Thứ năm, 18/04/2024 19:20 (GMT+7)

Đại biểu Quốc hội ủng hộ 'xả nhiều rác, phải trả nhiều tiền'

MTĐT -  Thứ năm, 18/06/2020 22:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Liên quan đến việc "ai xả rác nhiều hơn phải đóng tiền nhiều hơn", theo ANTĐ, đại biểu Nguyễn Chí Tài (đoàn Thừa Thiên Huế) đồng tình quan điểm dự thảo luật là không thu phí rác cộng đồng mà tính trên cơ sở “ai xả rác nhiều hơn phải đóng tiền nhiều hơn”.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, phương thức thu phí này bình đẳng, khách quan, khoa học, tiến bộ, khác với tình trạng thu phí kiểu đánh đồng, bình quân như hiện nay.

Theo ông Tài, cũng cần quy định các hộ gia đình ở đô thị phải phân loại rác thải vào các bao bì, song để triển khai hiệu quả cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đầu tư trang thiết bị đồng bộ trong suốt quá trình thu gom, phân loại, xử lý; đồng thời tăng cường công tác giám sát của người dân, của cộng đồng cũng như có chế tài xử lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

“Đây là vấn đề mới, quá trình triển khai giai đoạn đầu chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần có lộ trình, phù hợp với đặc điểm từng địa phương”, ông Tài kiến nghị.

Ảnh minh họa: Internet.

Theo TTXVN, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này đã có cách tiếp cận mới trong quản lý chất thải rác thải đô thị và nông thôn, trong đó có đưa nội dung đóng phí rác thải dựa trên khối lượng. Theo đó, tùy theo lượng chất thải phát sinh ở hộ gia đình và người dân có phân loại hay không phân loại sẽ đóng mức phí khác nhau.

“Đây là cách tiếp cận mà nhiều nước trên thế giới đã làm, không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta đưa ra quy định như này sẽ vấp phải khó khăn vướng mắc. Hiện ý thức trong phân loại rác của người dân Việt Nam chưa được như nhiều nước phát triển. Chúng ta cần tuyên truyền nâng cao nhận thức mới thực hiện được quy định này”, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng băn khoăn việc thu gom rác theo số lượng sẽ khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, khâu vận chuyển, thu gom của Việt Nam vẫn chưa đảm bảo về vấn đề này. Một số địa phương đã từng thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhưng khi người dân phân loại rác rồi đơn vị thu gom, vận chuyển lại gom chung vào một xe nên việc phân loại không có tác dụng. Do đó, để thực hiện thu phí rác thải theo số lượng và thực hiện phân loại rác tại nguồn thì Việt Nam cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho đồng bộ, từ khâu phân loại, thu gom và xử lý.

Cùng với đó, theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, khi quy định đóng phí mà chia ra làm nhiều đối tượng như vậy sẽ phát sinh đội ngũ khá lớn để kiểm tra việc thực hiện phân loại rác và cân đo khối lượng.

“Nếu chúng ta không giám sát và kiểm soát tốt thì sẽ rất khó để tính toán được việc người dân phân loại rác đến đâu và mức đóng phí như thế nào. Chúng ta cần tính toán kỹ trong dự thảo luật cũng như sau này khi luật được xem xét thông qua thì quy định dưới Luật do Chính phủ và bộ ngành quy định phải rõ ràng mới thực hiện thuận lợi”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu ý kiến.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với ý kiến sẽ thực hiện thu phí rác thải theo khối lượng. Người nào càng xả nhiều rác thì càng phải nộp nhiều tiền. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải thống nhất và đồng bộ giữa các đơn vị từ thu gom đến xử lý.

Góp ý vào dự thảo, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cho rằng: “Trả tiền theo mức độ phát thải rác, đồng ý nhưng cần nghiên cứu cơ chế kiểm tra giám sát để bảo vệ chính sách, nâng cao ý thức người dân, tăng cường kiểm soát để thực hiện nghiêm quy định này”.

Đăng Thái (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội ủng hộ 'xả nhiều rác, phải trả nhiều tiền'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.