Thứ năm, 28/03/2024 18:56 (GMT+7)

Đại dịch COVID-19 và cơ hội thay đổi cách thức phát triển đô thị

MTĐT -  Thứ bảy, 09/05/2020 10:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch COVID-19 đã làm người dân phải điều chỉnh cuộc sống trong nhiều tháng qua. Khi đại dịch qua đi, chúng ta sẽ học được nhiều bài học, trong đó có cả lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) khoảng có thời điểm gần như không có một bóng người những ngày cách ly toàn xã hội vì COVID-19. Ảnh: Tri Thức Trẻ

Năm 2003, khi việc điều trị cho các bệnh nhân SARS còn ở giai đoạn sơ khai, bác sĩ Việt Nam đã mở cửa sổ cho nắng gió lưu thông thay vì đóng kín. Đây vẫn là cách làm phù hợp khi điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay. Khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, chúng ta chỉ có thể trông vào sức đề kháng của mình. Sức đề kháng lại dựa vào hoạt động thể chất vốn đang suy giảm tại các thành phố lớn.

Nhìn lại giai đoạn phát triển vừa qua ở Việt Nam và nhiều quốc gia, con người dường như đã chọn cuộc sống ngày càng xa rời tự nhiên. Công nghệ chất tẩy rửa, y sinh, dược phẩm và y tế công cộng (vắc xin, giám sát, theo dõi và kiểm soát dịch bệnh) cho phép các căn nhà xây mật độ cao hơn, tối tăm hơn. Không gian đô thị 20 năm qua đã phát triển để ủng hộ thói quen lệ thuộc vào công trình và phương tiện cá nhân. Giờ đây cư dân đô thị có thể đi làm và sinh hoạt mà gần như không phải tiếp xúc với bên ngoài. Đô thị ngày càng nhiều quán cà phê, quán nhậu nhưng lại ít công viên, sân thể thao... 

Cư dân đô thị càng cần nắng, gió, cây xanh và vận động thể chất chứ không phải chỉ máy lạnh và những tiện nghi trong phòng kín. Ảnh: TL

Xu hướng trở lại với tự nhiên hay xanh hơn dù được thừa nhận nhưng vẫn khó thực hiện. Những trào lưu gần đây về phát triển đô thị mới đã cổ xúy mô hình lấy con người làm đơn vị tổ chức không gian (urbanism), ưu tiên cho người đi bộ (walkable city), thành phố sinh thái (eco-city), nhỏ gọn (compact city) hay tăng trưởng xanh và thông minh hơn (green & smarter growth)... đều có chung định hướng hạn chế xe cá nhân, mở rộng không gian công cộng. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn do thói quen lười vận động và lựa chọn dễ dãi, khi xe hơi vừa tiện dụng và còn là biểu tượng của thành đạt, khi không khí quá ô nhiễm, giao thông công cộng chưa đáp ứng và khí hậu ngày càng nóng hơn.

Quy hoạch đô thị hiện đại cần sử dụng cả hai cách tiếp cận trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những rủi ro đến từ mật độ cư trú cao, không gian chật hẹp có thể giải quyết từ tiếp cận tự nhiên hoặc công trình (nhân tạo).

Lịch sử phát triển đô thị cho thấy cơ hội để thay đổi lớn thường chỉ đến sau những thất bại lớn. Các quy định về kiểm soát mật độ xây dựng và dân cư đã đến từ đe dọa của bệnh tật do ô nhiễm không khí thế kỷ XIX. Quy định giới hạn chiều dài các công trình liên kế ra đời sau khi có những đám cháy lan mất kiểm soát từ thế kỷ XVII. Những mất mát lớn về sinh mạng sau các đợt bùng phát dịch hạch thế kỷ XIII; dịch tả, đậu mùa thế kỷ XIX… giúp các nước kiên định trong duy trì tỉ lệ cây xanh, kiểm soát mật độ xây dựng và đầu tư vào hạ tầng nước sạch, vệ sinh môi trường…

Quy hoạch đô thị hiện đại cần sử dụng cả hai cách tiếp cận trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những rủi ro đến từ mật độ cư trú cao, không gian chật hẹp có thể giải quyết từ tiếp cận tự nhiên hoặc công trình (nhân tạo). Tiếp cận tự nhiên tối ưu hóa để nắng, gió, mặt nước và không gian sinh thái ngăn cách các nguy cơ. Cách tiếp cận nhân tạo phải dựa vào các công trình và dịch vụ tiện ích để hạn chế rủi ro thiên tai, ngập lụt, cháy nổ, ô nhiễm và bệnh tật. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhân tạo thường dẫn đến san lấp hoặc tôn nền diện rộng, đắp đê và thoát nước cưỡng bức, sử dụng nhiều năng lượng hơn…

Vấn đề là thúc đẩy sự phát triển theo hướng nào? Không thể loại bỏ cách tiếp cận công trình nhưng vẫn có cơ hội lựa chọn tăng trưởng xanh hơn và cuộc sống đô thị khỏe mạnh hơn. Đối với người dân, nếu mọi người cùng hiểu giá trị cuộc sống xây dựng trên nền tảng sức khỏe thì hy vọng cơ hội thay đổi sẽ đến.

Vẫn biết rằng những thay đổi có tính nền tảng cần nhiều thời gian, nguồn lực, sự hợp tác và đặc biệt là quyết tâm cao. Song, thách thức lớn cũng tạo cơ hội lớn và lựa chọn thuộc về chúng ta! 

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Đại dịch COVID-19 và cơ hội thay đổi cách thức phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.