Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng lừng danh của dân tộc Việt Nam, được thế giới vinh danh là một trong những nhà quân sự lỗi lạc ở thế kỷ XX.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên (1990). Ảnh tư liệu lịch sử. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đại tướng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng Nhân dân, là vị tướng của Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
***
Đối với Thái Nguyên, trong những lần về thăm lại quê hương cách mạng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở và làm việc trong nhiều năm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), Đại tướng đã dành nhiều tình cảm quý báu, sự quan tâm đặc biệt đối với nhân dân các dân tộc vùng căn cứ địa năm xưa. Bài viết đi sâu vào ý nghĩa chính trị của những lần Đại tướng về thăm cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi hoà bình lập lại, nhân dân cả nước đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân lên thăm cán bộ, đồng bào nhân dân Thái Nguyên vào ngày 7/12/1986. Người đến thăm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo Khu Tự trị Việt Bắc, chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí, Người đến thăm Trường Thiếu sinh quân, sau đó Người đi thăm huyện Định Hoá. Người bồi hồi, xúc động nhắc lại những kỷ niệm thời kỳ kháng chiến, nơi Người đã từng ở và làm việc tại ATK Định Hoá trong chín năm trường kỳ chống thức dân Pháp. Người đi thăm cơ sở vật chất một số điểm của huyện Định Hoá. Người có đến thăm Hồ Bảo Linh, một công trình thuỷ lợi, do cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá đang thi công để phục vụ cho nông nghiệp. Tại đây, Người đã nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Định Hoá.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, đồng bào ATK Định Hoá (1986). Ảnh tư liệu lịch sử. |
Lần thứ hai, vào ngày 19/12/1990, Đại tướng có dịp về thăm cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Người đã đến thăm, gặp mặt các cựu chiến binh, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Tỉnh đội Bắc Thái, Người thăm Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, sau 30 năm thành lập (19/12/1960 – 19/12/1990). Tại đây Người thăm rất kỹ các phòng trưng bày của Bảo tàng, Người ân cần nói chuyện và thăm hỏi các cán bộ của Bảo tàng, sau đó Người đi thăm Bộ Tư lệnh Quân khu I. Đi đến đâu, Người cũng ân cần thăm hỏi sức khoẻ các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí nguyên lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc, của tỉnh Bắc Thái, Thái Nguyên, nhất là đối với các đồng chí lão thành cách mạng.
Lần thứ ba, Đại tướng thăm nhân dân Thái Nguyên vào năm 1995. Năm đó Người về Thái Nguyên, sau đó đi Định Hoá luôn. Buổi gặp mặt của Người với cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá thật lâu và sâu sắc nhất. Buổi gặp cán bộ, nhân dân diễn ra tại Hội trường huyện uỷ Định Hoá. Trong không khí phấn khởi, hồ hởi ấy có nhiều thành phần tham dự. Một kỷ niệm sâu sắc nhất đó là khi được tin Đại tướng về thăm, nhân dân và cán bộ náo nức tề tựu đông đủ đã đành, nhưng riêng các cháu thiếu niên nhi đồng cũng ùa tới rất đông, cháu nào cũng muốn được nhìn thấy, được đứng gần Đại tướng. Để giữ kỷ luật, các đồng chí an ninh trật tự yêu cầu các cháu giãn ra khỏi khu hội trường. Phát hiện ra điều đó, Đại tướng đứng dậy, giơ tay ra hiệu, miệng nở nụ cười rất tươi rồi nói: “Ấy đừng! Các chú cứ để cho các cháu vào, càng vui”. Cả hội trường như lặng đi bởi câu nói giản dị như thế. Còn các cháu thì sung sướng đến nghẹn ngào!
Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo huyện Định Hoá báo cáo với Đại tướng những nét đổi thay của quê hương Định Hoá sau 50 năm cách mạng thành công. Từ một huyện miền núi nghèo nàn và lạc hậu, Định Hoá đã vươn lên trong sản xuất nông – lâm nghiệp, giải quyết tốt vấn đề lương thực, phát triển chăn nuôi, nghề rừng, đời sống tạm đủ ăn, đời sống văn hoá tinh thần bước đầu được cải thiện. Các mặt y tế, văn hoá – giáo dục được quan tâm, con em trong độ tuổi được cắp sắp đến trường. Tuy vậy, Định Hoá vẫn chưa thoát khỏi nền kinh tế tự cấp, tự túc, kinh tế hàng hoá chưa phát triển, các thế mạnh chưa được khai thác triệt để, đặc biệt kinh tế công nghiệp ở Định Hoá còn yếu.
