Thứ sáu, 26/04/2024 02:44 (GMT+7)

Đảm bảo An ninh nguồn nước quốc gia

MTĐT -  Thứ sáu, 27/08/2021 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đảm bảo An ninh nguồn nước (ANNN) phục vụ sản xuất và phát triển KT-XH có ý nghĩa quan trọng cho phát triển đất nước, phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.

ANNN bao hàm nhiều lĩnh vực, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội. ANNN đã được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được cả xã hội quan tâm,và Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ xây dựng Đề án riêng trình Quốc hội xem xét.

Tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, cùng các Bộ, ngành tham gia xây dựng Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang)

An ninh nguồn nước:

ANNN là loại hình an ninh phi truyền thống được cộng đồng quốc tế quan tâm. Việt Nam, với vị trí địa lý nằm ở hạ nguồn các lưu vực sông lớn, 63% nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào hoạt động phát triển tại các quốc gia thượng nguồn các lưu vực sông – nghiên cứu quốc tế xếp nước ta là một trong số các quốc gia rủi ro cao mất an ninh nguồn nước. 

Hệ thống thủy lợi cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%), hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha, cấp khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, kết hợp phát điện, bảo đảm giao thông thủy; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất; tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, công nghiệp, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp.

Việt Nam không giàu về nước, tổng lượng nước mặt bình quân trên đầu người của Việt Nam đạt khoảng 9.000 m3, nguồn nước nội sinh chỉ khoảng 3.800 m3 (2019), thấp so với trung bình ở Đông Nam Á là 4.900 m3 và trên thế giới là 4.000 m3. Mặc dù tổng lượng nước mặt khoảng 840 tỷ m3, nhưng có đến 63% sản sinh bên ngoài lãnh thổ, nguồn nước nội sinh chỉ chiếm 37% (ADB, 2013; WB, 2019; 2030WRG, 2017).

Việt Nam hiện đang đối mặt với khó khăn, thách thức từ thiếu hụt nguồn nước, biến đổi khí hậu, tác động của phát triển cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Quốc hội gần đây về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của quốc tế, với đặc thù riêng của Việt Nam, có khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sử dụng trên 80% tổng lượng nước, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai do nước,bảo đảm an ninh nguồn nước nước ta, gồm 4 trụ cột:

- Đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, cấp đủ số lượng và chất lượng nước theo các mức đảm bảo cho sản xuất, đô thị, các ngành kinh tế thiết yếu trên cơ sở cân đối chung nguồn nước quốc gia, góp phần phát trển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng.

- Giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước; đặc biệt đối với khu vực dân cư nghèo, vùng sâu, vùng xa.

- Bảo vệ chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái nước.

- Công bằng trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.

Cống thủy lợi Vũng Liêm

Định hướng giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia nhằm mục tiêu chủ động nguồn nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng đủ nhu cầu nước theo các mức đảm bảo cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu trên cơ sở cân đối hài hòa nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các địa phương, vùng, miền, lưu vực sông, điều hòa nguồn nước từ nơi thừa đến nơi thiếu, hình thành mạng liên kết nguồn nước quốc gia, giảm thiểu tối đa phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài.

Chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khoẻ, đời sống, sản xuất của người dân, góp phần ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, phát triển đất nước; tiếp cận toàn diện và tích hợp để quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng thích ứng thiên tai thông qua các biện pháp công trình, phi công trình.

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia phải được giải quyết đồng bộ với tái cơ cấu lại nền kinh tế và được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa mục tiêu, liên ngành, kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình, trong đó kết cấu hạ tầng thủy lợi giữ vai trò quan trọng.

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi

Theo Tổng cục Thủy lợi

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo An ninh nguồn nước quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.