm này, bà Trương Thị Lợi ở đội 12, thôn Cẩm Toại Tây cho hay: “Nạn nhân tên là Tân, nhà ở xã Hòa Nhơn, làm rễ về Hòa Phong. Thời điểm đó là năm 2021, vào buổi sáng, Tân đến khu vực Bàu Tràm chèo ghe thả lưới bắt cá thì bị đuối nước. Khu vực này nước sâu, nạn nhân không biết bơi nên tử vong. Sau vụ này, chính quyền có đến giăng dây, đóng cọc và treo biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết”.  

Người dân thôn Cẩm Toại Tây đặt nghi vấn về động cơ cải tạo Bàu Tràm nuôi trồng thủy sản hay lợi dụng danh nghĩa này để khai thác đất sét làm gạch?  Bởi theo phản ánh của bà con, đất dư thừa từ việc đào ao cá đã được chuyển đi rất nhiều, phục vụ cho việc sản xuất ở các lò gạch. Và từ khi đơn vị thi công đào bới tại đây, mạch nước ngầm bị ảnh hưởng, mùa nắng giếng nước của người dân xung quanh cạn kiệt. Vào mùa mưa, Bàu Tràm biến thành biển nước mênh mông hết sức nguy hiểm.  

tm-img-alt
Các ao nuôi trồng thủy sản tại Bàu Tràm được múc đất rất sâu, đang bị bỏ hoang.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Khu nuôi trồng thủy sản tại Bàu Tràm được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định 6070, đơn vị thi công là Cty Cổ phần  khai thác khoáng sản Thanh Hoài. Quá trình triển khai dự án, Cty Thanh Hoài được UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ 2 lần ra quyết định cho phép được khai thác đất sét với khối lượng gần 50.000 m3. Theo chính quyền xã Hòa Phong, dự án cải tạo Bàu Tràm đã dừng, địa phương đang kêu gọi doanh nghiệp đến tham gia khảo sát, đầu tư. Hiện tại, khu vực này  có nhiều hố nước sâu, rất nguy hiểm, đang bị hoang hóa gần 10 năm nay.

tm-img-alt
Khu vực Bầu Tràm hiện có nhiều hố nước sâu, đang bị hoang hóa.

 Cùng cảnh ngộ như Bàu Tràm ở thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong), việc khai thác đất nguyên liệu phục vụ cho sản xuất gạch cũng gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống người dân tại thôn An Châu xã Hòa Phú (H.Hòa Vang). Hiện tại, khu vực này đang triển khai dự án “Mỏ đất sét An Châu” với diện tích 9,75ha, do Cty TNHH Hiệp Đại Hưng là đơn vị khai thác. Theo đó, mỏ này hoạt động trong 2 năm (4/2019 đến 4/2021), với trữ lượng đưa vào khai thác là 240.284m3.

tm-img-alt
Hiện trường khai thác đất sét tại mỏ An Châu.

Ông Nguyễn Phan Bốn, Trưởng thôn An Châu, xã Hòa Phú cho biết, cách đây khoảng 8 năm,  Cty TNHH Hiệp Đại Hưng đến liên hệ với người dân địa phương để mua đất ruộng của dân với giá 42 triệu đồng/sào (500m2). Sau đó, đơn vị này đã lập dự án khai thác mỏ đất sét An Châu. Số đất ruộng ở khu vực này hơn 11ha, thuộc đất sản xuất ruộng lúa 2 vụ/năm của hơn 10 hộ dân trong thôn An Châu.

 “Quá trình hoạt động khai thác đất sét tại mỏ An Châu, có gần 2ha ruộng của dân ở sát mỏ bị mất nước và sạt lở đất, không thể canh tác được. Hiện nay, chủ đầu tư đang trong quá trình xin gia hạn mỏ và cam kết hỗ trợ vụ mùa cho số diện tích đất bỏ hoang này với mức 2 triệu động/sào/năm. Điều người dân lo lắng là không biết khi mỏ hết phép, đơn vị thi công rút đi, việc hỗ trợ vụ mùa cho ruộng bị ảnh hưởng, không canh tác được sẽ thuộc về ai?”, ông Nguyễn Phan Bốn phản ánh.

tm-img-alt
Sau khi khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại thôn An Châu biến thành hố sâu và bỏ hoang.

Cũng theo ông Bốn, thời điểm trước khi mỏ đất sét An Châu đi vào hoạt động, nơi đây cũng từng là “điểm nóng” về việc khai thác đất sét để làm gạch. Cụ thể, địa phương từng có mỏ khai thác đất sét do Công ty TNHH Minh Tân triển khai để làm nguyên liệu sản xuất gạch Tuynel tại xã Hòa Khương. Ngoài ra, còn có một số cá nhân đến địa phương mua ruộng của dân và lén lút thuê xe múc đến khai thác đất sét chở đi. Hậu quả là khu vực thôn An Châu có nhiều điểm bị đào bới đất nham nhở, tạo thành hố sâu, bỏ hoang hóa nhiều năm, gây nguy hiểm cho người và gia súc.

tm-img-alt
Đất nông nghiệp tại thôn An Châu bị bỏ hoang.

Tiếng là bán ruộng có hàng chục triệu đồng nhưng số này người dân chỉ đủ mua xe máy, sửa lại nhà và chi tiêu vài năm là hết. Cái khó là ở những vị trí khai thác đất sét, nhà nước không cho phép trồng keo vì đó là đất hoa màu. Còn sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, mía, đậu… thì không có nước tưới. Người dân địa phương mất đất sản xuất, đang đối mặt với nỗi lo thiếu lương thực. Hiện nay, có một số hộ đến thôn Khương Mỹ xã Hòa Phong mượn ruộng để cấy lúa”, anh Bốn trăn trở.

tm-img-alt
Không chỉ An Châu, ruộng tại thôn Phước Thuận - Phước Hậu xã Hòa Nhơn cũng hoang hóa do bị bồi lấp bởi bùn, đất từ bãi trữ nguyên liệu sản xuất gạch Tuynel.

 Việc khai thác đất sét phục vụ cho sản xuất gạch đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Theo tìm hiểu của phóng viên, trung bình mỗi ngày, 6 lò gạch Tuynel đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng gồm: Thanh Châu (xã Hòa Phước), Hòa Phong, Vinh Thanh Châu (xã Hòa Phong), Trọng Anh, Vĩnh Trường (xã Hòa Nhơn) và Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) cho ra lò hàng trăm ngàn viên gạch. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng trăm khối đất nguyên liệu được sử dụng để chế biến gạch.

Thực tế là từ năm 2007, Đà Nẵng có chủ trương dừng hoạt động sản xuất gạch theo phương pháp thủ công, chuyển sang gạch Tuynel với công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không đi kèm theo vùng nguyên liệu sản xuất là bài toán khó với các chủ lò.

Các cơ sở sản xuất gạch Tuynel tại Đà Nẵng hiện nay đang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất từ đâu khi chưa được cấp phép khai thác nguyên liệu đi kèm?. Và trong hàng triệu viên gạch cho ra thị trường mỗi năm sẽ có bao nhiêu viên được sản xuất từ đất không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là khai thác trái phép? Chính quyền Đà Nẵng sẽ giải bài toán nguyên liệu sản xuất và ô nhiễm khu dân cư cho các lò gạch Tuynel như thế nào để góp phần hạn chế xâm hại đến môi trường, thực hiện đúng theo đề án xây dựng thành phố môi trường?

 Kính mong các sở ban ngành và huyện Hoà Vang cần cân nhắc và quản lý sự "biến tướng" mang tên dự án để lấy đất sét làm gạch.

  Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Đồng ruộng đang biến mất bởi "dự án" trên giấy của lò gạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới