Thứ sáu, 29/03/2024 04:45 (GMT+7)

Dấu ấn phát triển đô thị bền vững

MTĐT -  Thứ ba, 12/04/2022 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển đô thị cao. Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được cũng bộc lộ một số tồn tại...

Trước thực tế đó, tháng 1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ/TW. Đây là dấu ấn lớn, định hướng để phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Phạm Hùng

Còn nhiều tồn tại

Đô thị hóa của Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH – HĐH. Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp gần 70% vào GDP cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa nếu như năm 1990 là 19% thì đến năm 2020 đã là 40%, với hơn 860 đô thị… Bên cạnh tăng nhanh về số lượng, chất lượng đô thị cũng ngày càng được nâng lên. Diện mạo đô thị, hạ tầng kỹ thuật phát triển hiện đại, chất lượng sống của đô thị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa nhanh cũng đã bộ lộ một số tồn tại, bất cập. Tốc độ đô thị hóa cao, song tỷ lệ đô thị còn thấp hơn mục tiêu đề ra và còn khoảng cách khá xa so với khu vực và thế giới (bình quân thế giới tỷ lệ đô thị là 50%, một số nước phát triển như Trung Quốc trên 50%, Hàn Quốc trên 80%...). Đô thị phát triển còn dàn trải, chưa gắn kết vùng, chưa phát huy tiềm năng đặc thù từng đô thị, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng gia tăng dân số và phát triển kinh tế đô thị. Năng lực quản lý đô thị còn chậm đổi mới, chất lượng quy hoạch còn hạn chế, nhất là về tầm nhìn quy hoạch chưa tốt, dự báo chưa sát với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ khi thực hiện.

Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2 (gấp 3,6 lần trước đó) đã tạo thời cơ nhưng cũng song hành nhiều thách thức trong phát triển. Nếu như năm 2008, Hà Nội mới chỉ có 40,8% dân số sống trong khu vực đô thị và tổng thu nhập chỉ đóng góp 12% GDP cả nước, đến nay tỷ lệ đô thị hóa đã xấp xỉ 50% và định hướng đến năm 2050 từ 60 - 62%.

Kinh tế Thủ đô luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện rõ rệt. Công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, diện mạo đô thị thay đổi khang trang, văn minh hiện đại hơn.

Tuy vậy, trong quá trình phát triển, đô thị Thủ đô cũng bộc lộ một số tồn tại như phát triển kinh tế chưa tạo đột phá lớn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, mô hình phát triển đô thị như xây dựng đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái… còn chậm. Các vấn đề di dời dân cư, di dời cơ sở trường học, bệnh viện, công nghiệp… chưa đạt được tiến độ đề ra.

Thực trạng tồn tại chung của cả nước cũng như của Hà Nội có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể khẳng định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Để đô thị hóa tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với nhiều định hướng cụ thể.

Hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Công Hùng  
Hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Công Hùng

Động lực phát triển Thủ đô

Có thể nói, Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành là dấu ấn quan trọng về đổi mới tư duy, lý luận và những chỉ tiêu phải đạt trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Đồng thời đây cũng được coi là đòn bẩy nâng tầm vị thế của đô thị Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 2030, có khoảng 1.000 - 1.200 đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa 50% trên cả nước.

Thực hiện tốt Nghị quyết, đến năm 2030 Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm với thế giới, thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Các đô thị có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo chất lượng sống tốt cho cộng đồng và có một số đô thị đạt mức bình quân 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Các đô thị đều được đầu tư cơ sở hạ tầng để đạt yêu cầu đô thị thông minh, hiện đại, kết nối với vùng, với cả nước và quốc tế. Một số đô thị được công nhận tầm khu vực, quốc tế vào năm 2030. Kinh tế khu vực đô thị được phát triển để đóng góp tới 75% GDP cả nước vào năm 2025 và 85% vào năm 2030. Từ những chỉ tiêu đặt ra với đô thị hóa đến năm 2030 Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Để thực hiện mục tiêu, Nghị quyết đã định hướng 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng quy hoạch; phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ; phát triển nhà ở, kết cấu hạ tầng hiện đại; xây dựng hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, quản lý hiệu lực, hiệu quả; chú trọng phát triển kinh tế đô thị, cơ chế chính sách để đầu tư phát triển đô thị. Bộ Chính trị đã xác định cả hệ thống chính trị các tỉnh, TP cần tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động từng giai đoạn, từng năm.

Hà Nội đang có những nền tảng tốt như tỷ lệ đô thị hóa, tỷ trọng GDP đóng góp với cả nước… Với quyết tâm của lãnh đạo TP, của hệ thống chính trị và cả cộng đồng cùng với định hướng từ Nghị quyết 06-NQ/TW, chúng ta càng thêm động lực để phát triển, tổ chức thành công việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, lập Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn TP và nhất là sửa đổi Luật Thủ đô. Và như vậy một Thủ đô Hà Nội xanh - thông minh - hiện đại phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2030 đang dần hiện hữu.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Dấu ấn phát triển đô thị bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo kinhtedothi.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.