Thứ sáu, 29/03/2024 04:51 (GMT+7)

Đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng

MTĐT -  Thứ sáu, 03/02/2017 17:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Từ xa xưa, những hành vi tham nhũng, thiên vị và bất công trong giới quan trường thường xuyên bị nhân dân căm ghét. Tục ngữ ca dao cũng đã lên án những kẻ làm quan sống vinh hoa trên máu và nước mắt của nhân dân.

Đại thi hào Nguyễn Du từng than thở: “Một ngày lạ thói sai nha, Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Trong khi lên án những hiện tượng xấu xa ấy, nhân dân lại ca ngợi những quan thanh liêm, coi những người này như cha mẹ mình. Đó là những người sống sống trong niềm vinh dự và lương tâm của kẻ sỹ.

Chu Văn An là người có công lớn trong việc mở mang nền học vấn của dân tộc, đã tự mình đào tạo ra các học trò lỗi lạc trong sự nghiệp phò vua trị nước. Không màng danh vọng địa vị, ông đã dâng sớ đề nghị nhà vua chém 7 tên gian thần. Không được vua chấp nhận, ông đã cởi mũ từ quan trở về quê sống cuộc sống thanh cao đọc sách, ngâm thơ và gắn bó với dân làng.

Nguyễn Quý Tân, ông nghè Thượng Cốc, trong cảnh thối nát quan trường đã rời bỏ địa vị, đi khắp nơi vạch mặt chỉ tên bọn quan tham. Đặng Huy Tước đã cương quyết trừng trị những kẻ làm quan hư hỏng dù người ấy là thông gia của ông. Đến Cao Bá Quát đã không cam chịu sống trong giới quan trường ngày một thối nát, bỏ về tiến hành một cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình.

Bác Hồ kính yêu của chúng cũng chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến, nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ. Nó phá hoại đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Tội ấy cũng như tội việt gian, mật thám”. Ngày 27/11/ 1945, Bác ký Sắc lệnh ấn định hình phạt đối với người đưa và nhận hối lộ là từ 2 đến 20 năm khổ sai và nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày nay chúng ta đã có lần nào làm được thế chưa?.

Ngày 26/01/1946, Bác ký Quốc lệnh “khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình”. Đã tham nhũng thì phải trừng trị. Quyền càng cao, chức càng cao thì phải xử càng nặng để nêu gương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tá Trần Dụ Châu vốn là một cán bộ cách mạng, nhưng khi ấy làm Cục trưởng Cục Quân nhu đã lợi dụng chức vụ, bớt xén phần cơm áo vốn đã rất kham khổ thiếu thốn của bộ đội ta, để cùng đồng bọn sống cuộc sống phè phỡn, lãng phí, truỵ lạc. Vụ án này đã được khởi tố, xét xử và bị kết án tử hình. Ngay sau đó, Trần Dụ Châu kháng án xin được hưởng khoan hồng. Tuy nhiên, dù rất đau lòng nhưng Bác Hồ vẫn ký bác đơn của Trần Dụ Châu. Qua đó, có thể cho chúng ta thấy, Bác Hồ là người rất đề cao phép nước, đạo đức đi đôi với pháp luật.

Hiện nay, trong nền kinh tế thị đã nẩy sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực, không chỉ ở các tầng lớp quen sống bằng những hành vi bất chính mà phát triển từ đời sống xã hội đến sinh hoạt gia đình và xâm nhập vào bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ “Kiên quyết Phòng chống tham nhũng lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các hành động tham nhũng, lãng phí, bao che dung túng, tiếp tay cho hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc tham nhũng, lãng phí”.

Tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng và khá phức tạp diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng vốn tài sản của nhà nước tại các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy số vụ việc vụ án được phát hiện chỉ chiếm một phần nhỏ và rất khó có thể lượng hoá chính xác số thiệt hại do tội phạm gây ra.

Theo PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng,Văn phòng Bộ Công an: “Trong vụ việc đã phát hiện năm 2013 chỉ đạt 10%, năm 2014 chỉ đạt 22,3% và năm 2015 thiệt hại ước tính 950 tỷ đồng, thu hồi được 505 tỷ đạt 55,8% và thu hồi được 2.887/9.887m2 đất đạt 29,2%”.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng ngày 12/7/2016, ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ cho biết, trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, theo báo cáo là do nhiều nguyên nhân, việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn; nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản. Mặt khác do cơ quan chức năng chưa quyết liệt triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra. Về minh bạch tài sản được coi là biện pháp hữu hiệu trong thực hiện phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi năm có hơn 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ phát hiện một vài trường hợp tham nhũng thì cần phải xem lại việc kê khai.

Ông Phan Văn Sáu cho biết thêm về số liệu 10 năm qua, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Cũng tại Hội nghị này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá công tác phòng chống tham chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ... đã gây ra những hậu quả xấu trên nhiều mặt, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, làm gia tăng mạnh khoảng cách giàu nghèo.

“Một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên trong đó có những người được giao những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Tình hình tham nhũng thông qua lợi dụng cơ chế chính sách, tình trạng lợi ích nhóm đang diễn ra kìm hãm sự phát triển của đất nước ta ” ,Phó thủ tướng nhấn mạnh. Còn theo Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, trong 10 năm, ngành công an đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án, hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng, gây thiệt hại trên 23.500 tỷ đồng.

Thống kê của Công an thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2006 - 2015 đã điều tra khám phá 152 vụ tham nhũng, thiệt hại hơn 600 tỷ đồng và 136.000 đô la, nhưngchỉ thu hồi được 40 tỷ đồng. Việc xảy ra nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng trong các dự án vay ODA như: Dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh. Dự án đường sắt nội đô thành phố Hà Nội và nhiều dự án khác đã làm cho nhiều nước cắt hoặc giảm vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.

Trong lúc ngân sách nhà nước ta cũng như các địa phương phải chắt chiu từng khoản cho chi tiêu nhưng các doanh nghiệp vẫn nợ thuế rất lớn. Theo cục Thuế Hà Nội, năm 2015, 92 doanh nghiệp nợ 263,3 tỷ đồng thuế trong lĩnh vực xây dựng, giao thông. Cụ thể Công ty Long Việt nợ 27,9 tỷ đồng; Công ty cầu 3 Thăng Long nợ 16,7 tỷ đồng; Công ty cầu 5 Thăng Long nợ 16,4 tỷ đồng; Công ty thép Việt Thanh nợ 14,7 tỷ đồng; Công ty xây dựng Thăng Long nợ 12,8 tỷ đồng (Báo Hà Nội mới ngày 30/11/2015).

Theo Báo Thanh niên ngày 13/12/2016, Cục thuế Hà Nội công bố vẫn còn 144 doanh nghiệp nợ thuế rất lớn. Tiền nợ thuế đất 100,4 tỷ đồng, trong đó 136 doanh nghiệp nợ thuế, phí 83,669 tỷ đồng; 8 doanh nghiệp nợ thuế đất 16,74 tỷ đồng. Công ty TNHH Thành Nghĩa nợ 5,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cascade Việt Nam nợ 4,8 tỷ đồng; Công ty Hoàng Tùng nợ 3,8 tỷ đồng; Công ty kết cấu thép Sóc Sơn nợ 4,76 tỷ đồng.

Vừa qua, dư luận rất hoan nghênh và đồng tình việc Quốc hội và Chính phủ quyết định xoá chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đó là kỷ luật xứng đáng cho kẻ lợi dụng chức quyền để trục lợi. Tuy nhiên, dư luận còn yêu cầu Nhà nước cần phải thu hồi lương ,các khoản tiền thưởng, phụ cấp mà ông Vũ Huy Hoàng đã được hưởng không xứng đáng trong thời gian qua. Đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xem xét khởi tố nếu có động cơ vụ lợi trong quá trình ông Hoàng làm Bộ trưởng.

Thời gian qua nổi lên các vụ tham nhũng lớn như vụ Vinashin, Vinaline, các Tổng công ty nhà nước 91, các dự án thua lỗ nặng nề và triền miên, nhất là các dự án thuộc Bộ Công thương. Đề nghị Nhà nước phải truy tìm ra các thủ phạm chính, nhất là các vị lãnh đạo cấp cao, không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng lãng phí. Ví dụ việc ra các quyết định của Tổng công ty 91 hay Vinashin, Vinaline không thể do các đồng chí cấp dưới quyết định được. Ngoài ra số lượng người đứng đầu các cơ quan tổ chức để xảy ra tham nhũng bị xử lý còn ít so với các vụ tham nhũng bị phát hiện, một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Muốn chống tham nhũng phải phát động quần chúng, làm cho quần chúng là lực lượng chính tham gia chống tham nhũng. Bác Hồ đã dạy:

“Dễ trăm lần, không dân cũng chịu

Khó vận lần, dân liệu cũng xong”

Nhưng hiện còn một bộ phận không nhỏ chưa thật tin vào chống tham nhũng thắng lợi. Họ nhìn sang Trung Quốc với chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi", Hàn Quốc với “luận tội Tổng thống”. Nhìn lại ta, thấy hiệu quả chống tham nhũng còn quá thấp nên có người đặt câu hỏi: “Liệu nhà nước ta có thực sự là chống tham nhũng không ?” Tại sao ai cũng bảo tham nhũng là quốc nạn mà tìm mãi cũng không thấy tội phạm? Việc xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các vị nguyên là lãnh đạo cao cấp hay đang giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước tham nhũng sẽ làm nhân dân càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, quyết tâm chống tham nhũng. Có được niềm tin, quần chúng càng theo Đảng đấu tranh đến cùng, không khoan nhượng với tham nhũng.

Tệ nạn tham nhũng lãng phí là nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ. Thời gian qua Đảng và nhà nước ta đã quan tâm đến các chủ trương giải pháp, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng lãng phí như nghị quyết 3 (khoá X), tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng lãng phí. Kết luận 21/KL/TW Hội nghị Trung ương V (khoá XI về tiếp tục thực hiện nghị quyết hội nghị lần 3 (BCH khoá X) và nghị quyết XII của đại hội Đảng toàn quốc.

Áp dụng tổng hợp pháp luật - chính sách - cơ chế và chế tài theo kinh nghiệm của Singapore, sao cho mọi người giác ngộ và thực hiện: không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và cũng không thể tham nhũng bởi hàng rào kiểm soát và sự cảnh báo trừng phạt. Trong những việc ấy, phải cải cách triệt để chế độ tiền lương. Chính những bất hợp lý về lương, lương không đủ sống nên đẻ ra hội chứng cướp đoạt, làm cho công chức, viên chức không tận tâm, tận lực với công việc, với nghề, với người, thiếu vắng trách nhiệm và lẩn trốn trách nhiệm.

Kiểm soát hành vi để phát hiện sớm và nghiêm trị kịp thời bằng những biện pháp quản lý, bằng công nghệ, đồng thời giáo dục ý thức tự kiểm soát, tự điều chỉnh của mỗi người.

- Phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, thực hành triệt để tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ, xiết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế một cách cơ bản và triệt để, từng bước xoá bỏ đầu tư chồng chéo, đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hang thương mại.

- Phải hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng: kiểm soát thu nhập của người có chức có quyền, phải công khai và minh bạch. Các quy định của luật pháp về chống tham nhũng. Phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

- Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phải công khai, minh bạch các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ví dụ: Dư luận thắc mắc tại sao bản báo cáo ĐTM của Formosa rất sơ sài, không nói gì đến ô nhiễm biển, không có được các giải pháp phòng ngừa lại được thông qua dễ dàng, lại cho xả thải ra biển? Liệu có vì lợi ích nhóm? Tại sao ông Võ Kim Cự,cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký cấp phép cho Formosa lại cho họ hưởng nhiều đặc cách mà không bị xử lý? Tại sao Bộ Tài nguyên và Môi Trường công bố kết quả xử lý kỷ luật ,cách chức cán bộ liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong thảm họa ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung do vụ Formosa mà không công bố danh tính? Dư luận thắc mắc, liệu có uẩn khúc gì?

+ Phải xây dựng thực hiện các chế độ định mức tiêu chuẩn, cụ thể.

+ Cải cách hành chính và đổi mới công nghệ quản lý.

- Phải thường xuyên thanh kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vụ tham nhũng. Phải khẩn trương thu hồi nợ thuế.

- Phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và xã hội trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan truyền thông, thông tin. Phải khen thưởng xứng đáng đối với người có thành tích chống tham nhũng, phải bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng cùng gia đình họ bằng sức mạnh luật pháp và an ninh, đồng thời cũng nghiêm trị những sự lợi dụng chống tham nhũng để tố cáo sai, vu khống, làm nhục, làm hại người khác vì những động cơ xấu.

- Phải loại bỏ những hư danh, những thói hám danh, hám chức, tham quyền, tham tiền bằng một chế độ kiểm soát và xử lý nghiêm ngặt, sao cho thật - giả đều phải bộc lộ dưới ánh sáng của đạo lý và công lý.

- Xóa bỏ đẳng cấp, đặc quyền, đặc lợi của những người nắm quyền, coi nắm giữ quyền lực chỉ là nghĩa vụ bổn phận do dân ủy thác, ủy quyền và nắm giữ chức vụ có thời hạn. Cái căn bản của cuộc sống đối với mọi người là nghề chuyên môn thành thạo, hữu ích cho xã hội, được sử dụng, được toàn dụng, được đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng. Được như thế, có thể chấm dứt, vô hiệu hóa thứ liên minh trục lợi giữa tiền và quyền. Quyền phải chân chính, ngay thẳng, tiền phải dùng cho xã hội, ích quốc lợi dân chứ không phải để mua danh, mua chức. Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh khuyến khích mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh vì sự phồn vinh giàu có của cá nhân và cộng đồng bằng lao động sáng tạo, hợp pháp nhưng phải nghiêm trị những hành vi kinh doanh chính trị, mua bán quyền, chức.

- Đặt ra thể chế và chế tài mạnh để buộc tất cả mọi người giữ chức vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi và bổn phận của mình. Dùng sức ép của dư luận xã hội, áp lực hối thúc của danh dự, liêm sỉ để mau chóng từ chức khi không còn xứng đáng, khi mắc lỗi, phạm tội. Có những quy định pháp lý sao cho không từ chức thì buộc phải từ chức và phải chịu xử lý kèm theo. Thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, phải đồng thời với bỏ phiếu bất tín nhiệm để miễn nhiệm, bãi nhiệm đúng lúc cần thiết. Không lạm dụng “lời xin lỗi”, biến nó thành hình thức, thành một thứ trống rỗng, giả dối, mị dân mà phải thực hành bằng sự sửa lỗi có hiệu quả, được đánh giá công khai bởi công luận.

- Năng động hóa các chính sách và quy định, không sơ cứng máy móc để từ đó lại tạo ra những kẽ hở cho sự lợi dụng, trong đó có quy định chế độ tuổi làm việc, tuổi giữ và thôi chức vụ, tuổi nghỉ hưu. Cái cốt yếu là thực tài, thực đức, thực tín (có tín nhiệm thực sự).

- Xóa bỏ kiểu lựa chọn cơ hội, thực dụng “hạ cánh an toàn” của các công chức, quan chức. Phải làm cho tất cả mọi người ý thức rằng, đã tham nhũng thì phải bị trừng trị, dù có “hạ cánh” cũng “không an toàn”, vẫn bảo đảm cho dù tại vị hay đã thôi chức, đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động và hành vi của mình, nếu bị phát hiện tham nhũng, vẫn chịu xử lý theo luật pháp công minh khi có kết luận của điều tra, xét xử...

- Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng. Kiên quyết không cho xuất cảnh các phần tử tham nhũng, kịp thời hợp tác với quốc tế truy bắt những kẻ đào tẩu ra nước ngoài như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… để xử lý nghiêm khắc tội tham nhũng.

Bằng những biện pháp như thế, có thể làm cho cuộc chiến chống tham nhũng để bảo vệ dân, bảo vệ chế độ có kết quả. Nó sẽ thay đổi tình hình, chuyển hóa từ “vô dược” thành “hữu dược” để trị “tham nhũng bệnh” thời nay.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển - Nguyên Giám đốc Sở KH & CN Hà Nội

TS. Đồng Xuân Thụ  - Tổng Biên tập TC Môi trường và Đô thị Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.