Thứ tư, 24/04/2024 21:12 (GMT+7)

Đại tá Trần Trọng Giá từ tác giả Lục Bát "Gửi lại dòng sông" đến CLB "Trái tim người lính"

MTĐT -  Chủ nhật, 04/09/2022 09:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Gửi lại dòng sông" là tập thơ thứ hai (sau "Lặng thầm", NXB Hội Nhà văn, 2020) của Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá, được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm ông tròn 70 tuổi, nên mang ý nghĩa đặc biệt

tm-img-alt
Đại tá CCB Trần Trọng Giá và Tiến sĩ KHQS, Anh hùng LLVTND, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (Chủ tịch Hội đồng Quản lý "Mãi mãi tuổi 20").
Đại tá, CCB Trần Trọng Giá là một trong 6 tác giả Lục Bát vừa được Cộng đồng tôn vinh trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Việt Nam năm Nhâm Dần – 2022. Khi còn tại ngũ, ông từng đảm nhiệm trọng trách Trưởng phòng của Quân khu Thủ đô.
Là một sĩ quan cao cấp có uy tín với đồng đội và người kết nối giỏi, nên sau Ngày hội, chúng tôi đã trân trọng mời ông làm Trưởng Ban Vận động thành lập Câu lạc bộ “Trái tim người lính Thủ đô” và ông đã vui vẻ nhận lời. Nhân đây, xin giới thiệu bài viết “Một nguời con của làng Phú Nhiêu và những câu thơ Gửi lại dòng sông” cũng là Lời tựa của tập thơ ông vừa ra mắt bạn đọc. 
*
Phú Nhiêu là một làng cổ, nằm cạnh sông Hoàng Long, thuộc xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Chả thế mà đã hàng ngàn đời nay, Thành hoàng làng được thờ chính là Đức Thánh Tản Viên. Cả đình và chùa của làng Phú Nhiêu đều có từ khoảng 600 năm trước, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đã mai một, vừa được trùng tu xây dựng lại khang trang và to đẹp hơn. Thật vinh dự và tự hào khi dân làng còn giữ được hàng chục sắc phong quý hiếm và vô giá của các vị vua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam xưa…
Một người con của làng Phú Nhiêu…
tm-img-alt
Đại tá CCB Trần Trọng Giá trong Lễ ra mắt Câu lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20", Hà Nội, 8/2022.
Tròn 70 năm trước, vào năm Nhâm Thìn - 1952, cậu bé Trần Văn Giá cất tiếng khóc chào đời tại làng Phú Nhiêu, trong một gia đình có năm anh em, bốn trai và một gái: Trần Bình Trọng (1950 - 1968), Trần Văn Giá (sau đổi tên đệm thành Trần Trọng Giá), Trần Văn Dũng, Trần Tiến Dĩnh và Trần Thị Đông.
Người cha là cụ Trần Văn Quý (1922 - 2012) từng đi dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, sau đó từng tham gia Ban quản trị Hợp tác xã; còn người mẹ là cụ Vũ Thị Hiếm (1920 - 1986), một nông dân đảm đang và chất phác. Hồi đó miền quê này thuộc vùng chiêm trũng, bà con đều rất nghèo, bởi mỗi năm chỉ cấy được một vụ, quanh năm ăn cơm độn khoai và sắn. Nhiều khi chỉ có khoai không. Những mùa đông đói rỗng bụng và rét thấu xương là cảm nhận tuổi thơ, ấn tượng còn mãi không quên của nhiều người cùng lứa tuổi với cậu bé Giá ở vùng quê này ngày ấy.
Trai làng Phú Nhiêu có nghề thợ mộc, thường xa gia đình, mang đồ nghề đi kiếm cơm khắp nơi. Học xong lớp 10, Trần Văn Giá cũng theo bạn bè học nghề thợ mộc và đi làm ăn xa. Cuối năm 1974, gia đình nhận được tin buồn: người anh trai cả trong nhà là Trần Bình Trọng đi bộ đội Đặc công đã “Anh dũng hi sinh tại mặt trận Phía Nam”, người cha bèn cho gọi Trần Văn Giá về quê, giục con đăng ký nhập ngũ, Trần Văn Giá đã quyết định lấy tên của người anh trai đã hi sinh làm tên đệm cho mình từ đấy: Trần Trọng Giá!
