Thứ bảy, 20/04/2024 17:39 (GMT+7)

Đánh giá hiệu quả Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng khi thay đổi quy mô đầu tư

MTĐT -  Thứ năm, 08/12/2022 14:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hòa Bình bổ sung đánh giá tính đồng bộ, hiệu quả của Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, xác định nguyên nhân phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thay đổi quy mô đầu tư.

Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh Hồ chứa nước Cánh Tạng lên 4.100 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hòa Bình bổ sung đánh giá tính đồng bộ, hiệu quả của Dự án, xác định nguyên nhân phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thay đổi quy mô đầu tư.

Hoàn chỉnh nội dung bảo vệ môi trường

Bộ Xây dựng góp ý thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình, do Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh năm 2022.

Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 15/4/2017, có tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Dự án được đề xuất điều chỉnh (1) Cụm công trình đầu mối gồm: Hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ và cống lấy nước; (2) Hệ thống đường ống dẫn nước gồm: Đường ống chính, đường ống nhánh cấp 1 và đường ống nhánh cấp 2. (3) Tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án hơn 4.100 tỷ đồng.

Việc đầu tư xây dựng (ĐTXD) Dự án nhằm điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế, cơ sở cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân 17 xã thuộc hai huyện Yên Thủy và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay điều chỉnh thành 13 xã do thực hiện sáp nhập các xã của huyện Yên Thủy và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình); Cấp nước bổ sung vào mùa kiệt cho các công trình tưới đã xây dựng ở hạ du thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Theo ý kiến Bộ Xây dựng, Dự án phù hợp tiêu chí phân loại dự án nhóm A được quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Cần rà soát, bổ sung và cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hết hiệu lực. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD.

Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên hiện nay dự án đã được đề xuất điều chỉnh quy mô ĐTXD, do vậy các nội dung bảo vệ môi trường của dự án cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Điều 99 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung đánh giá tính đồng bộ, hiệu quả của Dự án khi thay đổi quy mô đầu tư hệ thống dẫn nước từ chiều dài tuyến đường ống chính là 33,4km xuống còn 19,4km kèm theo 17km ống nhánh.

Đồng thời rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đảm bảo các nội dung đã được quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Khoản 10 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Làm rõ từng thành phần chi phí

Dự án được phê duyệt năm 2018, đến thời điểm hiện nay pháp luật quản lý chi phí về ĐTXD đối với Dự án đã có sự sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên hồ sơ Dự án chưa làm rõ nội dung này.

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ NN&PTNT căn cứ quy định chuyển tiếp, thực tế thực hiện và các quy định có liên quan để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định. Thuyết minh rõ phần không điều chỉnh và phần điều chỉnh của từng thành phần chi phí trong sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được duyệt. Rà soát, đối chiếu giá trị các thành phần chi phí để đảm bảo tính thống nhất của số liệu.

Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hòa Bình cũng cần xem xét, đánh giá cụ thể, xác định nguyên nhân việc phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo rà soát và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của khối lượng, giá, đơn giá với thiết kế sơ bộ điều chỉnh. Làm rõ cơ sở tạm tính một số chi phí như: khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh; khảo sát giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; lập hồ sơ lưu trữ điện tử; tư vấn độc lập thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; mô tả địa chất hố móng trong quá trình xây dựng đảm bảo theo quy định.

Xem xét lại tính toán chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, chi phí khác của công trình đầu mối, hồ chứa, do các chi phí này chiếm tỷ trọng khá lớn khoảng 21,7% so với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị trong tổng chi phí đầu tư.

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá hiệu quả Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng khi thay đổi quy mô đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Xây dựng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất