Thứ bảy, 20/04/2024 17:23 (GMT+7)

Đâu là sự thật vụ công nhân môi trường bị đánh nhập viện?

Nhóm PV -  Thứ năm, 26/10/2017 11:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự việc nam công nhân môi trường bị bảo vệ nhà hàng hành hung đã khiến cho nhiều người lo ngại đối với việc bảo vệ quyền lợi cho các công nhân trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường.

Bị đánh đến nhập viện vì... làm rơi bọc rác xuống đường?

Trước đó, vào hồi 21h15, ngày 22/10, anh Nguyễn Văn Sinh – thuộc tổ Môi trường 2 chi nhánh công ty Môi trường đô thị Đống Đa, Hà Nội đang làm nhiệm vụ thu gom rác tại phố Giảng Võ. Sự việc xảy ra khi đang đẩy xe thu gom rác, anh Sinh có đánh rơi môt túi đựng rác xuống đường, một người đàn ông là bảo vệ nhà hàng gần đó đã nhặt túi rác và bất ngờ ném vào người anh Sinh.

Theo thông tin từ những người có mặt tại hiện trường, tại thời điểm đó, anh Sinh bị nam thanh niên này đấm vào vùng mặt, bụng làm chảy nhiều máu.

Người dân xung quanh cùng các đồng nghiệp ở tổ môi trường đã can ngăn và đưa anh Sinh vào bệnh viện Hà Thành điều trị. Hiện sức khỏe của anh Sinh đã ổn định, tuy nhiên vẫn đang phải nằm viện để tiếp tục theo dõi.

Tiếp xúc với các công nhân Chi nhánh Môi trường đô thị Đống Đa chúng tôi được biết: Anh Nguyễn Văn Sinh là người hiền lành, ít nói và gần như không bao giờ to tiếng với ai. Đây không phải là lần đầu tiên việc công nhân môi trường bị hành hung khi đang làm việc.

Trước đó, sự việc nữ công nhân môi trường bị đánh bất tỉnh vì nhắc người dân đổ rác đúng quy định đã khiến người dân quan tâm hết sức bất an đối với những công nhân trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường trên đường phố.

Có mặt tại bệnh viện Hà Thành, chị Hằng – Tổ trưởng tổ Môi trường 2 – chi nhánh Đống Đa cho biết: “Phía công ty lúc nào cũng yêu cầu công nhân đi làm nhiệm vụ phải hòa nhã với mọi người.

Thực tế, nhiều công nhân vệ sinh rất lành, nhưng người dân đôi khi lại rất nóng nảy, mất bình tĩnh. Nghề của chúng tôi như “làm dâu trăm họ”, ai cũng hết sức kiềm chế rồi, còn việc gây gổ hầu hết đều xuất phát từ phía người dân.

Thậm chí, có nhiều nhân viên nhà hàng có vẻ rất lịch sự nhưng khi phía công ty đến thu phí vệ sinh môi trường họ còn đuổi đánh, không tiếp”.

Gia cảnh nạn nhân vô cùng khó khăn

Ngày 24/10, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt tại Bệnh viện Hà Thành, nơi anh Nguyễn Văn Sinh điều trị để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc.

Sau hơn một ngày điều trị anh Sinh cho biết, mình vẫn còn rất đau và chưa thể nói được gì, suốt buổi trò chuyện anh chỉ nằm yên lặng. Nhìn vào khuân mặt của anh so với tuổi 35 chúng tôi nhận thấy anh trông già và khắc khổ hơn nhiều.

Ngoài 2 người thuộc Công ty Môi trường và đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa, vợ của anh Sinh cũng từ quê lên để chăm sóc chồng. Vợ anh Sinh chia sẻ: Vài năm trước, do hoàn cảnh quá khó khăn, lại đông con, anh Sinh buộc phải lên Hà Nội kiếm đủ nghề để sinh sống. Cách đây mấy năm, anh làm nghề buôn đồng nát thuê sau đó mới xin vào Công ty môi trường và đô thị Hà Nội làm việc.

“Bình thường, nếu không ốm đau mà đi làm chăm chỉ, không bị phạt thì cũng được 6 triệu mỗi tháng. Trừ đi chi phí tiền ăn ở, sinh hoạt, số tiền còn lại anh gửi về gia đình hết. Ở nhà có vợ và 3 đứa con đang tuổi ăn học nên kinh tế rất khó khăn. Tôi chỉ có một xào ruộng, không có đất để chăn nuôi. Hầu như cả gia đình sinh sống đều phụ thuộc vào đồng lương của chồng” – vợ anh Sinh ngậm ngùi chia sẻ.

Vợ anh Sinh tạm gác lại mọi công việc từ quê lên chăm chồng sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc

Trò chuyện với PV chị Hằng – Tổ trưởng Môi trường 2, đồng nghiệp của anh Sinh cũng cho biết: Vì gia đình khó khăn nên anh làm việc rất chăm chỉ, lại hiền lành, thật thà.

“Gia đình anh ấy khó khăn lắm, trước đây cả hai vợ chồng đều làm nông, kinh tế bấp bênh nên mới phải lên Hà Nội kiếm sống. Vì chăm chỉ làm lụng nên anh Sinh được đồng nghiệp quý mến” – Chị Hằng cho biết thêm.

Theo một vị đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa cho biết, mọi chi phí nằm viện của anh Nguyễn Văn Sinh đã được Công ty chi trả theo bảo hiểm, ngoài ra, gia đình anh cũng không phải chịu bất cứ khoản phí nào.

Mâu thuẫn trong bản tường trình giữa các bên?

Tiếp tục tìm hiểu sự việc ngày 25/10, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải, trưởng CA phường Cát Linh. Ông Hải cho biết, theo điều tra bước đầu, không có việc bảo vệ nhà hàng ném bọc rác vào người anh Nguyễn Văn Sinh. Thông tin này hoàn toàn khác với những gì Urenco trao đổi với báo chí trước đó.

"Phía công an phường đang đề xuất xử lý vụ này như một vụ đánh nhau, mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trong quá trình giao tiếp. Về việc báo chí hỏi có dấu hiệu bảo vệ nhà hàng vứt bọc rác vào người anh Sinh không thì chúng tôi khẳng định là không.

Theo hồ sơ, các nhân chứng ở hiện trường không thấy xảy ra sự việc này. Một số thông tin cho rằng hai người có mâu thuẫn từ trước đó cũng không hề có căn cứ.

Bình thường họ vẫn chơi với nhau, sự việc nảy sinh hoàn toàn do quá trình giao tiếp ngày hôm đó giữa hai người không hiểu ý nhau dẫn đến mâu thuẫn".

"Ở góc độ cơ quan chức năng, chúng tôi tạo điều kiện cho các bên gặp nhau để giải quyết vấn đề, đồng thời đề xuất xử lý cả hai bên theo quy định của pháp luật. Hiện tại hồ sơ đã được công an phường chuyển lên công an quận để giải quyết" - Ông Hải cho biết thêm.

Trước đó, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện Công ty Môi trường và đô thị Hà Nội, đơn vị anh Sinh đang công tác.

Đại diện công ty này cho biết: "Đêm ngày 22/10, khi đang thu gom rác qua cửa hàng đồ ăn ở K1 Giảng Võ, anh Nguyễn Văn Sinh có đánh rơi một bọc rác xuống đất, sau đó, người bảo vệ của nhà hàng này đã ném bọc rác vào người anh Sinh, hai người sau đó xảy ra cãi nhau và bảo vệ nhà hàng đã lao vào đấm anh Sinh như những gì mà báo chí đăng tải ngày hôm trước".

"Tôi không biết việc ném rác có cố ý hay không nhưng chắc chắn có việc này" - đại diện Urenco khẳng định.

Cũng theo phía công ty Urenco, ngay sau khi xảy ra xô xát, người bảo vệ và quản lý nhà hàng đã đến thăm hỏi anh Nguyễn Văn Sinh và cả hai đang tiến hành hòa giải.

Sau vụ việc, có thể thấy, mặc dù là bộ phận không thể thiếu đối với cộng đồng, tuy nhiên, các công nhân vệ sinh môi trường vẫn chưa có đầy đủ cơ chế để đảm bảo an toàn cho chính mình. Chính vì không hiểu rõ hết tính chất công việc của những người trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường mà xã hội dường như vẫn chưa có cách hành xử đúng mực với họ, cũng bởi vậy mà vị thế xã hội của họ vẫn chưa được đánh giá đúng tầm.

Sau sự việc hành hung công nhân môi trường, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xem xét để làm rõ trách nhiệm của những đối tượng có hành vi gây nguy hiểm đối với xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng này tiếp diễn. Đồng thời, cần phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cụ thể là anh Nguyễn Văn Sinh.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS LawFirm cho biết: Trường hợp này hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 104 Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nếu đáp ứng các điều kiện cấu thành tội phạm này, tùy tính chất, mức độ nguy hiểm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. ....” Như vậy, nếu anh Sinh bị thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng người hành hung anh có hành vi thuộc 1 trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS thì có thể bị truy cứu trách nhiềm hình sự về tội cố ý gấy thương tích theo quy định tại điều 104 BLHS. Trong trường hợp vụ việc này không đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định trên, thì người gây thương tích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đã gây ra cho anh Sinh theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP :“Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác” với mức phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng. Về vấn đề bồi thường thiệt hại: Ngoài khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính như nội dung nêu trên, người gây thương tích anh Sinh còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe bị xâm hại của anh theo quy định tại điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015: “Điều 590. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 Anh Sinh hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu người gây thương tích cho anh bồi thường thiệt hại dựa trên những thiệt hại thực tế như chi phí điều trị thương tích, tiền lương những ngày phải nghỉ việc để điều trị và những tổn thất tinh thần mà người có hành vi nêu trên gây ra.

Chúng tôi nhận thấy, mỗi công việc đều có một giá trị riêng, có những đóng góp nhất định cho xã hội và việc làm của những công nhân môi trường xứng đáng nhận được sự trân trọng và bảo vệ.

Còn đối với những hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm để đảm bảo vệ quyền lợi cho người bị hại và đảm pháp luật được tuân thủ nghiêm minh.

Bạn đang đọc bài viết Đâu là sự thật vụ công nhân môi trường bị đánh nhập viện?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất