Thứ năm, 18/04/2024 07:37 (GMT+7)

Đáp án, đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chuẩn nhất

MTĐT -  Thứ ba, 25/06/2019 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đáp án, đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cập nhật đáp án gợi ý môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2019 nhanh nhất, chuẩn nhất...

Đề thi chính thức môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT như sau:

Đề thi chính thức môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT năm 2019.

ĐỀ THI THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

Bố cục đề thi như sau:

Đề thi gồm 2 phần đọc hiểu và tự luận với tổng thời gian hoàn thiện bài là 120 phút

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích:

Biết nói gì trước biển em ơi!
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

(Trước biển - Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Văn học, 1985)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn trích trên được biết theo thể thơ nào?

Câu 2: Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm

Câu 3: Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió

Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời

Cái giản đơn sâu sắc như đời

Câu 4: Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5 điểm)

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa dòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình đầy gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

- HẾT -

ĐÁP ÁN VĂN THPT QUỐC GIA 2019:

*Đang cập nhật.

I. ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

Câu 1: Thể thơ của đoạn trích: Tự do

Câu 2: Nội dung của 2 dòng thơ:

- Câu thơ nói về khó khăn cực nhọc của bao kiếp người

- Ca ngợi phẩm chất cần cù, chịu khó, dám hy sinh của con người

- Thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa, yêu mến, trân trọng của tác giả đối với những con người gắn bó cuộc đời với biển cả mênh mông.

II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

CÂU 1:

I. Dẫn dắt vấn đề

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Sức mạnh ý chí trong cuộc sống là một trong những phẩm chất đáng quý quan trọng của con người trong xã hội hiện nay, phẩm chất đó được rất nhiều người theo đuổi và cố gắng duy trì mỗi ngày.

II. Bàn luận vấn đề

- Sức mạnh là khả năng tác động mạnh mẽ đến con ngừời. Là động lực giúp con ngừời vựợt qua những khó khăn của cuộc sống.

- Ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn bên ngoài và bên trong. Năng lực này không phải tự nhiên ai cũng có như nhau - nói cách khác, ý chí là một phẩm chất tâm lí của cá nhân, một thuộc tính tâm lí của nhân cách.

+ Nguồn gốc: Ý chí từ xưa đến nay vẫn luôn được mỗi chúng ta coi trọng bởi nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cuộc sống cũng như con người trong xã hội, mỗi chúng ta cần phải duy trì và rèn luyện cho mình phẩm chất đạo đức và rèn luyện đức tính kiên trì, những ý chí sống mạnh mẽ.

+ Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống hiện nay: Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng phải trải qua những khó khăn, thử thách trong xã hội, chính vì thế việc rèn luyện cho mình ý chí sống là một trong những việc làm quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

+ Ý chí của con người giúp ta có thêm nhiều niềm tin, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, gian nan vất vả trước cuộc sống của mình.

+ Ý chí của con người trong cuộc sống là phẩm chất quan trọng để giúp chúng ta có được nhiều giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống của mình, ý chí giúp chúng ta có thêm nhiều sức mạnh để vượt qua những khó khăn, giúp chúng ta có thêm nhiều động lực, vượt qua được những khó khăn thử thách của cuộc sống.

+ Trong xã hội chúng ta gặp rất nhiều người có phẩm chất kiên trì, có ý chí sống, đó là những con người kiên trì không ngại khó, ngại khó dám đối đầu và vượt qua những thử thách, không ngại khó, ngại khổ, mà cố gắng kiên trì, bươn trải vượt qua những gian nan vất vả của cuộc sống.

+ Trong cuộc sống chúng ta cũng gặp rất nhiều tấm gương quan trọng trong xã hội họ cũng luôn kiên trì vượt qua những gian nan vất vả của cuộc sống, họ phải cố gắng tạo nên những giá trị ý nghĩa cho cuộc sống của mình, từ đó tạo nên được những ý nghĩa, mục đích sống trong cuộc sống của mình.

+ Ví dụ về ý chí và nghị lực sống có thể lấy ví dụ thầy Nguyễn Ngọc Ký, người luôn kiên trì, bền bỉ, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mặc dù không được chọn vẹn về hình thể nhưng thầy vẫn luôn kiên trì vượt qua những khó khăn đó.

III. Kết bài:

- Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải rèn luyện cho mình sự kiên trì, sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống vì đó là việc làm cần thiết và mang lại những ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống của mỗi con người.

