Thứ năm, 25/04/2024 00:08 (GMT+7)

Đà Nẵng sẵn sàng tiếp cận xu hướng phát triển đô thị thông minh

Nguyễn Thúy -  Thứ sáu, 20/05/2022 20:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thể giới, được Thành ủy, UBND TP nhận thức và quyết tâm hành động trong quá trình xây dựng phát triển bền vững TP Đà Nẵng.

Ngày 20/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”.

Sự kiện có sự tham dự của nhiều diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước; Đại sứ quán các nước Tây, Bắc Âu. Hội thảo tập trung vấn đề trọng tâm như: Phát triển Đô thị thông minh và thực tiễn tại Việt Nam; Chiến lược, định hướng và kết quả xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng; Hạ tầng đô thị thông minh, quản trị đô thị thông minh...

Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Từ năm 2014, Đà Nẵng bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực: giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm,...

Kế thừa hạ tầng, nền tảng, kinh nghiệm và kết quả đạt được, năm 2018, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc thành phố thông minh; chính thức ban hành, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng chống thiên tai…

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”.

Đặc biệt, ngày 28/8/2021, Đà Nẵng đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định chuyển đối số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố để mở ra không gian phát triển mới cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.

“Đến nay, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Thành phố đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình xây dựng TP thông minh", ông Hồ Kỳ Minh nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, công nghệ không ngừng thay đổi, yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và cách tốt nhất là phải hợp tác để đáp ứng. Hợp tác đó không chỉ là công nghệ mà còn là sự chia sẻ trải nghiệm của các mô hình, trao đổi kinh nghiệm tốt, thành công của các thành phố, doanh nghiệp.

Để triển khai thành phố thông minh thành công, Đà Nẵng đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính.

"Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối, mở rộng thị trường, đưa các giải pháp công nghệ số của Đà Nẵng/Việt Nam ra thị trường quốc tế", ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

tm-img-alt
Đà Nẵng đã và đang đặt ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai thành phố thông minh thành công.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Daniel Coenraad Stork - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM cho biết, tại Hà Lan, thành phố thông minh là một phần của chương trình nghị sự và phát triển đô thị bền vững. Đó là việc nâng cao khả năng sống, tính bền vững và tính toàn diện của thành phố. Thành phố thông minh là một hành trình liên tục, không phải là điểm đến cuối cùng. Các thành phố thay đổi với tốc độ chóng mặt, thật khó để dự đoán người dân sẽ cần và ước gì trong 30 năm tới.
"Giống như Đà Nẵng, du lịch rất quan trọng đối với Hà Lan. Xem xét đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, Hà Lan đặt mục tiêu phát triển Hà Lan thành một điểm đến đáng sống, phổ biến và có giá trị trong tương lai. Chúng tôi đã tạo ra một tầm nhìn dài hạn cùng với lĩnh vực này. Với tầm nhìn này, chúng tôi truyền cảm hứng, kết nối và tạo điều kiện cho các thành phố, khu vực, chủ sở hữu doanh nghiệp và các bên liên quan khác", ông Daniel Coenraad Stork chia sẻ.
Còn ông Hans-Peter Glanzer - Đại sứ Áo tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu các thành phố thông minh đang trở thành yếu tố tiên phong cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngày càng nhiều người di chuyến đến sinh sống ở các thành phố, Việt Nam cũng vậy tỷ lệ này đang tăng lên. Hiện nay, Vienna, thủ đô của Áo, với gần 2.000.000 dân, đã thông qua Chiến lược khung về thành phố thông minh vào năm 2014. Chiến lược khung này đã được cập nhật/sửa đổi vào năm 2019, đề ra sứ mệnh là xây dựng các mục tiêu cơ bản của Thành phố thông minh Vienna, xác định: chất lượng cuộc sống cao cho mọi người ở Vienna thông qua đổi mới xã hội và kỹ thuật trong mọi lĩnh vực; đồng thời, bảo tồn tối đa các nguồn tài nguyên.

Theo đó, đặt ra mục tiêu mức độ phát thải CO2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông vận tải giảm 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Việc chia sẻ phương tiện đi lại tại Vienna được thực hiện bởi hình thức vận tải thân thiện với môi trường, bao gồm: đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe ô-tô…

tm-img-alt
Ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo quốc tế tại Đà Nẵng.

"Hiện, Vienna đang khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp với những quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Mục tiêu của thành phố là thúc đẩy việc đi lại mà không sử dụng ô tô. Và mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là 80% di chuyển "xanh", 20% di chuyển bằng ô tô cá nhân và ít nhất 10% di chuyển bằng ô tô điện. Tiến tới việc chuyển đổi sang đi lại bằng xe điện, đặc biệt là trong dịch vụ hậu cần và vận chuyển", ông Hans-Peter Glanzer thông tin.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), hiện cả nước có 57 địa phương đã và đang triển khai các nội dung liên quan đến phát triển đô thị thông minh, trong số đó 44/63 tỉnh/thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Trong đề án đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cho phát triển đô thị thông minh, bền vững ở Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững. Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đô thị thông minh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đô thị thông minh bền vững. Đồng thời, hình thành kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia…

“Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc, điều phối sự phát triển của các đô thị thông minh, giải quyết các vấn đề mà đô thị không thể tự giải quyết. Trong đó, Trung ương cần xây dựng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn chung; thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan; khuyến khích các nỗ lực hỗ trợ cho phát triển đô thị thông minh; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm các dự án, ứng dụng mới… Đối với địa phương phải thận trọng, không phát triển đô thị thông minh theo phong trào; rà soát tổng thể tiềm lực, ưu thế từ đó xác định cụ thể ứng dụng lĩnh vực nào, kết quả theo từng giai đoạn; phát triển đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm...”, Tiến sĩ Trần Ngọc Linh chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng sẵn sàng tiếp cận xu hướng phát triển đô thị thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành