Thứ sáu, 29/03/2024 22:01 (GMT+7)

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ tư, 07/06/2023 10:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực cấp thoát nước ở vùng Đồng bằng sông (ĐBSCL) là rất cao, trong khi các doanh nghiệp cấp thoát nước ở đây đều đang rất thiếu.

Nhóm nghiên cứu thu thập các số liệu thứ cấp về hiện trạng và quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL từ các báo cáo và nghiên cứu gần đây của Cục Kỹ thuật hạ tầng, Bộ Xây dựng, Hội CTNVN, các nghiên cứu liên quan, để đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực CTN ở vùng ĐBSCL.

TÓM TẮT:

Nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực cấp thoát nước ở vùng ĐBSCL là rất cao, trong khi các doanh nghiệp cấp thoát nước ở đây đều đang rất thiếu. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã triển khai 2 đợt đào tạo KS CTN hệ vừa làm vừa học cho vùng ĐBSCL từ năm 2002 và 2014, phối hợp với Hội Hội Cấp thoát nước Việt Nam (CTNVN), Trường ĐHXD Miền Tây và mạng lưới các Công ty CTN trên địa bàn.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ SV tốt nghiệp cao (tương ứng 85,9% và 89,8%), hầu hết SV ra trường làm đúng ngành nghề được đào tạo (93,5% và 83,1%), trong số đó, nhiều SV đã trở thành các cán bộ chủ chốt, đảm nhận các vị trí quan trọng (45,2% và 33,8%) tại các doanh nghiệp quản lý vận hành khai thác các hệ thống CTN, MTĐT, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng hay các cơ quan quản lý Nhà nước trên khắp các địa bàn 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng để mang lại nguồn nước sạch tới người dân, thu gom và xử lý nước thải, rác thải ở các địa bàn vốn đang rất cần nhân lực để xây dựng, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh và phát triển KT-XH.

Từ khóa: Đào tạo; Đồng bằng sông Cửu Long; kỹ sư cấp thoát nước

ABSTRACT:

The demand for qualified human resources in the field of water supply and sewerage in the Mekong Delta is very high, while the water supply and sewerage enterprises here are very lacking. Hanoi University of Civil Engineering has conducted 2 on-the-job education batches on water supply and sanitary engineering for the Mekong Delta from 2002 and from 2014, in collaboration with the Vietnam Water Supply and Sewerage Association, Mien Tay Construction University, and the network of water and wastewater companies in the area. A survey on the employment position of students after graduation was carried out and the results show that the percentage of students graduating is high (85.9% and 89.8%, respectively). Among them, many students have become key officials, holding important positions (45.2% and 33.8%) at enterprises - operators of water and wastewater systems, design consultancy, construction or state management agencies throughout the 13 provinces and cities in the Mekong Delta, making an important contribution to bringing clean water to the people, collecting and treating wastewater, waste in areas that are in dire need of human resources to build and operate technical infrastructure systems for serving people's livelihood and socio-economic development.

Keywords: Education; Mekong Delta; water supply and sanitary engineer

1. GIỚI THIỆU

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh/thành phố, chiếm 12,3% diện tích toàn quốc, hiện có 174 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng trên 31%, thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước (gần 40%). Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng ĐBSCL đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18-19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5-7,5 triệu người, tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35-40% [1].

Tổng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ là khoảng 3 triệu m3/ngày. Để khai thác, xử lý, vận chuyển và phân phối nước đảm bảo đủ khối lượng và chất lượng cho các nhu cầu khác nhau, cũng như để thiết kế, thi công, quản lý vận hành và bảo trì các công trình thu gom, xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, hay các công trình hạ tầng kỹ thuật khác ở các đô thị, cơ sở sản xuất và khu công nghiệp, nông thôn, cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân viên lành nghề, nắm vũng kỹ thuật, có trách nhiệm và yêu nghề, có chuyên môn vững vàng.

Nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực cấp thoát nước ở vùng ĐBSCL là rất cao, trong khi các doanh nghiệp cấp thoát nước ở đây đều đang rất thiếu kỹ sư Kỹ thuật Cấp thoát nước (KSCTN). Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) đã triển khai đào tạo KSCTN cho vùng ĐBSCL từ năm 2002 và đã đạt được những kết quả rất khích lệ. Một số kết quả và kinh nghiệm được giới thiệu sau đây.

2. NỘI DUNG

2.1. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu đào tạo các lớp KSCTN tại vùng ĐBSCL K42 và K54 của Trường ĐHXDHN, tìm hiểu quá trình đánh giá nhu cầu đào tạo, tổ chức lớp đào tạo và khảo sát vị trí việc làm của các sinh viên tốt nghiệp ra trường thông qua phỏng vấn sâu các GV và cán bộ quản lý Trường ĐHXDHN, ĐHXD Miền Tây, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (CTNVN), các doanh nghiệp CTN vùng ĐBSCL và các SV tốt nghiệp.

Nhóm nghiên cứu cũng thu thập các số liệu thứ cấp về hiện trạng và quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL từ các báo cáo và nghiên cứu gần đây của Cục Kỹ thuật hạ tầng, Bộ Xây dựng, Hội CTNVN, các nghiên cứu liên quan, để đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực CTN ở vùng ĐBSCL.

2.2. Những thách thức đối với ngành CTN vùng ĐBSCL và nhu cầu nguồn nhân lực

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, thúc đẩy KT-XH và nhiều lợi ích cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, những biến đổi về môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ phát triển, cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng rõ rệt, đang là những thách thức lớn đối với vùng kinh tế quan trọng này.

Những thách thức và nguy cơ mà ĐBSCL phải đối mặt là: BĐKH, nước biển dâng, suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nguy cơ xói lở bờ sông, sụt lún đất, hạn hán, xâm nhập mặn, các vấn đề nội tại về phát triển thiếu bền vững và tác động của thủy điện Mekong.

Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, với nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi. Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp… đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ như vốn có trước đây. Việc phát triển hệ bờ bao, khu dân cư vượt lũ… làm giảm không gian chứa lũ, thoát lũ, gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực. Diện tích chứa lũ giảm đồng thời mực nước biển dâng sẽ làm tăng mực nước lũ ở khu vực trung tâm ĐBSCL trong thời gian dài.

Tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL khoảng 1,32 triệu m3/ngày. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch bình quân toàn vùng đạt khoảng 94,2%, tương đương tỷ lệ bình quân của cả nước (thấp nhất là Kiên Giang, 88,4%; cao nhất là Long An, 100%). Tiêu chuẩn cấp nước trung bình 100-120 lít/người.ngày. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình vùng ~20% (cao hơn so với trung bình cả nước) [2].

Toàn vùng có 2.811 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước cho 65,6% dân số nông thôn. ~11% công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. 24,7% dân số nông thôn sử dụng nước từ các công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, trong đó chỉ có 12% đạt quy chuẩn chất lượng nước [2].

Xâm nhập mặn ngày càng trở nên phức tạp hơn. Hàng năm, nước mặn thường xuất hiện vùng các cửa sông từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 1. Bản đồ xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2017 và dự báo năm 2050 [7]

Ranh giới xâm nhập mặn cao nhất trung bình nhiều năm (mức 4 g/l) các sông ở ĐBSCL như sau [2]:

- Trên sông Vàm Cỏ, mặn dưới Xuân Khánh chừng 5 - 6 km trên sông Vàm Cỏ Đông, cách biển ~70 km và khoảng đầu kênh Lagrange (Tuyên Nhơn) trên sông Vàm Cỏ Tây, cách biển ~75 km;

- Trên sông Tiền, mặn vượt qua Mỹ Tho chừng 2 - 3 km, gần cửa kênh Nguyễn Tấn Thành, cách biển 57 km;

- Trên sông Hàm Luông, mặn vượt qua Mỹ Hóa (Bến Tre), cách biển 56 km;

- Trên sông Cổ Chiên, mặn vượt qua ranh giới huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), cách biển 59 km;

- Trên sông Hậu, mặn vào đến đầu kênh Số Một (Kế Sách - Sóc Trăng), cách biển 50 km;

- Ở vùng bán đảo Cà Mau, mặn vượt qua Mỹ Tú, Ngã Năm, Cầu Đúc, Bến Nhất, kênh Nước Mặn;

- Ở vùng Tứ giác Long Xuyên, mặn qua kênh Rạch Giá - Hà Tiên từ 5km đến 10 km tùy từng nơi.

Những năm khô hạn, ranh mặn có thể lên cao hơn trung bình 5 - 10 km, thậm chí trên 15 km. So với ranh mặn 4 g/l, ranh mặn 1 g/l vào sâu thêm từ 5 km đến 10 km tùy từng sông.

Chiều dài xâm nhập mặn vào cửa sông phụ thuộc chặt chẽ bởi 06 yếu tố là: (1) Dòng chảy kiệt từ thượng nguồn sông Mê Công; (2) Khả năng trữ nước cuối mùa lũ của vùng ĐBSCL; (3) Diễn biến mực nước ven biển; (4) Tình trạng sử dụng nước ở ĐBSCL; (5) Hình dạng lòng sông vùng cửa; (6) Diễn biến mưa đầu mùa mưa.

Để đối mặt với tình hình nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất bị xâm nhập mặn, ô nhiễm, một số giải pháp đang được áp dụng, với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, là:

- Sử dụng các hệ thống lọc nước quy mô nhỏ và vừa, cố định hoặc di động, công nghệ RO, chưng cất,…;

- Sử dụng nguồn nước mưa, quy mô nhỏ và vừa;

- Truyền dẫn nước thô hay nước đã qua xử lý từ khu vực khác, theo mô hình cấp nước liên tỉnh;

- Xây dựng các hồ trữ nước ngọt;

- Xây dựng các công trình ngăn mặn;

- Vận chuyển nước ngọt bằng đường bộ, đường sông;

- Nghiên cứu phát triển các công nghệ mới xử lý nước mặn hay tái chế nước hiệu quả, tiết kiệm năng lượng: CDI, IE, FO, …;

- Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ đổi mới công nghệ, sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm.

Tổng lượng nước thải đô thị toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý mới chỉ dưới 5%. Một số hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ nguồn ODA điển hình: TP Cần Thơ (công suất 30.000m3/ngày), TP Sóc Trăng (13.200m3/ngày), TP Châu Đốc (5.000m3/ngày), TP Trà Vinh (9.500m3/ngày) [1].

Tình trạng úng ngập đô thị còn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi, thậm chí có xu hướng gia tăng. Vùng ĐBSCL đang triển khai một số dự án thoát nước, chống ngập úng đô thị, ứng phó với BĐKH, điển hình như: FPP cho Cà Mau, Rạch Giá, Long Xuyên (GIZ), Cần Thơ (WB), ...

Tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị toàn vùng được thu gom khoảng hơn 4.300 tấn/ngày, đạt khoảng 78%. Toàn vùng hiện có 10 nhà máy xử lý CTR tập trung đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đáp ứng ~30% lượng CTR phát sinh, trong đó, công nghệ đốt chiếm 30%.

Có 6 cơ sở ứng dụng công nghệ sản xuất phân compost với công suất từ 50-200 tấn/ngày. Có 02 khu xử lý CTR cấp vùng đã được quy hoạch: (1) Khu công nghệ môi trường xanh tại Thủ Thừa, Long An, quy mô 1.760ha; (2) Khu xử lý chất thải nguy hại cho vùng ĐBSCL tại Cà Mau, quy mô 20ha [1].

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL như sau: phát triển thành 2 vùng cấp nước: (1) Vùng Đông Bắc sông Hậu, bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp; (2) Vùng Tây Nam sông Hậu: Bao gồm toàn bộ các tỉnh/TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong các vùng cấp nước, theo điều kiện nguồn nước, chia thành các khu vực: Thuận lợi, ít thuận lợi và khó khăn về nguồn nước, làm cơ sở lựa chọn giải pháp cấp nước phù hợp.

Các khu vực thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang; một phần TP Cần Thơ. Các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang; một phần tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Các khu vực khó khăn về nguồn nước gồm các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh; một phần tỉnh Vĩnh Long [3] [4].

Với các điều kiện bất lợi về địa chất, địa chất thủy văn, việc xây dựng hệ thống hạ tầng tại khu vực ĐBSCL là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật. Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL là rất lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng cũng rất cần thiết, đòi hỏi đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có trình độ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ngày càng cao.

2.3. Tiếp cận thị trường, chọn loại hình đào tạo và mở lớp đào tạo

Từ những năm 2000, khi các doanh nghiệp CTN vùng ĐBSCL bắt đầu chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường, từng bước cổ phần hóa, mở rộng quy mô sản xuất và địa bàn phục vụ, trong khi các sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn ở lại các thành phố lớn như TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ tìm cơ hội việc làm hấp dẫn hơn, nắm bắt nhu cầu cao về KSCTN ở vùng ĐBSCL, Trường ĐHXDHN đã phối hợp với Hội CTNVN và mạng lưới các Công ty CTN cùng ĐBSCL mở lớp đào tạo KSCTN hệ vừa làm vừa học (VLVH) ở địa bàn này, lấy cơ sở tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. Với rất nhiều cố gắng, lớp đã được mở với 107 SV theo học, từ hầu hết các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL, một số SV từ TP.HCM, Bình Dương.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ SV tốt nghiệp cao (85,9%), hầu hết SV ra trường làm đúng ngành nghề được đào tạo (93,5%), phần lớn làm việc ở các công ty cấp nước ở các tỉnh ĐBSCL, trong số đó, có rất nhiều SV đã trở thành các cán bộ chủ chốt, đảm nhận các vị trí quan trọng, đóng góp hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cấp thoát nước. 2 SV tốt nghiệp đã tiếp tục học ở bậc cao học, và trở thành giảng viên Trường ĐHXD Miền Tây.

