Thứ sáu, 29/03/2024 04:26 (GMT+7)

Đẩy mạnh kích cầu du lịch, hướng đến thị trường khách nội địa

Đinh Nga -  Thứ tư, 20/01/2021 17:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2020, đại dịch Covid -19 đã gây thiệt hại hết sức nặng nề đến hoạt động du lịch tại Đà Nẵng. Có 80% cơ sở lưu trú ngừng hoạt động, còn lại các công ty lữ hành thì cũng chỉ kinh doanh khách nội địa

Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn của ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch, nguồn thu ngân sách, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch. Trước thực trạng này, du lịch Đà Nẵng cần phải làm gì để đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển hoạt động du lịch trong năm 2021? Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

P.V:Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động du lịch tại Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Năm 2020, đại dịch Covid -19 đã gây thiệt hại hết sức nặng nề đến hoạt động du lịch tại Đà Nẵng. Có 80% cơ sở lưu trú ngừng hoạt động, còn lại các công ty lữ hành thì cũng chỉ kinh doanh khách nội địa. Lực lượng hướng dẫn viên khách quốc tế thất nghiệp, lượng khách ngoại quốc giảm sâu vì không nhập cảnh vào Việt Nam. Theo thống kê, năm 2020, số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 63,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 75,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, giảm 38,8% so với năm trước.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Đà Nẵng.

P.V:Sở Du lịch Đà Nẵng đã có định hướng như thế nào để phục hồi và phát triển du lịch trong năm 2021 thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Với bối cảnh đầy khó khăn và khó lường về dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ kiên trì cùng các sở, ngành địa phương và doanh nghiệp du lịch triển khai nhiều giải  pháp cụ thể để kích cầu du lịch, từng bước phục hồi và phát triển. Trước mắt là duy trì thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch để giữ gìn điểm đến an toàn tại các cơ sở phục vụ du lịch. Triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch bằng hình thức có chính sách hỗ trợ giảm giá điện, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay ưu đãi, cho phép chậm nộp tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Tổ chức miễn phí các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch, thay đổi tư duy kinh doanh dịch vụ du lịch. Chuẩn bị sẵn kế hoạch kích cầu du lịch dựa trên cơ sở diễn biến kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế cho từng giai đoạn. Huy động doanh nghiệp cùng tham gia tổ chức một số sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn như: Lễ hội tuyệt vời Đà Nẵng; Cuộc thi người đẹp du lịch Việt Nam năm 2021; Cuộc thi Hoa khôi Đà Nẵng; Vòng chung kết hoa khôi golf toàn quốc tại Đà Nẵng…

Tổ chức thí điểm hoạt động phục vụ phát triển kinh tế ban đêm, dự kiến đề xuất triển khai với chủ đề “Đà Nẵng về đêm” gồm: Trang trí, chiếu sáng nghệ thuật đường phố; Tổ chức lễ hội, sự kiện hoạt động vui chơi giải trí tại 2 bờ sông Hàn; Cầu rồng phun lửa phun nước; Phố đêm Mỹ An; Lễ hội ánh sáng, Tour trải nghiệm đêm tại các khu điểm du lịch Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, City Tour Đà Nẵng bynight,  Tour du ngoạn sông Hàn..

Hoạt động du thuyền trên Sông Hàn thu hút du khách đến với Đà Nẵng.

P.V:Sản phẩm du lịch mới nào sẽ được Đà Nẵng tung ra trong năm 2021? Và theo ông, Đà Nẵng cần có giải pháp gì để tiếp tục xây dựng, quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Năm 2021, Sở Du lịch Đà Nẵng xác định sẽ tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; Du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị, hội thảo;  Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, cộng đồng, sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.

Để đạt được mục tiêu Đà Nẵng điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, ngành du lịch cần phải phát huy sự đồng hành của doanh nghiệp du lịch và vai trò cơ quan truyền thông tham gia vào công tác truyền thông du lịch Đà Nẵng. Thực hiện các giải pháp xúc tiến và truyền thông hiệu quả nhằm kích cầu, phục hồi tăng trưởng từ các thị trường khách nội địa trọng điểm.

Vận dụng tiện ích Internet và các ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá du lịch Đà Nẵng hiệu quả. Tập trung khôi phục tăng trưởng thị trường khách nội địa lân cận như: Quảng Nam, TT-Huế, Bình Định và thị trường có đường bay thẳng gồm: Hà Nội, các tỉnh Tây Bắc, TPHCM, Cần Thơ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên, Hải Phòng, Phú Quốc… Bên cạnh đó, từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế, tập trung ưu tiên thị trường truyền thống có khả năng khôi phục và tiêm vắc xin sớm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; mở rộng khai thác thị trường quốc tế tiềm năng gồm: Thị trường Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ và thị trường mới Ấn Độ.

Cầu rồng phun lửa và nước là hoạt động thu hút du khách đến thăm quan Đà Nẵng.

P.V:Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh kích cầu du lịch, hướng đến thị trường khách nội địa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.