Thứ sáu, 26/04/2024 06:37 (GMT+7)

Đà Nẵng: Ô nhiễm khu chung cư nhà ở xã hội, dân sống trong lo sợ?

Đinh Nga -  Thứ bảy, 05/11/2022 18:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam vừa tiếp nhận phản ánh của cư dân Chung cư nhà ở xã hội Hòa Khánh về tình trạng ô nhiễm môi trường bởi khói bụi và tiếng ồn. Phóng viên thực địa hiện trường, ghi nhận sự việc và xác định, những phản ánh là có cơ sở.

*Ngộp thở vì khói, bụi xả thải

14 giờ 30 ngày 22/10, phóng viên có mặt tại đường số 4 Khu công nghiệp Hòa Khánh, phát hiện ống khói trong khuôn viên công ty đối diện CCNOXH Hòa Khánh xả khói đen kịt, phát ra mùi khét lẹt rất khó chịu. Lúc này trời lất phất mưa, kèo theo gió thổi mạnh, đẩy luồng khói lên cao hàng chục mét rồi tấp vào hướng 4 tòa nhà của chung cư.

tm-img-alt
Ngày 22/10/2022, ống khói của công ty đối diện tòa nhà B1 và B1A xả khói đen, có mùi khét rất khó thở.

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, bà Phan Thị Sáu (60 tuổi) định cư tại tầng 1, Tòa nhà B1 cho biết, ống khói này xả liên tục  từ 7 giờ 30 sáng. Khói phát ra khét như mùi than đá, rất khó thở nên nhà bà và hầu hết các hộ dân ở đây đều phải vào phòng đóng kín cửa lại.

 Cũng theo bà Sáu, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu chung cư này là rất nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Khu công nghiệp Hòa Khánh cách các tòa nhà khu chung cư chỉ bằng con đường số 4, trong đó 2 Tòa nhà B1 và B1A trực diện với công ty sản xuất có nhiều ống xả khói. Nhà bà Sáu mới chuyển về chung cư này sống được hơn 1 năm, mở quầy bán nước giải khát, thường xuyên có mặt ở nhà nên chứng kiến vấn nạn ô nhiễm môi trường bởi bụi và tiếng ồn.

tm-img-alt
Bụi có màu đen bay từ KCN Hòa Khánh sang tòa nhà B1 KCC nhà ở xã hội Hòa Khánh (ảnh do người dân cung cấp).
tm-img-alt
Quán nước của bà Phan Thị Sáu ở tầng 1, tòa nhà B1 lúc nào cũng phải che đậy để chống bụi từ hướng KCN Hòa Khánh bay sang. 

 “Không khí ở đây ô nhiễm lắm, ngày nào bà con cũng phải chịu cảnh “tra tấn” bởi khói, bụi và mùi hôi. Nặng nhất là mùi hôi, phát ra từ hướng nhà máy của công ty đối diện. Hôi và khói bụi quá  không chịu nổi, nhiều nhà lo sợ sống lâu, hít phải khí độc này sinh bịnh nên phải dọn ra ngoài ở”, bà Sáu cho biết.

Cùng tâm trạng như bà Sáu, anh Trần Tuấn Anh, cư dân sống ở tầng 12, Khu chung cư 1B lo lắng cho biết, không chỉ tầng thấp mà các hộ ở tầng cao cũng bị ảnh hưởng nặng bởi khói, bụi từ hướng khu công nghiệp Hòa Khánh.

Theo anh Anh, công ty đối diện tòa nhà B1 và B1A hoạt động trong lĩnh vực dệt vải. Tại đây có hệ thống xử lý nước thải và rất nhiều ống khói liên tục xả thải ra môi trường. “Không hiểu công ty này hoạt động kiểu gì mà xả khói bất chấp, bất kể ngày đêm, không chừa ngày nào và không có giờ cố định. Nhiều lúc 5 giờ sáng cư dân dậy tập thể dục thì phát hiện xả khói khét lẹt. Có lúc 11 đến 12 giờ đêm mới xả, vừa hôi vừa ồn, không ai dám mở cửa”, anh Anh thông tin.

tm-img-alt
Xả khói đen tại KCN Hòa Khánh ảnh hưởng đến KCC nhà ở xã hội Hòa Khánh (ảnh do người dân cung cấp).

Để minh chứng lời mình nói, chiều 25/10, anh Anh liên lạc với phóng viên đến hiện trường chứng kiến cảnh xả khói từ hướng công ty đối diện chung cư. Theo anh Anh lên tầng 9 của Tòa nhà B1, phóng viên phát hiện ống khói cạnh trạm xử lý nước thải trong khuôn viên công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt vải xả khói có màu đen.

Khói từ hướng công ty theo chiều gió xộc thẳng về hướng tòa nhà B1 và B1A bốc mùi khét. Cũng tại đây, phóng viên phát hiện có tới 6 ống xả khói lớn nhỏ và 2 bễ xử lý nước thải của nhà máy dệt vải. Tiếp đến sáng 26/10, lúc 8 giờ, anh Anh tiếp tục ghi hình lại hoạt động xả khói đen tại điểm này gửi đến phóng viên, có mức độ nghiêm trọng hơn trước.

tm-img-alt
Người dân KCC nhà ở xã hội Hòa Khánh không dám mở cửa vì khói xả thải ra môi trường.

Không chỉ Tòa nhà B1 và B1A, các cư dân ở Tòa nhà E1 và E2 cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm bụi khói và tiếng ồn. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, tầng 10, Tòa nhà E1 cho biết, gia đình có 5 người, mua phòng tại khu E1 ở từ năm 2018. Trong 4 năm qua, hầu như ngày nào chị cũng chứng kiến cảnh ô nhiễm bởi bụi và tiếng ồn từ hướng KCN Hòa Khánh và rất lo lắng cho sức khỏe các thành viên trong gia đình, nhất là 2 con nhỏ và mẹ già 80 tuổi.

tm-img-alt
Khói đen từ Cty đối diện KCC nhà ở xã hội tỏa ra môi trường có mùi hôi.

Khói xả ra môi trường lúc 1 đến 2 giờ sáng gây tiếng ồn và có mùi khét. Không biết mùi gì mà hôi quá, cả ngày không dám mở của. Nhà ở tầng cao, mùa hè nóng bức cần chút gió mà không dám mở cửa vì sợ bụi và hít phải mùi khói thải, lúc nào cũng phải đóng 2 lớp cửa. Không chỉ khói, bụi, tầm nửa đêm, trước khi xả khói phát ra tiếng nổ lớn, sau đó là tiếng xì hơi rất mạnh kéo dài 15 phút gây mất giấc ngủ cho người dân”, chị Lan thông tin với phóng viên.

tm-img-alt
Khói đen từ hướng KCN Hòa Khánh được xả vào ban đêm (ảnh do cư dân Tòa nhà E1 và E2 cung cấp).
tm-img-alt
Cửa sổ nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Lan ở tầng 10, Tòa nhà E1 lúc nào cũng đóng để chống bụi và mùi hôi.

Cũng theo chị Lan, chị nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến Ban quản trị tòa nhà chung cư nhưng mọi chuyện vẫn không được giải quyết. Điều chị lo nhất là mẹ ruột Nguyễn Thị Nhung (80 tuổi) khó ngủ bởi tiếng ồn buổi tối và 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học thường bị “tra tấn” bởi khói bụi, không khí ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Chị cũng muốn bán nhà, chuyển đi nơi khác sống nhưng điều kiện kinh tế còn khó, chưa thực hiện được.

*Cần làm rõ trách nhiệm đơn vị xả thải gây ô nhiễm khu chung cư

Liên lạc với ông Trần Văn Khánh, Trưởng Ban quản trị Cụm nhà chung cư  B1 và B1A kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 83 phường Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu) tìm hiểu về vụ việc ô nhiễm được biết, tình trạng này kéo dài nhiều năm, dân phản ánh nhiều lần đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho bà con.

tm-img-alt
Đơn phản ánh gây ô nhiễm môi trường của Ban quản trị tòa nhà B1 và B1A gửi cơ quan chức năng tháng 11/2021.

Cụ thể, ngày 20/11/2021, Đại diện Ban quản trị có đơn phản ánh gây ô nhiễm môi trường gửi đến UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài nguyên Môi trường và UBND P.Hòa Khánh Bắc phản ánh việc  Cty Cổ phần Vinatex quốc tế xả khói ra môi trường và bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngày 23/8/2020, người dân cụm chung cư B1 và B1A lại phản ánh đến Cổng thông tin Góp ý Đà Nẵng về việc xả thải tại nhà máy xử lý nước thải gây ô nhiễm.

tm-img-alt
Ngày 23/8/2022, người dân Tòa nhà B1 và B1A gửi thông tin phản ánh ô nhiễm đến Cổng thông tin góp ý Đà Nẵng.

Gần đây nhất là ngày 23/10/2022, sau ngày Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam trực tiếp thực địa hiện trường vụ xả khói đen, đại diện Ban quản trị tiếp tục có đơn phản ánh gửi Sở tài nguyên Môi trường, Phòng Đô thị Q.Liên Chiểu, UBND P.Hòa Khánh Bắc và Ban quản lý khu công nghiệp Liên Chiểu.

Trong đơn nêu rõ “Hiện tại, khu chung cư chúng tôi với 460 căn hộ (1.500 khẩu) đang ở bị ô nhiễm không khí mùi than đá từ KCN Hòa Khánh rất nặng. Chúng tôi đã có nhiều phản hồi cho BQL Khu công nghiệp nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Công dân tại đây cũng đã phản ánh khá nhiều vào đường dây nóng 1022 của thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết. Với mật độ dân cư đông, đa phần là trẻ em nhưng với môi trường ô nhiễm như vậy thực sự đáng báo động đối với sức khỏe người dân. Thực sự chúng tôi rất cần sự quan tâm vào cuộc hỗ trợ từ các cấp chính quyền để đem lại môi trường sống trong lành…”

tm-img-alt
Ngày 23/10/2022, Ban quản trị tòa nhà B1 và B1A tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Anh Trần Ngọc Hải, Trưởng Ban quản trị khu E1 và E2 kiêm Tổ trưởng TDP tổ 82 phường Hòa Khánh Bắc thì cho biết, không chỉ khu B1 và B1A, mà 550 căn hộ với 1.500 dân ở nơi mình quản lý cũng có nhiều ý kiến phản ánh về ô nhiễm môi trường bởi khói, bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất khu công nghiệp Hòa Khánh.

Theo anh Hải, từ năm 2019, cư dân đã phải “chung sống” với ô nhiễm. Vào giờ khuya, lò hơn xả khói phát ra tiếng động rất lớn khiến trẻ con giật mình, sau đó có mùi hôi. Hầu hết cư dân quanh năm đóng cửa để chống ô nhiễm, nhà anh ở tầng 12, tầng cao nhất cũng bị ảnh hưởng.

Tình trạng ô nhiễm này kéo dài đã lâu, cư dân có phản ánh đến Ban quản trị, Tổ dân phố, nhờ chính quyền can thiệp nhưng chưa thấy cơ quan chức năng thông báo và có hướng giải quyết như thế nào. Nguyện vong của người dân là làm sao công ty sản xuất giảm bớt khói bụi, tiếng ồn và cơ quan chức năng phải kiểm tra mức độ ô nhiễm như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hay không để bà con yên tâm sinh sống”, anh Hải cho biết.

tm-img-alt
Chung cư nhà ở xã hội nằm gần KCN Hòa Khánh, cần được cơ quan chức năng TP Đà Nẵng sớm xử lý thực trạng ô nhiễm môi trường.  

Cũng theo anh Hải, hiện nay, vì lo sợ ô nhiễm, đã có rất nhiều hộ chuyển ra ngoài sinh sống, nhất là những nhà có trẻ nhỏ. Mới nhất là nhà anh Minh ở tầng 7 khu E2, vì lo cho sức khỏe con trẻ nên đã bán nhà, chuyển về xã Hòa Sơn (H.Hòa Vang) mua đất làm nhà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư. Đây là chủ trương rất nhân văn của chính quyền TP Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho đối tượng là công nhân có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở ổn định, yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, việc các công ty trong Khu công nghiệp Hòa Khánh xả thải ra môi trường, ảnh hưởng  trực tiếp đến đời sống của người dân tại chung cư nhà ở xã hội là hết sức đáng lo ngại, cần phải được các cấp có thẩm quyền vào cuộc giải quyết triệt để.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Ô nhiễm khu chung cư nhà ở xã hội, dân sống trong lo sợ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.