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 2. Lớp 42CTN tại Đồng Tháp bảo vệ đồ án tốt nghiệp năm 2007.

2.4. Phối hợp đào tạo với trường tại ĐBSCL

Năm 2011 Trường ĐHXD Miền Tây được thành lập. Năm 2012 Khoa Kỹ thuật hạ tầng được thành lập, với 21 giảng viên, nòng cốt là TS, ThS tốt nghiệp chuyên ngành CTN từ các trường đại học phía Nam.

Trường ĐHXDHN tiếp tục phối hợp với Hội CTNVN và Trường ĐHXD Miền Tây mở lớp KSCTN hệ VLVH khóa 54, với 71 SV đến từ hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL.

Trên cơ sở khung chương trình đào tạo, nội dung đào tạo được cập nhật cho phù hợp với điều kiện thực tế của vùng ĐBSCL. Các nội dung thực hành, tham quan, thảo luận về các bài toán thực tế tại các địa phương vùng ĐBSCL rất được chú trọng. Tham gia giảng dạy có GV của ĐHXDHN và ĐHXD Miền Tây.

Bảng kết quả đào tạo KSCTN của ĐHXDHN mở tại ĐBSCL

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ SV tốt nghiệp cao (89,8%), hầu hết SV ra trường làm đúng ngành nghề được đào tạo (83,1%). Bên cạnh các công ty cấp nước, một số SV tốt nghiệp đã vào làm việc ở các công ty thoát nước, môi trường đô thị, khi các dự án thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường được triển khai ở các tỉnh ĐBSCL.

Nhiều SV đã trở thành các cán bộ chủ chốt, đảm nhận các vị trí quan trọng, đóng góp hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 3. Quách Minh Hiển, Phó TGĐ Công ty CP Cấp nước Hậu Giang, SV lớp 54CTN tại Vĩnh Long bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

2.5. Kết hợp đào tạo đại học với các hoạt động chuyên môn

Để đảm bảo cho các bài giảng được sinh động, gắn với thực tiễn với các bài toán mang đặc thù của vùng ĐBSCL, chương trình đào tạo tích hợp nhiều nội dung thảo luận, tham quan thực tế. Các GV của ĐHXDHN cùng SV tham gia nhiều hoạt động chuyên ngành trong khu vực ĐBSCL, như tham gia Hội nghị Ban chấp hành Chi hội CTN miền Nam kết hợp triển lãm vật tư, thiết bị, công nghệ Nước.

Trường ĐHXDHN đã phối hợp với ĐHXD Miền Tây tổ chức Hội thảo chuyên đề Các giải pháp cấp nước và vệ sinh cho vùng ĐBSCL, với sự tham gia của >100 đại biểu từ các doanh nghiệp CTN, VSMT đô thị và nông thôn trong khu vực. Các hoạt động này đã thực sự gắn kết thầy và trò, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, đưa các kiến thực học gần hơn với thực tế và ngược lại.

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 4. Tham quan NM Nước Bình Đức, An Giang.
Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 5. Tham quan NM Xử lý nước thải Bình Đức, An Giang.

Cho đến nay, các SV tốt nghiệp và các doanh nghiệp CTN vùng ĐBSCL vẫn thường xuyên liên lạc với GV, đề nghị hỗ trợ giải quyết các vấn đề gặp phải trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Trường ĐHXDHN đã hỗ trợ các doanh nghiệp CTN trong ĐBSCL trong một số dự án cụ thể, như đánh giá và cải tạo trạm xử lý nước Hòa Phú, đánh giá thực trạng để tiếp nhận Nhà máy XLNT Cần Thơ, tối ưu hóa vận hành Nhà máy XLNT KCN Trà Nóc, góp ý xây dựng và điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL,...

Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 6. Trường ĐHXDHN, Trường ĐHXD Miền Tây và một số doanh nghiệp phối hợp tổ chức Hội thảo Cấp nước và Vệ sinh cho vùng ĐBSCL (2018)
Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 7. Nhà máy XLNT TP Cần Thơ.
Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hình 8. Trạm cấp nước Hòa Phú, Vĩnh Long.

