Thứ năm, 18/04/2024 18:22 (GMT+7)

Đất đai, công trình xây dựng bỏ hoang: Vì đâu nên nỗi?

MTĐT -  Thứ tư, 25/08/2021 13:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thực trạng dự án treo, đất đai bỏ hoang, các cơ quan chức năng đã có nhiều kiến nghị để giải quyết, song vẫn chưa triệt để. Đáng chú ý, vấn đề còn được dự báo có xu hướng nghiêm trọng hơn

Dự án Tokyo Tower (quận Hà Đông) nhiều năm nay chủ đầu tư không tiếp tục hoàn thiện để bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lực, tiềm năng từ tài nguyên đất để lãng phí. Trước tiên, do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Nhiều dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch. Nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác. Một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, một số thay đổi về chính sách, quy hoạch đã có tác động làm chậm tiến trình triển khai dự án của DN nhưng cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư. "Khi thị trường BĐS sôi động, chủ đầu tư thi nhau đổ tiền vào dự án để bán nhanh thu lợi nhuận. Khi thị trường bị khủng hoảng đã dừng tất cả hoạt động, nhiều dự án chỉ thi công một số hạng mục nhỏ cho có để giữ đất hoặc khi chuẩn bị thu hồi thì lách luật bằng cách chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác” – vị này cho biết.

Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, bên cạnh nguyên nhân nhiều chủ đầu tư yếu kém về năng lực, các khâu trong quy trình xử lý thủ tục hành chính cũng đang gây cho DN tâm lý chán nản bởi sự chồng chéo. “Đơn cử như “quy trình một cửa”, nói là một cửa nhưng thực chất, để dự án được đi vào triển khai thì DN cũng phải được chấp thuận hồ sơ ở đủ các khâu từ những sở, ngành khác nhau như QH – KT, TN&MT, Xây dựng... Quy trình thủ tục hành chính của một dự án phải có đủ vài chục con dấu từ cơ quan quản lý, rất mất thời gian, tốn kém chi phí” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Không phủ nhận có nhiều DN yếu kém về năng lực tham gia đầu tư, khiến nhiều dự án rơi vào tình cảnh chậm triển khai hoặc không đủ năng lực để triển khai, phải nằm “đắp chiếu” hàng chục năm. Nhưng quy trình thủ tục, việc chậm trễ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực thi những nghị quyết của Chính phủ cũng là vấn đề đáng bàn. “Câu chuyện về việc thực thi Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là ví dụ điển hình. Nghị quyết được ban hành từ tháng 4/2020 nhưng đến tận cuối năm các bộ, ngành mới hoàn thiện thủ tục triển khai, đã làm mất đi tính thời điểm quan trọng trong quyết sách của Chính phủ” – đại diện Công ty Thạch Bàn Lakeside cho hay.

Đại diện một tập đoàn đầu tư kinh doanh bất động sản lý giải, có rất nhiều nguyên nhân khiến các DN đầu tư kinh doanh bất động sản chậm triển khai dự án, từ việc chính sách thay đổi cho đến quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. DN đều mong muốn ngay sau khi có được quyết định giao đất sẽ tiến hành triển khai GPMB thuận lợi để sớm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả. Bởi nếu công trình nhà ở được triển khai xây dựng đúng tiến độ thì DN thu hồi vốn nhanh, có điều kiện xoay vòng tái đầu tư kinh doanh. Không những thế, DN còn tạo dựng thêm uy tín, thương hiệu đối với người mua nhà...

Cần giải pháp đồng bộ

Câu chuyện về hàng trăm dự án bỏ hoang, chậm triển khai đang là vấn đề nhức nhối của TP Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, TP Hà Nội cần phải lập hội đồng đánh giá, mời các chuyên gia kinh tế độc lập tham gia đóng góp ý kiến để giải quyết thực trạng này. Đồng thời, việc quy trách nhiệm cần phải thực hiện đến tận chính quyền cơ sở, cá nhân lãnh đạo, tránh trường hợp khi sai phạm xảy ra thì lại đưa đẩy trách nhiệm hoặc xử lý hình thức, không có tính răn đe. “Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ ràng về việc thu hồi dự án chậm triển khai, theo đó trong vòng 24 tháng nếu không triển khai sẽ được gia hạn thêm 24 tháng nữa. Nếu trong vòng 48 tháng kể từ ngày dự án được phê duyệt vẫn để “treo” thì Nhà nước có quyền thu hồi toàn bộ đất và tài sản đã đầu tư trên đất đó. Tôi cho rằng, không chỉ Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cần phải siết chặt thực hiện quy định trên để tránh trường hợp dự án “treo” nhiều năm gây thất thoát tài nguyên” – luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam cho hay.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích, các dự án bất động sản bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc thiếu chính sách, trình tự cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư, chưa có hướng dẫn trường hợp nào thì đấu thầu, trường hợp được chọn chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng. Mặc dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc từ MTTQ, HĐND giám sát, có kết luận rõ ràng đối với các dự án chậm triển khai nhưng việc thu hồi vẫn khó khăn, vì không có cơ chế, chính sách cụ thể để đền bù những hạng mục mà DN đã làm... Để không xảy ra tình trạng dự án bỏ hoang, nhất là dự án ở khu đất vàng trung tâm TP, thời gian tới, trong việc triển khai thực hiện dự án cần phân loại vị trí để vừa đảm bảo chức năng quy hoạch đồng thời đảm bảo lợi ích chung của Nhà nước.

Các chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm về đất đai, cơ quan chức năng cần phải chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu kiểm việc thực hiện kết luận thanh tra và tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã để theo dõi, báo cáo về tiến độ, vi phạm, hướng giải quyết của các dự án có sử dụng đất. Cùng với đó, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách; đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện cam kết triển khai dự án đúng tiến độ và có kế hoạch, lộ trình để khắc phục các vi phạm.

Trước tiên, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ lập, thẩm định đến phân cấp trong hệ thống chính quyền địa phương, thanh tra xử lý vi phạm về kế hoạch sử dụng đất. Về thu hồi, giao đất, cho thuê đất cần quy định rõ hơn về tính chất, loại dự án để giao đất. Về đăng ký đất đai, về thủ tục tách thửa, hợp thửa và chứng nhận dồn điền đổi thửa...
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Tất cả các dự án ban đầu về nguyên tắc chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng mục đích, thời hạn đã được duyệt. Nếu dự án quá hạn theo luật thì cần phải thu hồi và phạt chủ đầu tư.
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

Theo KT&ĐT

Bạn đang đọc bài viết Đất đai, công trình xây dựng bỏ hoang: Vì đâu nên nỗi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.