Đại dương “ngạt thở” trong rác thải nhựa sau đại dịch
Hình ảnh những chiếc khẩu trang và găng tay y tế dùng một lần tràn ngập tại nhiều bãi biển trên khắp thế giới đang làm dấy lên một thực trạng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương.
Bước lùi trong nỗ lực giảm rác thải nhựa
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền những hình ảnh đàn cá bơi giữa những rặng san hô, xung quanh khẩu trang y tế cùng găng tay cao su trải đầy dưới đáy biển được một thợ lặn quay ngoài khơi thành phố Antibes (tỉnh Alpes-Maritimes miền Nam nước Pháp), một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải khiến nhiều người lo ngại về tình trạng rác thải nhựa đại dương.
Theo Guardian, các nhà bảo tồn đã cảnh báo từ lâu rằng đại dịch Covid-19 có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm ở các đại dương - vốn đang tràn ngập rác thải nhựa đe doạ sinh vật biển. Mặt nạ và khẩu trang y tế dùng một lần hiện đã xuất hiện trên bờ và dưới đáy biển tại nhiều nơi trên thế giới.
Ông Nick Mallos làm việc tại tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy cho rằng: “Chúng ta biết ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu. Nó tồn tại trước khi đại dịch xuất hiện. Chúng ta cần phải cẩn trọng về việc sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào sau đại dịch”.
Rác thải y tế ở vùng biển. Ảnh: MSN. |
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, khi dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia phải chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và tăng cường dự trữ khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ, với số lượng lớn nên dẫn đến số lượng dư thừa, song một thực tế không thể phủ nhận là các loại rác thải này ảnh hưởng trực tiếp đối với môi trường xung quanh.
Mặt khác, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên tình trạng vứt bừa bãi rác thải y tế diễn ra ở nhiều nơi và thiếu lực lượng thu gom, tiêu hủy. Đây cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm rác thải. Trong số này không ít rác thải tuồn vào các kênh rạch, sông ngòi và chảy ra biển.
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Cao đẳng London (Anh), nếu mỗi người dân Anh sử dụng mỗi ngày một khẩu trang (loại dùng một lần) trong một năm, sẽ tạo ra 66.000 tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, tức khoảng 1kg rác thải nhựa/người.
Còn tại Canada, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang hàng ngày trong trường hợp không thể thực hiện giãn cách xã hội, trong khi nhiều người sử dụng các loại găng tay dùng một lần để phòng dịch Covid-19. Kết quả là khẩu trang và găng tay đã qua sử dụng đang chất đống không chỉ ở Canada mà còn trên quy mô toàn cầu. Nhiều loại khẩu trang được sản xuất từ polymer sẽ phải mất hàng thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ để phân hủy.
Trước tình hình này, Cơ quan Y tế công cộng Canada kêu gọi người dân tăng cường rửa tay, thay vì sử dụng găng tay gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến cáo sử dụng khẩu trang làm từ vải tự nhiên, có thể giặt được thay cho loại khẩu trang y tế dùng một lần.
Khẩu trang sẽ nhiều hơn sứa
Ông John Hocevar, Giám đốc chiến dịch đại dương thuộc tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace USA, chia sẻ: “Ngay bên ngoài nhà tôi là những chiếc khẩu trang và găng tay thải ra sau khi sử dụng. Hai ngày hôm nay, trời đều mưa tại Washington DC (Mỹ). Chính vì vậy, những loại rác thải này nhanh chóng bị cuốn trôi xuống cống và đổ ra sông Anacostica, tại vịnh Chesapeake và cuối cùng là Đại Tây Dương”.
Operation Mer Propre - tổ chức phi chính phủ của Pháp điều phối các hoạt động nhặt rác dọc theo vùng biển phía nam nước này, bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng trước, khi các thợ lặn phát hiện "rác thải Covid-19" bao gồm găng tay, khẩu trang và chai nước rửa tay bên dưới đáy biển Địa Trung Hải, bên cạnh những chiếc cốc và chai nhựa dùng một lần.
Số lượng khẩu trang và găng tay không phải là quá lớn, nhưng ông Joffrey Peltier đến từ tổ chức này cho rằng mối quan ngại bây giờ là một loại rác thải mới - nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh mọi người trên khắp thế giới phải sử dụng các loại trang bị y tế dùng một lần để đối phó với virus corona.
Ông Laurent Lombard đến từ tổ chức Chiến dịch Biển sạch - tổ chức phi chính phủ của Pháp điều phối các hoạt động nhặt rác dọc theo vùng biển phía nam nước này vừa nhận định: "Có lẽ sớm thôi chúng ta sẽ có nguy cơ nhìn thấy nhiều khẩu trang hơn là sứa ở Địa Trung Hải".
Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo, không có các biện pháp xử lý kịp thời thì có lẽ loại “rác thải thời Covid 19” này sẽ ngày càng tràn lan, tác động trực tiếp đến môi trường sống của chúng ta.
Và có lẽ những hình ảnh đầy ấn tượng thay cho lời kêu cứu từ đại dương kia chính là lời cảnh tỉnh mọi người về một loại rác thải mới trong thời kỳ đại dịch toàn cầu diễn biến phức tạp.
Nhóm này cho biết, "Với tất cả các giải pháp thay thế, nhựa không phải là thứ duy nhất bảo vệ chúng ta khỏi Covid-19. Đó là thông điệp của chúng tôi".
Minh Tuệ(t/h)