Mọi người đang muốn nghe ý kiến của Đại tướng thì Đại tướng đã đứng dậy:
– Thưa bà con, tôi về thăm huyện nhà, trung tâm của Thủ đô kháng chiến. Tôi đã tìm hiểu thì thấy quê hương Định Hoá đàng hoàng hơn, đời sống khá hơn. Tôi muốn được nghe bà con nói trước.
Thế là đại biểu các xã Phú Đình, Bảo Linh, Thanh Định, Điềm Mặc, Bình Yên, Sơn Phú… lần lượt phát biểu. Các đại biểu đều nói lên tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với Đại tướng cũng như những tâm tư nguyện vọng của bà con đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên quê hương cách mạng. Đại tướng nghe xong, nói tiếp: Thừa lệnh các đồng chí lãnh đạo cấp trên, tôi về thăm Định Hoá. Tôi rất xúc động được gặp lại bà con, cô bác và các cháu. Từ thời kỳ trứng nước, Định Hoá cùng với Bắc Sơn – Võ Nhai nhen nhóm phong trào cách mạng. Lúc Bác Hồ mới về nước, Bác ở Cao Bằng, Pác Bó, xa dân và xa trung tâm. Bởi thế, Bác và Trung ương quyết định về Thái Nguyên. Năm 1942, tôi tới bản Mù, bản Pàng. Năm 1947 Bác về đặt cơ sở chính ở Sơn Dương và di chuyển sang Định Hoá. Đây là một vinh dự rất lớn cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá chúng ta.
Người nói tiếp: Kỷ niệm ở Định Hoá với tôi rất sâu sắc. Bộ Tổng Tư lệnh, cơ quan Trung ương đều ở Định Hoá. Các đoàn thể phụ nữ, thanh niên thì ở Đại Từ. Anh Tô, anh Trường Chinh cũng đã ở Định Hoá trong những thời kỳ quan trọng. Bác Hồ khi thì ở Tuyên Quang, khi thì ở Phú Đình, ở Định Hoá, Trung ương quyết định chiến dịch Biên giới. Tại Tỉn Keo, Phú Đình đã quyết định chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà bia ghi dấu nơi diễn ra Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tại đồi Pụ Đồn (đồi Phong Tướng), xã Phú Đình, huyện Định Hóa. |
Tôi có ý định đi tới các địa danh xưa, nhưng do điều kiện không tới được, vậy cho tôi nhờ các đồng chí chuyển lời bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với đồng bào. So với lần trước tôi tới, Định Hoá bây giờ có nhiều thay đổi lớn, có hội trường, phố sá, nhà cửa khang trang hơn xưa. Số hộ nghèo giảm. Đời sống kinh tế có nhiều tiến bộ. Trẻ con được đi học gần hết, ít bỏ học. Sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khoẻ cũng phát triển, không còn nạn đói rét. Đó là một điểm đáng mừng. Xin nhiệt liệt hoan nghênh Đảng bộ chính quyền địa phương cùng toàn thể đồng bào. Như vậy, Định Hoá đã phát huy được truyền thống cách mạng năm xưa.
Sau đó, Người có đề nghị Định Hoá 3 điểm: muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân phải phát triển giao thông nông thôn; phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp có giá trị cao; chăn nuôi và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Và cuối cùng phát triển giáo dục – đào tạo bồi dưỡng nâng cao đội ngũ người lao động mới. “Còn các di tích lịch sử, tôi sẽ cùng các anh quan tâm. Theo tôi, cả huyện Định Hoá đáng được công nhận là di tích lịch sử”. Lời căn dặn của Người thấm vào từng cán bộ, đồng bào các dân tộc huyện Định Hoá, quyết tâm xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp.