2.6. Con đường phía trước

Với tổng số cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường vùng ĐBSCL là 16.800 người ([6] và ước tính của nhóm nghiên cứu), nhu cầu KS CTN đến năm 2030 ước tính là 560 người (tỷ lệ 10 KS CTN cho mỗi doanh nghiệp có 300 CB-NV). Bên cạnh kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc thi công xây dựng, quản lý vận hành khai thác các hệ thống và công trình cấp nước, thu gom và XLNT, vệ sinh môi trường ở đô thị, công nghiệp và nông thôn, quản lý Nhà nước, việc có bằng KS CTN sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch [5].

Nếu kể đến nhu cầu KS CTN ở các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp thi công xây lắp, tư vấn thiết kế, kinh doanh vật tư thiết bị, ..., số lượng KS CTN cần cung cấp cho ĐBSCL khoảng 1.000 người. Nhu cầu này mở ra các cơ hội hợp tác tiếp tục giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp CTN trong những năm tới. Đặc biệt, lựa chọn các nội dung đào tạo bám sát chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chú trọng nội dung thực hành và giải quyết các bài toán thực tiễn tại khu vực ĐBSCL, sẽ phải được ưu tiên.

3. KẾT LUẬN

Thông qua đào tạo KS CTN hệ VLVH, Trường ĐHXDHN và ĐHXD Miền Tây đã đóng góp khoảng 160 KS CTN cho vùng ĐBSCL, thực hiện việc "xóa trắng KS CTN ở vùng này“ như Hội CTNVN đã đánh giá. Quan trọng hơn, các SV tốt nghiệp ra trường đã phát huy tốt, nhiều SV đang giữ các trọng trách tại các doanh nghiệp quản lý vận hành khai thác các hệ thống CTN, MTĐT, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng hay các cơ quan quản lý Nhà nước trên khắp các địa bàn 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng để mang lại nguồn nước sạch tới các khu dân cư ở địa bàn, thu gom và xử lý nước thải, rác thải, vốn đang rất cần xây dựng, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh và phát triển KT-XH.

Chọn loại hình và nội dung đào tạo phù hợp, phối hợp với mạng lưới các doanh nghiệp, đặc biệt là với Hội CTNVN, với chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Nhà trường, sự nhiệt tình, tận tâm của các giảng viên giỏi, sự phối hợp và tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan là những kinh nghiệm tốt, đóng góp vai trò quan trọng để mở được lớp, thu hút được sinh viên, giữ được SV đến lớp và đảm bảo đầu ra tốt.

Giữ vững mối liên hệ nghề nghiệp với các SV và doanh nghiệp, giúp SV định hướng cơ hội tiếp tục học tập ở bậc cao hơn sau khi tốt nghiệp, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp tục học cao học sẽ mở thêm cơ hội học tập và phát triển tương lai, với mô hình đào tạo KS nối tiếp với ThS.

Phối hợp với cơ sở đào tạo trên địa bàn khi đối tác có đủ nguồn lực giúp thu hút đầu vào, giảm chi phí đào tạo, đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên ngành ở cơ sở đào tạo địa phương.

Cần tiếp tục duy trì mô hình hợp tác đào tạo giữa các trường mạnh, có truyền thống đào tạo lâu năm, với các trường đóng trên địa bàn, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ở địa phương, với các loại hình đào tạo khác nhau, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh mới. [Online]. Available at: https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/67369/he-thong-ha-tang-ky-thuat-do-thi-nong-thon-tai-vung-dong-bang-song-cuu-long-trong-boi-canh-moi.aspx. Trích dẫn từ: Tạp chí Xây dựng & Đô thị - Số 74+75/2021. [2]. Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng. Báo cáo tổng hợp, Nhiệm vụ KH-CN cấp Bộ Xây dựng. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Hà Nội, 2022. [3]. Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. [Online]. Available at: https://vanban.chinhphu.vn/ [4]. Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 08/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. [Online]. Available at: https://vanban.chinhphu.vn/ [5]. Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/06/2022 của Chính phủ về việc Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. [Online]. Available at: https://vanban.chinhphu.vn/ [6]. Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Báo cáo kết quả khảo sát các chỉ số vận hành doanh nghiệp cấp thoát nước các năm 2019, 2020, 2021. Hà Nội, 2022. [7]. Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam, Bộ NNPTNT. Tổng quan nguồn nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo tại Hội thảo chính sách "Giải pháp cấp nước vùng ĐBSCL Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tháng 12 – 2020.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, THS Giang Văn Tuyền - Bộ môn CTN và MT, Khoa KTHTĐT, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây 

Bạn đang đọc bài viết Đào tạo kỹ sư kỹ thuật cấp thoát nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới