Thứ bảy, 20/04/2024 03:31 (GMT+7)

Đại biểu quốc hội tranh luận “nảy lửa” về Luật quy hoạch

MTĐT -  Thứ sáu, 31/05/2019 12:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (31/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội.

Trong phiên thảo luận sáng nay (31/5), nhiều đại biểu không đồng tình với nhận định trước đó của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về việc hàng trăm dự án phải dừng lại vì vướng Luật quy hoạch, một số đại biểu đã liên tục bấm nút xin tranh luận.

Trước đó, theo VOV, phát biểu trên Hội trường về KT-XH, chiều 30/5, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình cho rằng cần khắc phục vấn đề “nóng” liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng đã làm các dự án tạm dừng vì sự bất cập của luật.

“Thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, làm cho nhiều dự án đầu tư ngừng hoạt động” – ông Nguyễn Ngọc Phương lo lắng và cho biết hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch.

“Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ, không tháo gỡ được khó khăn. Đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những sai sót vừa qua. Hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch, bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành” – vị đại biểu đoàn Quảng Bình kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. 

Theo báo ANTĐ, tranh luận về ý kiến của đại biểu Phương, sáng nay 31/5, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, ý kiến trên là sự phóng đại và phủ nhận những công lao của Quốc hội và Chính phủ.

Theo đại biểu tỉnh Cao Bằng, tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong việc sử dụng đất đai gây bức xúc trong dư luận xã hội chủ yếu là do sự điều chỉnh quy hoạch của các dự án.

Trong một thời gian dài, hệ thống quy hoạch không có quy củ, tạo cho tư duy nhiệm kỳ việc điều chỉnh quy hoạch thường xuyên là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những nổi cộm, bất cập trong dư luận.

Vì vậy, theo ông Hùng, ban hành Luật Quy hoạch là để xây dựng hệ thống quy hoạch quy củ, có tầng lớp và tính tuân thủ. "Để ban hành được luật, tất cả đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả", ông Hùng nói.

Đại biểu Phùng Văn Hùng tranh luận tại nghị trường. Ảnh: VOV.

Cũng không đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, theo báo Giao thông, tại phiên thảo luận chiều qua (30/5), ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng Luật Quy hoạch đã được Chính phủ chuẩn bị từ khóa XIII. Tuy nhiên, đến khóa XIV thì Quốc hội mới xem xét và thông qua tại 3 kỳ họp.

Dự thảo nghị định kèm theo đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, luật được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Riêng các hoạt động lập, thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được triển khai trước từ ngày 1/3/2018, tức là các nội dung quan trọng, cốt lõi của luật được làm trước một bước, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chuyên ngành đi sau.

Đến ngày 5/2/2018 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 11 giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện triển khai các nhiệm vụ cụ thể để triển khai quyết liệt Luật Quy hoạch theo quy định của luật, rất tiếc đến tận ngày 5/7/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37 quy định chi tiết một số điều để thi hành luật.

“Vì chưa có nghị định trên nên các quy hoạch không thể triển khai được, đây là nguyên nhân chính và là nguyên nhân duy nhất luật không triển khai được”, ông Sinh nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu quốc hội tranh luận “nảy lửa” về Luật quy hoạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...