Câu 2:

DÀN Ý CHI TIẾT VẺ ĐẸP DÒNG SÔNG HƯƠNG

I. Mở bài

- Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường: là nhà văn của xứ Huế, ông có sức liên tưởng tưởng tượng dồi dào, lối hành văn mê đắm, ông chuyên viết về bút kí.

- Tác phẩm là tùy bút tiêu biểu cho phong cách văn chương của tác giả: sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều.

- Hình tượng trung tâm của tác phẩm là hình tượng con sông Hương.

II. Thân bài

1. Dòng sông thiên nhiên

a. Ở thượng nguồn:

- Là “bản trường ca của rừng già” “rầm rộ dưới bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua những ghềnh thác”; lúc lại dịu dàng say đắm dưới dặm dài chói lọi hoa đỗ quyên ...”

- “cô gái Di - gan”: phóng khoáng, man dại, tâm hồn tự do, trong sáng, bản tính gan dạ, có sức mạnh bản năng

- Sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”.

b. Sông Hương từ thượng nguồn đến Huế:

- Sông Hương “như một người gái đẹp nằm ngủ mơ màng...” được đánh thức bởi tiếng gọi của tình yêu, bắt đầu hành trình gian truân, “tìm kiếm có ý thức” đến với Huế, lần đầu đến với tình yêu một mặt rất e lệ, một mặt táo bạo chủ động “vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn”.

+ Sông Hương có nhịp chảy chậm rãi, “mềm như tấm lụa” (liên hệ hình ảnh sông Đà như “áng tóc trữ tình”),

+ Từ ngã ba Tuần đến chân đồi Thiên Mụ: mang dáng vẻ trầm mặc khi chảy qua những lăng tẩm, đổi dòng chuyển hướng liên tục.

+ Từ chân đồi Thiên Mụ đến lúc gặp Huế: “vui hẳn lên”, “kéo một nét thẳng” vì tìm đúng đường về

+ Giáp mặt Huế, sông Hương không gặp Huế ngay mà “uốn một cánh cung ...tình yêu” như một người con gái bẽn lẹn, ngại ngùng.

c. Trong lòng Huế

- Tác giả so sánh sông Hương với những dòng sông nổi tiếng trên thế giới, sông Hương chỉ thuộc về một thành phố duy nhất, giống như người con gái chung thủy.

- Sông Hương mang đến cho Huế một vẻ đẹp cổ xưa dân dã: “ánh lửa thuyền chài ... xưa cũ”, trôi đi chậm như một mặt hồ.

- Người con gái đắm say tình tứ khi bên người mình yêu, người con gái tài hoa “tài nữ đánh đàn trong đêm khuya”.

d. Từ biệt Huế ra biển: như một người con gái lưu luyến, thủy chung từ biệt người yêu.

- Nhận xét: tác giả chủ yếu cảm nhận vẻ đẹp sông Hương từ góc độ tình yêu khiến sông Hương hiện lên như một người con gái chung tình hết lòng vì tình yêu.

2. Dòng sông lịch sử

- Sông Hương là một nhân chứng lịch sử của Huế, của đất nước: “soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, chứng kiến những mất mát đau thương của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX, ...

- Sông Hương như một công dân có ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước: “biết hiến đời mình để làm nên chiến công”, ...

- Là một người con gái anh hùng: cùng gắn bó với Huế qua nhiều cuộc chiến đấu anh hùng trong thời kì trung đại, đến cách mạng tháng Tám, ...

3. Dòng sông văn hóa

- Sông Hương là “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”: toàn bộ âm nhạc cổ điển Huế, những bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều và bản Tứ đại cảnh đều được sinh thành trên sông nước sông Hương.

- Là người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya: không bao giờ lặp lại trong cảm hứng của các thi nhân

III. Kết bài

- Nêu cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương

- Đánh giá nghệ thuật nổi bật: liên tưởng độc đáo, sử dụng từ ngữ đặc sắc, văn phong tao nhã, thành công trong nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Hương.

- Qua tác phẩm ta cảm nhận được niềm tự hào tha thiết của tác giả với vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế cũng như đất nước.

*Lưu ý:

Lời giải chi tiết đề thi Văn THPT quốc gia 2019 ở trên được thực hiện bởi Đọc Tài Liệu giúp các bạn tham khảo.

- Đáp án trên được thực hiện nhanh ngay sau khi có đề thì nên không thể tránh khỏi sai sót.

----------------------

Sáng nay (25/6), gần 900.000 thí sinh bắt đầu trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn.

Đúng 7h30, cán bộ coi thi sẽ phát đề thi môn ngữ văn cho thí sinh và thời gian bắt đầu làm bài là 7h35. 

Theo quy chế thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Chiều cùng ngày, thí sinh dự thi môn toán với thời gian làm bài 90 phút. 14h20 thí sinh sẽ được phát đề thi và bắt đầu làm bài từ 14h30.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 38.389 thí sinh tự do, chiếm tỉ lệ 4,33%. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng là 652.980, chiếm 73,65%.

Theo thống kê, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội là 468.140 em, chiếm 52,8%. Số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên là 302.157 em, chiếm 34,08%. Có 27.165 thí sinh chọn cả hai bài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chiếm 3,06%.

Hà Nội là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất cả nước với hơn 74.000 thí sinh, tiếp đến là TP.HCM gần 71.000 thí sinh.

Năm 2019 là năm thứ ba Bộ GD-ĐT quy định thí sinh phải chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp, cùng với các bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ để dự thi. Đây là yêu cầu tối thiểu đối với thí sinh dự thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT hoặc với hai mục đích xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả xét tuyển đại học - cao đẳng.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 tổ hợp. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài độc lập (toán, văn) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 tổ hợp.

Thí sinh được chọn đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài này. Nếu thí sinh bỏ một trong hai bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp.

Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể dự thi cả bài thi ngoại ngữ để dùng kết quả bài thi này xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; không dùng để xét tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh đã tốt nghiệp phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đó.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT như sau:

So với đề thi THPT quốc gia năm 2018, đề thi tham khảo năm nay không có bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc. Khuôn mẫu này được duy trì từ năm 2017 đến nay.

Về mặt nội dung, một số giáo viên nhận xét phần đọc hiểu, đề tham khảo giữ nguyên việc sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa. Sự thay đổi lớn nhất trong phần này nằm ở cách ra các câu hỏi.

Câu đầu tiên không còn kiểm tra học sinh về kiến thức tiếng Việt căn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt… giống những năm trước. Các câu hỏi đều không yêu cầu học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa.

Ở đề tham khảo, phần đọc hiểu yêu cầu học sinh thực hiện chính xác hai thao tác là đọc và hiểu ngữ liệu. Đây là sự thay đổi lớn. Nếu đề thi thật như đề tham khảo, học sinh không cần phải quá tập trung việc học kiến thức tiếng Việt.

Ở phần làm văn, viết đoạn văn là câu hỏi duy nhất không thay đổi. Đề tham khảo giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện của câu hỏi như đề thi THPT quốc gia 2018.

Học sinh được yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ về vấn đề được trích ra trong ngữ liệu ở phần đọc hiểu. Học sinh cần nắm chắc nội dung ngữ liệu phía trên để có thể làm tốt câu hỏi này.

Nếu như năm ngoái câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức lớp 11 và lớp 12, đề tham khảo chỉ hỏi duy nhất kiến thức nằm trong chương trình lớp 12.

Nhìn chung, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo ngưỡng vừa cơ bản để đạt mục đích xét tốt nghiệp, đồng thời sẽ có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng. Độ phân hóa của đề thi nằm chủ yếu ở lớp 12.

Ngữ văn là môn thi đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thí sinh làm bài thi vào sáng 25/6. Lịch thi cụ thể như sau:

Một số mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý

Chiều 24/6, thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi

Từ 25/6 - sáng 27/6, thí sinh chính thức tham dự kỳ thi THPT quốc gia

Trước 17 giờ ngày 18/7, các trường thông báo kết quả xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT

Dự kiến trước ngày 21/7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe tới thí sinh

Dự kiến trước ngày 2/7, các trường công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển

Từ ngày 22/7 - 17 giờ ngày 29/7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến

Từ ngày 22/7 - 17 giờ ngày 31/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phiếu đăng ký xét tuyển tại các điểm thu nhận hồ sơ

Trước 17 giờ ngày 2/8, thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển

Trước 17 giờ ngày 9/8, các trường ĐH, CĐ và TC sư phạm công bố kết quả trúng tuyển đợt 1

Trước 17 giờ ngày 15/8, thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

Từ ngày 28/8, các trường ĐH và CĐ thông báo xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu). 

Lịch thi THPT Quốc Gia năm 2019:

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6.

Năm nay, dự kiến có hơn 887.000 thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia với gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi.

Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%).

Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000 em. 

Bạn đang đọc bài viết Đáp án, đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chuẩn nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.An

Cùng chuyên mục

Tin mới