Đó cũng là thời điểm quân và dân ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trần Trọng Giá vào bộ đội ngày 17/2/1975. Chỉ sau một tháng huấn luyện khẩn cấp, anh đã có mặt trong đoàn quân vào mặt trận, nhưng không ai còn phải khoác ba lô đi bộ vượt Trường Sơn như trước nữa, mà ngồi trên xe ô tô, chủ yếu là làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường và tiếp quản vùng mới giải phóng.
Lữ đoàn Công binh 7 thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) của anh lính trẻ Trần Trọng Giá đã lần lượt tiến quân vào căn cứ Đồng Dù Biên Hòa, rồi tham gia giải phóng tiếp quản sân bay Trà Nóc (Cần Thơ). Dọc đường đi, xác địch còn nằm la liệt và quân tư trang, xe pháo, súng đạn… chúng vứt lại để bỏ chạy còn ngổn ngang, la liệt khắp hai bên đường. Tiếp nhận các căn cứ và bàn giao cho đơn vị bạn xong, đơn vị của Giá kéo quân về đóng ở căn cứ Đồng Bà Thìn (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa)…
Tháng 3 năm 1976, Trần Trọng Giá được cấp trên quan tâm cho ra Bắc học thêm văn hóa và ôn thi đại học. Cuối năm đó, anh trúng tuyển vào trường Sĩ quan Tài chính. Cũng năm ấy, anh gặp lại một người bạn học cùng quê, cùng tuổi, nhập ngũ từ 1970, sau khi ra quân đã thi đỗ vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đó là cựu chiến binh Vũ Thanh Tùng. Thỉnh thoảng, Giá đến trường Tổng hợp thăm Tùng và tại đây, như một cơ duyên, anh đã tình cờ được tham dự một đêm thơ sinh viên, được chứng kiến nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 - 2021) đọc thơ…
Hồi ấy, nhà thơ trẻ Hoàng Nhuận Cầm đang là một hiện tượng Thơ với bạn đọc. Khi đang học khóa 15 khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã tạm gác sách vở nhập ngũ ngày 6/9/1971, cùng đồng đội vào chiến đấu tại Quảng Trị. Sau 5 năm phục vụ trong quân ngũ, anh cởi áo lính trở lại làm sinh viên của khóa 21, khoa Văn trường Tổng hợp. Mỗi khi Hoàng Nhuận Cầm tham gia các đêm thơ và đọc thơ là lại như cháy hết mình. Sinh viên vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt, trong số các “fan cuồng” của Hoàng Nhuận Cầm hồi ấy có Trần Trọng Giá!
Từ mê thơ đến làm thơ là nhờ… Hoàng Nhuận Cầm
Vốn học giỏi toán từ thời còn học phổ thông, nhưng Trần Trọng Giá bỗng mê thơ đến mất ăn mất ngủ. “Thần tượng” của anh hồi đó chính là nhà thơ trẻ cùng tuổi vừa cởi áo lính Hoàng Nhuận Cầm. Giá mê thơ Cầm tới mức, anh thường xuyên đạp xe từ đơn vị đến ký túc xá Mễ Trì để nghe đọc thơ. Thậm chí có lần xe hỏng chưa kịp chữa, Giá quyết định đi bộ mấy cây số cho kịp đêm thơ. Người đầy mồ hôi, nhưng khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “lên đồng”đọc thơ là mọi mệt nhọc của Trần Trọng Giá đều tan biến. Anh nghe như nuốt từng lời. Nhiều bài thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc mấy chục năm về trước, bây giờ Trần Trọng Giá vẫn nhớ như in trong đầu và đọc lại vanh vách cho bạn bè cùng nghe.
Một kỷ niệm đáng nhớ của Trần Trọng Giá với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Khoảng cuối năm 1980, khi Trần Trọng Giá đã về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn Pháo binh 452 và được bổ nhiệm là Trưởng Ban Tài chính Trung đoàn. Một lần, được đơn vị giao cho đi bán đàn bò hơn một trăm con, nhận tiền mặt phía đối tác thanh toán xong, thì biết có đêm thơ của Hoàng Nhuận Cầm, Thiếu úy Trần Trọng Giá đã quyết định không về đơn vị ngay, mà mang cả ba lô tiền mặt ấy đến trường Tổng hợp, rồi gửi nhờ vào giường tầng của bạn Vũ Thanh Tùng, mượn vội bộ quần áo thường phục, mặc vào để đi nghe thơ. Sợ bạn mất tiền, Tùng đã mang ba lô tiền ấy lên hội trường cùng nghe thơ.
Sáng hôm sau, cũng vì lo ngại cho bạn nên Vũ Thanh Tùng đã xin nghỉ học để cùng áp tải ba lô tiền về đơn vị, bàn giao không thiếu một đồng, được lãnh đạo Trung đoàn cảm ơn và biểu dương. Vì Giá giới thiệu với lãnh đạo Trung đoàn Tùng từng là bộ đội đặc công đã giúp bảo vệ ba lô tiền khỏi bị trấn cướp, nên Trung đoàn đã “thưởng” hai tạ sắn tươi, cho cả một chuyến xe com măng ca chở về tận trường Tổng hợp. Hồi đó đang thời bao cấp nên bữa ăn sinh viên thường đói, Tùng chia sắn cho cả ký túc xá, cùng ăn no nê tới mấy ngày liền.
Chưa hết, tháng 8 năm 1987, sau khi Trần Trọng Giá được cấp trên tín nhiệm, điều động về công tác tại cơ quan Quân khu Thủ đô, anh còn kết nối với Phòng Tuyên huấn Quân khu mời nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tới cơ quan nói chuyện và đọc thơ cho cả ngàn cán bộ chiến sĩ nghe, tạo nên một sự kiện văn hóa ấn tượng và hiếm có trong đơn vị...
Chính vì thế mà sau khi nhận được tin Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời ngày 20/4/2021, Trần Trọng Giá đã buồn đau như mất đi một người ruột thịt thân thiết. Thật cảm động khi đọc những dòng tự sự, những câu thơ gan mật của một tâm hồn đa cảm, chân thành:
Mãi xa rồi đấy Cầm ơi!
Người như giọt nước đã rơi về nguồn
Vạt rừng cỏ cháy khói tuôn
Bao nhiêu mây trắng cứ buồn vào nhau
Đêm thơ còn lại nỗi đau
Và xin cỏ cứ một màu mãi xanh
Chén này uống đến tàn canh
Cầm ơi! Bạn ở trời xanh thế nào?
Rót đi cho cạn trăng sao
Một tôi với bóng Cầm vào rồi đi
Mai sau dẫu chẳng là gì
Vẫn còn “xúc xắc…” bởi vì nhớ nhau
Cầm ơi còn có nỗi đau
Cho tôi giữ hộ ngày sau lên trời
Cầm đi lặng lẽ không lời…
(Nhớ Hoàng Nhuận Cầm)
Ơn trời cho được chút “lộc thơ” Lục Bát
tm-img-alt
Đại tá CCB Trần Trọng Giá trong Lễ Công bố Kỷ lục Quốc gia và tôn vinh các Tác giả Lục Bát, Hà Nội, do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức vào 8/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Lục bát được xem là một thể thơ thuần Việt nhất, được nhiều người yêu mến, dễ làm, dễ thuộc, nhưng rất khó viết hay. Vậy mà Trần Trọng Giá đã chọn Lục bát và ông là người đã nặng lòng, trung thành và đắm đuối với dòng thơ truyền thống đã có từ ngàn năm ấy. Nó mỏng manh như sương khói của một thời chưa xa, nó là lời ru của mẹ, của bà, là tiếng nói của ông cha còn lại.
Trần Trọng Giá đã dũng cảm dấn thân gửi gắm tâm tình nồng ấm của mình qua những bài thơ trong tập Gửi lại dòng sông như trải nghiệm cuộc đời của chính tác giả. Trân trọng chữ “Tình”, những bài viết của tác giả có nhiều cảm xúc và những câu thơ thăng hoa của cây bút từng trải cuộc đời. Nhiều bài thơ của Trần Trọng Giá là những tâm tình mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời thường, hiền lành chân thật như hạt lúa, củ khoai, củ sắn quê nhà. Đọc thơ ông như xem lại những hình ảnh kỷ niệm từ quá khứ hiện về theo thời gian.
Âm hưởng chủ đạo trong "Gửi lại dòng sông" của Trần Trọng Giá là thơ tình. Dường như ông mê mẩn với thơ, như người bạn tình ở mọi lúc mọi nơi, từ trong chiêm bao, trong tiệc rượu, cả những lúc ngồi uống một mình hay những khi đối ẩm cùng bạn bè thi hữu. Đắm đuối với thi ca, nhưng thơ Trần Trọng Giá vẫn thể hiện sự chân thành, nhạy cảm với thời cuộc, với bạn hữu tâm giao. Trong thơ ông có cả những bài trào lộng hóm hỉnh, nhiều bài viết về tình yêu quê hương, đất nước đầy ắp cảm xúc.
Thơ như người bạn tri kỷ đồng hành cùng với Trần Trọng Giá ở tuổi đã xế chiều, đam mê đánh thức lại tuổi dậy thì, tuổi đang yêu, tưởng chừng như đã lãng quên để càng yêu mình và yêu người hơn. Để có tính khách quan hơn, trước khi mở máy tính viết bài tựa ngắn này, tôi đã mời mấy người bạn thơ của Diễn đàn Lục Bát Việt Nam nhặt ra mỗi người một câu mình thích; đồng thời, chúng tôi cũng thống nhất chỉ chọn hơn một trăm bài, trong số mấy trăm bài Lục bát đã có của tác giả…
Khi lắng lòng, bạn hãy cùng chúng tôi đọc thơ của Trần Trọng Giá để khám phá chiêm nghiệm những dấu ấn trong thơ ông.
Đôi khi, người ta có cảm nhận thơ Trần Trọng Giá như một khu vườn hoang muốn được người đọc tìm tòi, khám phá. Giữa đường đời, những trái ngang nghiệt ngã, tác giả đã mượn nước mắt trời trong mưa giữa bến trần ai này mà đồng cảm như: “Tình ai sương khói phù vân / Lạc trôi ta giữa bến trần và mưa… ” (Thôi đừng). Quê hương gắn liền với tuổi thơ ông. Ta như tìm thấy những kỷ niệm của chính mình đã được tác giả mã hóa thành thơ: “Ước mình là cánh buồm dong / Chở yêu thương với tuổi hồng về quê… ” (Về quê).
Ai cũng có những lúc cô đơn, nhưng cô đơn tới mức tự rót, tự mời chính mình như Trần Trọng Giá thì không nhiều lắm. Tác giả phải là người có nội tâm sâu sắc lắm mới có thể tư lự ngồi uống cạn đêm rồi viết những câu thơ thăng hoa: “Rượu xuân tự rót, tự mời / Giả làm tiên tửu lặng ngồi uống đêm… ”. (Đêm xuân).
Lục bát rất gần với lời ru của mẹ nên trong thơ Trần Trọng Giá người đọc thấy được nỗi tần tảo nhọc nhằn của người mẹ vùng đồng quê chiêm trũng. Phải là người đa cảm, quan sát tinh tế, cả những lúc nghe trong tiếng gió thầm thì mà cảm nhận mới viết được những câu thơ như thế. Hình ảnh người mẹ hiền lành, chất phác, chân trần trong giá lạnh với chiếc áo mỏng phong phanh thật cảm động như nói hộ tâm sự của nhiều người:
Thầm nghe trong tiếng gió lùa
Mẹ tôi lạnh cả ngày xưa lạnh về
Chân trần gió nổi tái tê
Phong phanh áo mỏng đêm về ủ con
(Mẹ ơi!)
Trần Trọng Giá cũng thật lãng mạn, người ta nói con hoang, chửa hoang… còn ông nói “mơ hoang”. Trong giấc “mơ hoang” ấy không biết tác giả mơ thấy, hay nói với nhau những gì, nhưng chắc chắn là một giấc mơ đẹp. Có thể ông đã gặp được người tình trong mộng mà ôm ấp thủ thỉ nên còn ngẩn ngơ nuối tiếc mãi trong lời mơ hoang như thế: “Canh năm vừa rạng mặt người / Ngẩn ngơ tôi tiếc trong lời mơ hoang”.
Tuy nhiên, nếu trong tập thơ này tác giả Trần Trọng Giá đầu tư dày công, trau chuốt ngôn ngữ thơ công phu hơn, viết nhiều chủ đề, nhiều thể loại hơn, chắc chắn ông sẽ có được vụ mùa bội thu trong cánh đồng thi ca bất tận này. Bài viết nhỏ này chỉ là một số cảm nhận của chúng tôi. Hy vọng bạn đọc đón nhận và có những cảm nhận của riêng mình.
Người có “số hưởng” và hậu vận hạnh phúc!
Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá tự nhận mình là người có “số hưởng”. Nhập ngũ muộn mằn so với bạn bè cùng lứa, dù được vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhưng ông lại không phải bắn một viên đạn nào mà chỉ ngồi trên xe ô tô, cùng đơn vị lần lượt tiếp quản các căn cứ của địch đã rút chạy và tan rã. Nghĩa là chỉ làm mỗi việc diễu binh cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất.
Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Tài chính, Trần Trọng Giá cũng hầu như không phải làm lính ngày nào nữa, mà rất nhanh chóng được bổ nhiệm làm “sếp”: liên tục thăng tiến từ trưởng ban cho tới trưởng phòng tài chính chỉ trong vài năm. Dĩ nhiên, trước hết đó là nhờ năng lực của bản thân ông, nhưng yếu tố may mắn là vô cùng quan trọng với một đời người!
Đại tá Trần Trọng Giá tự hào rằng: Dù làm cán bộ quản lý tài chính trong quân đội nhiều năm, nhưng ông không hề bao giờ có tư tưởng tham nhũng, tham ô; mà luôn giữ mình liêm khiết và trong sạch ngay cả trong suy nghĩ. Chính vì thế nên khi đang đảm nhiệm trọng trách Trưởng Phòng Tài chính của Quân khu Thủ đô - một cái “ghế” nhiều người thèm muốn, nhưng năm 2004 ông lại xin về hưu sớm trước tuổi tới 6 năm, để có thời gian và điều kiện làm kinh tế, lo toan cho cuộc sống gia đình. Và nay dù ông đã về hưu nhiều năm rồi, nhưng anh em đồng đội vẫn rất quý trọng. Họ thường xuyên đến thăm, tặng ông quà vàocác dịp lễ Tết.
Về cuộc sống đời tư, Trần Trọng Giá kết hôn từ năm 1970 với bà Nguyễn Thị Huê là cô nuôi dạy trẻ tại quê. Một năm sau, ngày 5/9/1971 họ đã sinh con trai đầu lòng Trần Văn Tuấn, sau đó là con gái Trần Thị Nhung (1974) và con trai Trần Quang Sáng (1982). Hiện ông bà đã có tám cháu cả nội lẫn ngoại, gia đình sung túc, viên mãn.
Thủa “hàn vi”, để có tiền cải thiện đời sống và nuôi vợ con, Trần Trọng Giá đã không nề hà bất cứ việc gì. Ông bảo nhờ trời thương nên từ thời bao cấp, khi cả nước còn đói khổ, thì ông đã biết cách kiếm tiền và sống thoải mái.
Trải qua nhiều nhiệm vụ công tác trong quân đội, sau khi về hưu, nhờ sự trợ giúp của con trai mình là một doanh nhân thành đạt, Đại tá cựu chiến binh Trần Trọng Giá đã xin phép bà con làng quê, dành thời gian hai năm, đầu tư một số tiền lớn, kêu gọi bà con dân làng cùng góp công sức, để khôi phục, trùng tu lại ngôi đình cổ của làng có từ gần 600 năm trước, đã bị hoang phế, xây thêm cả nhà ngang làm hội trường kiên cố, có sân khấu biểu diễn văn nghệ và đủ chỗ ngồi cho cả làng cùng xem lễ hội... Đình xây xong, ông Giá cùng với ông Vũ Trí Thức cất công tìm về Sở Văn hóa và Thông tin Ninh Bình mời các chuyên gia về làng Phú Nhiêu nghiên cứu, làm hồ sơ và các thủ tục cần thiết để đình làng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa:
Quê ta lại có đình làng
Lại tâm niệm lại đèn nhang phụng thờ
Đình làng có từ ngày xưa
Đất thiêng muôn thuở bao giờ cũng thiêng
Đất còn gìn giữ lời riêng
Lời riêng của đất nói riêng với mình
Nhớ thời loạn lạc đao binh
Trai làng theo nhịp trống đình tòng quân
Mẹ già làng xóm tiễn chân
Con đê phiêu bạt khuất dần phía sau
Làng mình đồng trũng nước sâu
Bao nhiêu lam lũ bạc màu nắng mưa
Và trong khao khát đợi chờ
Sân đình nhộn nhịp bây giờ là đây
Lại góp sức lại chung tay
Sẻ chia gian khổ dựng xây quê mình
Sống tròn đạo nghĩa nhân sinh
Nguồn xưa đức tổ tâm linh mãi còn.
(Đình làng Phú Nhiêu)
Bài thơ trên của Trần Trọng Giá được sáng tác trong dịp khánh thành công trình đình làng và trực tiếp đọc trong Lễ đón nhận Bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Đình Phú Nhiêu. Giờ đây nhiều người ở Phú Nhiêu mỗi khi ra đình làng đã thuộc và nhắc đến bài thơ ấy. Đó như là hạnh phúc, như một niềm tự hào chính đáng đã có từ ngàn đời ở miền quê này vậy...
Một ngày đẹp trời, trước khi bản thảo cuốn sách này được hoàn thành, Đại tá cựu chiến binh Trần Trọng Giá đã mời chúng tôi về thăm làng Phú Nhiêu quê ông. Ngoài người viết bài này còn có hai người bạn đồng tuế, đồng môn thân thiết của Đại tá Trần Trọng Giá là Nhà giáo Vũ Thanh Tùng (nguyên giảng viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và Nhà nghiên cứu Lê Huy Chuyên - người có nhiều bài viết rất sâu sắc về Tràng An. Chúng tôi đã được mời đi vãn cảnh đình và cảnh chùa của làng, cùng ngắm những nơi đẹp nhất của miền đất bên sông Hoàng Long này. Đứng bên dòng sông quê ấy, người đàn ông của làng Phú Nhiêu đã say mê đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ chứa chan tình cảm của bài “Giá mà” vừa được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc và ca sĩ Mai Hoa thể hiện:
Giá mà không bến không đò
Thì thuyền không đậu, không chờ đợi ai
Giá trời không có ban mai
Thì đêm cứ mãi mãi hoài là đêm
Giá mà ta chẳng gặp em
Thì đâu đến nỗi héo mòn con tim
Giá mà ta chẳng trộm nhìn
Thì giờ tiếc ngọc nổi chìm nỗi chi
Đành thôi tiếng bấc tiếng chì
Cải, răm cũng đến lúc đi về trời
Nặng lòng chi mãi người ơi
Quên nhau là để một đời nhớ nhau…
"Gửi lại dòng sông" là tập thơ thứ hai (sau "Lặng thầm", NXB Hội Nhà văn, 2020) của Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá, được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm ông tròn 70 tuổi, nên mang ý nghĩa đặc biệt. Trần Trọng Giá nói rằng: ông sẽ dùng cuốn sách này làm quà tặng, để tri ân bạn bè bà con làng Phú Nhiêu và người đọc gần xa đã quan tâm, ủng hộ và động viên mình cùng gia đình trong những năm qua.

Ninh Bình - Hà Nội, tháng 8 năm 2022

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

(Người sáng lập cộng đồng mạng Lục bát Việt Nam;

Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim Người lính Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết Đại tá Trần Trọng Giá từ tác giả Lục Bát "Gửi lại dòng sông" đến CLB "Trái tim người lính". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.