Trong lý luận, Đại tướng cũng là người luôn quan tâm đặc biệt đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá, với quê hương vùng căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong tham luận “ATK Định Hoá – trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp” tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc” ngày 12/5/1997 do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên phối hợp với Viện Lịch sử Đảng tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống ở và làm việc tại ATK Định Hoá, Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò là nhân chứng lịch sử đã khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử của ATK Định Hoá đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là hết sức to lớn, Người viết: “Đặc biệt là huyện Định Hoá không có một nhà dân nào không có cơ quan ở trong kháng chiến chống Pháp, các cơ quan của Bác, cơ quan của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều tập trung đóng ở Định Hoá. Rõ ràng, Thái Nguyên là thủ đô của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện. Tình nghĩa của đồng bào Việt Bắc nói chung, Định Hoá, Thái Nguyên nói riêng đối với cách mạng, với kháng chiến hết sức sâu đậm. Tôi cũng nhiều lần trở lại thăm đồng bào, gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm xưa rất xúc động, thấy đời sống của nhân dân địa phương ATK còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Tôi đề nghị chúng ta phải góp sức quan tâm, đầu tư nhiều hơn để cuộc sống của đồng bào được nâng cao hơn nữa”.
Lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm cán bộ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên từ ngày 11 đến 14/8/1998, nhân dịp kỷ niệm 53 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Tiếp đón Đại tướng là các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ Thái Nguyên, lãnh đạo huyện Định Hoá, TP Thái Nguyên và huyện Võ Nhai cùng các chuyên viên nghiên cứu lịch sử của Bộ Quốc phòng, Viện Bảo tàng Cách mạng VN, Quân khu I. Mục đích chuyến đi của Đại tướng lần này là thăm lại nơi ở và làm việc, những gia đình có công đùm bọc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng thời, với tư cách là nhân chứng, xác định lại một số di tích lịch sử tại ATK và TP. Thái Nguyên. Đại tướng đã tóm lược về cao trào kháng Nhật của nhân dân ta, sự phát triển của các khu giải phóng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1845, nhấn mạnh vị trí chiến lược của Thái Nguyên trong Cách mạng Tháng Tám. Đại tướng nhắc nhở các nhà nghiên cứu lịch sử phải xác định đúng tên gọi của đội quân cách mạng ở từng thời kỳ, viết lịch sử phải hết sức tôn trọng lịch sử, vì: “Lịch sử chỉ diễn ra một lần, còn viết lịch sử phải viết nhiều lần”. Có như vậy, các thế hệ sau mới nhận thức đầy đủ nhưng năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của thế hệ cha anh; giáo dục thế hệ con cháu biết tôn trọng lịch sử, phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục giữ gìn, xây dựng đất nước giàu và đẹp.
Người đến thăm Nhà trưng bày bảo tàng ATK Định Hoá, khu di tích Tỉn Keo xã Phú Đình và nơi ở và làm việc của Đại tướng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Định Hóa không chỉ gắn liền với các địa danh nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, CHính phủ ở và làm việc, mà còn gắn liền với thời kỳ hoạt động của Đại tướng và gia đình trong Kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiên nay, trên địa bàn huyện có 181 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích (gồm 13 điểm) được Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích Địa điểm cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã ở và làm việc tại thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh. Cả gia đình Đại tướng cũng đóng ở gần đó; rồi địa điểm Đồi Pụ Đồn ở Tỉn Keo xã Phú Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948)…
Du khách tham quan Địa điểm cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã ở và làm việc (thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa). Nguồn: atkthainguyen.org.vn |
Đại tướng không nén nổi xúc động và vui mừng trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Đảng bộ nhân dân huyện Định Hoá, Người chụp ảnh lưu niệm bên cây hoa giâm bụt do Bác Hồ trồng trước cửa lán Tỉn Keo, thăm hỏi một số gia đình đã từng có người tham gia hoạt động cách mạng, hết lòng che chở, đùm bọc Đại tướng và gia đình trong những năm tháng hoạt động ở nơi đây. Đại tướng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới toàn thể nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá. Người nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo huyện phải biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của một huyện miền núi để thực hiện tốt công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Muốn làm được như vậy, huyện phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn tốt ở các huyện miền núi giống như Định Hoá, nghiên cứu những mô hình kinh tế phù hợp đưa vào thực hiện để phát triển mạnh kinh tế của huyện, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc. Trong những điều căn dặn, Người đề nghị để đảm bảo môi trường sinh thái huyện phải thực hiện tốt công tác bảo vệ quản lý rừng. Cuối cùng, Định Hoá là địa danh có rất nhiều di tích lịch sử, hầu hết các gia đình ở đây đều có công với cách mạng, tỉnh và huyện phải làm thế nào cùng địa phương, gia đình xác định đúng di tích lịch sử để tôn tạo, gìn giữ, bảo vệ; đối với người có công, cần có chính sách chăm lo thoả đáng. Định Hoá làm tốt những vấn đề trên cũng là thực hiện được lòng mong mỏi của Bác Hồ.
Đại tướng có cuộc làm việc với thành phố Thái Nguyên. Đại tướng rất vui mừng thấy TP. Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc về kinh tế, văn hoá, cũng như bộ mặt đô thị. Đặc biệt, Đại tướng đã đến thăm, làm việc với cán bộ, nhân dân xã Thịnh Đán và thăm Chùa Đán – nơi đây 53 năm trước (19/8/1945 – 19/8/1998) Đại tướng đã chỉ huy một đơn vị giải phóng đến Chùa Đán dừng chân để nghe báo cáo tình hình địch, để sau đó tấn công giải phóng thị xã. Đồng thời, đến thăm Đình Hàng Phố ở cạnh Tỉnh Đoàn – nơi đặt Sở chỉ huy Quân giải phóng do Đại tướng lúc ấy là Tổng chỉ huy đánh Nhật ở thị xã Thái Nguyên (ngày 20/8/1945). Đại tướng thăm Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Tại Chùa Đán và Đình Hàng Phố Đại tướng đã trồng cây đa lưu niệm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm di tích Chùa Đán (TP Thái Nguyên) ngày 13/8/1998. Ảnh tư liệu lịch sử. |
Ngày 14/8/1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm huyện Võ Nhai, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Võ Nhai, Đại tướng đã ôn lại những kỷ niệm trong kháng chiến chống Pháp tại huyện Võ Nhai, nơi Người đã được đồng bào các dân tộc che chở, đùm bọc. Đại tướng nhắc nhở lãnh đạo huyện phải luôn coi trọng việc tuyên truyền việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân nhất là lớp trẻ để giữ vững và phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng trong giai đoạn phát triển mới. Đại tướng đề nghị huyện phải hết sức quan tâm chăm lo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, quan tâm đến phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, đây là sức mạnh trong mọi công việc. Nhân dịp này, Người cũng đề nghị qua các đồng chí lãnh đạo huyện chuyển lời thăm hỏi đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước và toàn thể đồng bào các dân tộc huyện Võ Nhai, nơi Đại tướng đã có nhiều gắn bó trong kháng chiến chống Pháp năm xưa.
Trả lời phỏng vấn nhanh của cán bộ lịch sử Đảng tỉnh với Đại tướng, Người nói: “Tôi vô cùng cảm ơn sự đùm bọc, cưu mang của đồng bào các dân tộc ở đây nói riêng và Định Hoá nói chung và coi đây như quê hương thứ hai của mình. Đến nay đã 39 năm xa Việt Bắc, cũng có lần được về thăm, nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn nhớ tới đồng bào và biết ơn nhân dân các dân tộc vùng căn cứ địa Việt Bắc”.
Trong trận mạc, thời chiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy trăm trận, trăm thắng, nhiều kinh nghiệm chiến đấu và chỉ đạo lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thời bình, Người là người luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân đặc biệt là đối với đồng bào vùng căn cứ địa kháng chiến cũ. Trong những lần về thăm tỉnh Thái Nguyên, Người đã để lại nhiều tình cảm xúc động, với những lời căn dặn vô cùng quan trọng, Người đã từng coi “Thái Nguyên như quê hương thứ hai của mình”. Các di tích lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng những lời căn dặn của Người trong những lần về thăm tỉnh Thái Nguyên là di sản văn hoá, sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân tỉnh Thái Nguyên, là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa của các dân tộc Việt Nam./.
Nguyễn Đình Hưng
(Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Theo vannghethainguyen.vn