Thứ tư, 24/04/2024 17:53 (GMT+7)

Đà Nẵng: Nhà máy xử lý chất thải 1.000 tấn/ngày đề xuất đầu tư 5 năm vẫn chưa xong thủ tục

Khánh Dung -  Thứ hai, 05/09/2022 14:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lượng rác thải liên tục tăng tại TP. Đà Nẵng khiến các hộc chôn lấp rác liên tiếp phải cơi nới. Trong khi đó, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm được đề xuất đầu tư đã hơn 5 năm vẫn chưa xong thủ tục.

Rác được chôn lấp, phủ bạt tại bãi rác Khánh Sơn, TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh
Rác được chôn lấp, phủ bạt tại bãi rác Khánh Sơn, TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh

Năm 2007, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn cho Đà Nẵng đầu tư xây dựng 5 hộc chứa rác tại bãi rác Khánh Sơn sử dụng công nghệ chôn lấp. Hiện 5 hộc chứa rác này đã đầy. Để có chỗ chứa rác, hộc số 6 (hộc chứa cuối cùng theo kế hoạch) được đầu tư, dự kiến quý III/2022 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, dự báo lượng rác sẽ tiếp tục tăng nên hộc rác số 7 tiếp tục được lập thủ tục đề xuất đầu tư.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng, đến nay phương pháp này không còn phù hợp với định hướng phát triển Đà Nẵng là “thành phố môi trường” do nước rỉ rác phát tán mùi hôi, quỹ đất để chôn lấp rác thải đã hết.

Để có giải pháp căn cơ, năm 2017, từ đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã báo cáo UBND TP. Đà Nẵng ý tưởng đầu tư Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2024.

Đến cuối năm 2020, Dự án được HĐND TP. Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư trên tổng diện tích hơn 29.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 802 tỷ đồng. Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland - Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng - Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco là nhà đầu tư đề xuất Dự án.

“Thời gian qua, được sự ủy quyền của lãnh đạo Thành phố, Sở TN&MT đã ký thỏa thuận với Liên danh nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt dự án đầu tư… Từ đầu tháng 6/2022, Sở TN&MT thực hiện bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án này để mời đầu tư Dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”, ông Hùng cho biết.

Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm được HĐND TP. Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư trên tổng diện tích hơn 29.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 802 tỷ đồng.

Nội dung khảo sát ý kiến nhà đầu tư gồm: cung cấp thông tin về khả năng triển khai dự án tương tự (về lĩnh vực, quy mô…) của khu vực tư nhân; yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật thực hiện Dự án; đánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của Dự án; mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư.

Theo tiêu chí về công nghệ, Nhà máy xử lý rác thải rắn bằng phương pháp đốt thu điện năng, tận dụng tro bay và rỉ lò để sản xuất gạch không nung, tái chế mùn hữu cơ thành phân bón hữu cơ, tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa.

Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, việc triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn và vướng mắc do đây là dự án xử lý rác thải đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện theo phương thức PPP. Để triển khai đầu tư, Liên danh nhà đầu tư, Sở TN&MT, các sở, ngành chức năng đã và đang nghiên cứu áp dụng các quy định của 4 luật gồm: Luật PPP, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chuyển giao công nghệ để triển khai Dự án.

“Qua phân tích, có 20 nhiệm vụ để triển khai dự án này theo phương thức PPP. Đến thời điểm này, Thành phố đã triển khai được 12 nhiệm vụ và đang ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo kế hoạch, trong quý II/2022 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, quý III/2022 thi công xây dựng, nhưng đến thời điểm này chưa có kế hoạch nào hoàn thành”, ông Hùng chia sẻ.

Dẫu vậy, mốc thời gian phải dừng việc chôn lấp rác chậm nhất đến đầu năm 2025, nên bằng mọi giá Dự án phải được triển khai các bước để khởi công trong năm 2022, kịp đưa vào vận hành năm 2024.

tm-img-alt

Được biết, thời gian vừa qua, người dân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu luôn sống trong thấp thỏm, mong chờ quyết sách của TP. Đà Nẵng để giải quyết ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Hiện nay, người dân “nửa mừng, nửa lo” bởi bãi rác quá tải này đã có được phương án xử lý, nhưng lại lo tránh được ô nhiễm từ bãi chôn lấp, lại chịu ảnh hưởng từ các Nhà máy xử lý rác thải (do nằm trong bán kính bị ảnh hưởng do không đủ khoảng cách theo quy định).

Khi được hỏi ý kiến, người dân phường Hòa Khánh Nam đều bày tỏ sự không đồng tình với việc tiếp tục xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn trên bãi rác Khánh Sơn. Người dân cho rằng nếu sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây mùi hôi thì lãnh đạo TP. Đà Nẵng nên tính toán chọn nơi khác đặt khu xử lý thay vì vẫn để ở Khánh Sơn.

Người dân phường Hòa Khánh Nam cho hay, đã gần 30 năm nay, người dân sống ở khu vực bãi rác đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Trong đó, ô nhiễm, bụi bặm, mùi hôi… làm đảo lộn cuộc sống, bệnh tật bủa vây. Trước đây, Công ty CP Môi trường Việt Nam cũng đã xây dựng nhà máy xử lý rác ở Khánh Sơn, tuy nhiên, mỗi khi nhà máy "khởi động" lên thì người dân lại "chịu không nổi".

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại vị trí hiện tại (không đảm bảo khoảng cách theo quy định, cách khu dân cư 500m). TP. Đà Nẵng xây dựng Nhà máy xử lý rác, cần phải sớm di dời, đền bù, giải tỏa cho những hộ dân quanh nhà máy (khoảng trên 1.000 hộ dân), thời gian giải tỏa là bao lâu yêu cầu cụ thể rõ ràng...

Nếu nhà máy xây dựng xong mà dân chưa được di dời thì sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động xử lý rác của các nhà máy này. Môi trường sẽ ảnh hưởng nhiều hơn khi chưa xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vậy giải pháp của TP. Đà Nẵng đưa ra hóa lại làm cho dân khổ hơn vì ô nhiễm./.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Nhà máy xử lý chất thải 1.000 tấn/ngày đề xuất đầu tư 5 năm vẫn chưa xong thủ tục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.