Thứ tư, 24/04/2024 21:15 (GMT+7)

ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu: Then chốt là Logistics

MTĐT -  Thứ ba, 04/01/2022 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sẽ có nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, từ ngăn mặn giữ ngọt, thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển hướng kinh tế…, nhưng vấn đề then chốt đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lẽ nằm ở Logistics.

Đối phó hay thích ứng?

Thực ra thì ngay từ thời xa xưa, con người đã có bài học về việc ứng xử với tự nhiên. Lịch sử Trung Hoa còn ghi lại, thời vua Nghiêu trị vì, lưu vực sông Hoàng Hà thường xảy ra ngập lụt lớn cuốn trôi hoa màu, nhà cửa… Vua Nghiêu bèn sai ông Cổn đảm nhiệm công việc khắc phục thủy tai. Cổn trị thủy suốt 9 năm trời nhưng không có kết quả, vì Cổn chỉ biết đắp đê và đập để ngăn nước. Khi nước dâng cao làm vỡ đê đập, tai họa lại còn lớn hơn trước.

Vua Thuấn lên thay vua Nghiêu bèn giết chết Cổn và sai Vũ là con của Cổn thay cha để trị thủy. Vũ thay đổi cách làm, dùng biện pháp khơi thông sông ngòi để dẫn nước ra biển. Thậm chí lúc đó ở vùng trung du Hoàng Hà còn có một ngọn núi lớn là Long Môn sơn (nay ở tây bắc huyện Hà Tân tỉnh Sơn Tây) chặn ngang dòng chảy, khiến dòng sông bị hẹp lại, nước bị nghẽn, nhiều lần tràn bờ sinh ra thủy tai lớn. Vũ đến nơi khảo sát rồi dẫn đầu mọi người đục núi cho nước chảy xuyên qua, chấm dứt được nạn nước tràn bờ. Vì vậy mà sau 13 năm, công việc trị thủy của Vũ thành công.

Nhắc lại bài học lịch sử trên để thấy, trước hiểm họa do thiên nhiên mang đến, cần có cách ứng xử khôn ngoan để chung sống, thích ứng chứ không phải đối phó hay đối đầu. Nhân loại nói chung, trong đó có Việt Nam, đang đứng trước thách thức lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu mà ĐBSCL là một trong những khu vực phải chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Vấn nạn hàng đầu của BĐKH chính là nước biển dâng.

Theo nghiên cứu dự báo của Tổ chức Oxfam, đến năm 2030, khả năng nước biển dâng có thể làm cho khoảng 45% diện tích đất của ĐBSCL bị nhiễm mặn hoàn toàn và mùa vụ sẽ bị thiệt hại do lũ lụt. Đến năm 2100, mực nước biển có thể dâng cao 30 cm đến 1 m. Nhiều khả năng nước biển sẽ dâng lên mức trên 1m; lúc đó, 90% diện tích của ĐBSCL có thể bị ngập lụt hằng năm.

Nhớ lại thời đóng quân ở miền Tây, lần đầu tiên tôi chứng kiến trận lũ lịch sử ở ĐBSCL vào năm 1978. Nước lũ tràn về, nhấn chìm các tỉnh miền Tây, nhất là các tỉnh đầu nguồn Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… nước tràn qua biên giới ngập trắng đồng. Không những ruộng đồng vườn tược mà cả các con lộ cao như thế nước lũ cũng tràn qua. Tiếp theo là các trận lũ lớn vào các năm 1984, 1991, 1996, 2000, 2001, 2002 và 2011.

Ai có về miền Tây vào mùa nước dâng mới thực sự hiểu thế nào là lũ; cả một biển nước mênh mông, trắng loạng tít tắp không thấy bờ. Bà con nông dân, chính quyền, lực lượng bộ đội sát cánh cùng dân chống lũ, và cuối cùng chúng ta rút ra được một điều, đó là sống chung với lũ. Ấy thế nhưng ngay sau đó, chúng ta lại phải đối mặt với một tai họa khác ngược hẳn lại, đó là miền Tây… không có lũ. Không có lũ đồng nghĩa với việc mất hẳn một nguồn tài nguyên do lũ mang đến là nguồn lợi thủy sản, phù sa và việc diệt trừ sâu bệnh cùng các loài gây hại cho cây trồng. Mặt khác, không có lũ cũng đồng nghĩa với việc thiếu nước ngọt cho đời sống, sản xuất nông nghiệp cũng như nạn xâm nhập mặn. Từ chỗ ra sức chống lũ, con người lại mong mỏi chờ lũ đến.

Nói thế để thấy, cái gì cũng có hai mặt của nó, kể cả BĐKH. Nói thế cũng để thấy, những biến đổi của thiên nhiên là không cưỡng lại được, vấn đề là con người biết cách hạn chế mặt tiêu cực và chủ động khai thác tốt nhất mặt tích cực do thiên nhiên mang đến.

Từ lấy chất lượng thay đổi số lượng

Trở lại câu chuyện ĐBSCL với biến đổi khí hậu, nguy cơ lớn nhất là diện tích trồng lúa sẽ bị mặn hóa do nước biển dâng. Điều đó đồng nghĩa với việc vựa lúa của cả nước, thậm chí là một trong những vựa lúa của cả thế giới sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Ở đây có hai vấn đề đặt ra:

Thứ nhất, diện tích trồng lúa, tức nước ngọt thu hẹp nhưng diện tích nước mặn lại mở rộng. Vậy liệu có phải chỉ có nước ngọt mới có lợi còn nước mặn là bất lợi?

Thứ hai, diện tích trồng lúa thu hẹp liệu có đồng nghĩa với việc giá trị cũng giảm theo tương ứng?

Về vấn đề thứ nhất, đúng là nước ngọt có lợi cho trồng lúa và cây trái, nhưng không thể nói nước mặn kém giá trị so với nước ngọt; lại càng không thể nói nước mặn là vô giá trị. Có lẽ do nước ta có đường bờ biển dài, có vùng biển rộng nên nhiều khi ta chưa thực coi trọng nguồn lợi từ biển; còn đối với những quốc gia nằm sâu trong lục địa thì biển là một niềm mơ ước, khát khao không bao giờ có được. Vấn đề ở đây lại là khai thác và phát huy thế mạnh biển như thế nào.

Thực ra thì trong những năm gần đây, thế mạnh của biển đã ngày càng được chú trọng, phát huy và cũng ngày càng chứng tỏ thế mạnh không hề thua kém so với đất liền hay các vùng nước ngọt. Kể sơ sơ ra có thể thấy những lĩnh vực phát triển mạnh những năm gần đây dựa vào biển như du lịch biển, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản ven biển…, và đặc biệt là ngư nghiệp, nông nghiệp.

Thế mạnh của ĐBSCL gần đây không còn độc tôn dựa vào cây lúa nữa mà đã chuyển dần sang nuôi trồng thủy hải sản, trong đó đặc biệt là con tôm. Con tôm Việt Nam đi khắp thế giới. Và nếu nhìn từ góc nhìn khác vào việc con tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá ở một số nơi trên thế giới thì lại thấy rõ, con tôm nói riêng và thủy hải sản nói chung lại là một thế mạnh của Việt Nam cần được chú trọng khai thác và phát huy.

Chỉ cần nêu một ví dụ trên để thấy, nước ngọt có lợi thế của nước ngọt, nước mặn cũng có thế mạnh của nước mặn. Và nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH tổ chức tháng 9/2017 thì “nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên”. Về vấn đề thứ hai, đúng là khi nước biển dâng thì phần đất liền sẽ bị thu hẹp lại, diện tích canh tác và diện tích gieo trồng đều giảm sẽ làm sụt giảm sản lượng lúa gạo.

Tuy nhiên những năm gần đây, các địa phương đã tích cực chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để thích ứng với xâm nhập mặn, mà con tôm nói trên là một ví dụ, do đó về giá trị sẽ được cân đối lại. Mặt khác, ngay trong cùng cây trồng, vật nuôi, các địa phương cũng đã chuyển dần sang hướng nâng cao giá trị thay cho việc quảng canh chạy theo số lượng.

Lấy ví dụ như trong lúa gạo thì chuyển sang loại gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, gạo sạch… Chẳng hạn như loại gạo

Cần Thơ - Hạt nhân vùng ĐBSCL (mặc dù có lợi thế về hệ thống giao thông đường thủy, nhưng có đến 70% khối lượng hàng xuất khẩu của ĐBSCL vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ, khiến chi phí vận tải đội lên 10 - 40%...) ST24, ST25 của ông Hồ Quang Cua “ngon nhất thế giới” ngay trên thị trường trong nước cũng cao gấp hai ba lần gạo tẻ thường. Như vậy, nếu đi theo hướng này, lấy chất lượng thay số lượng thì về giá trị không những có thể bù đắp được việc thu hẹp diện tích canh tác, mà còn mở ra triển vọng tiêu thụ dễ dàng hơn, chứ không bấp bênh với cảnh được mùa mất giá. Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị không chỉ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà ngày nay còn phụ thuộc vào yếu tố vô cùng quan trọng, đó là logistics, đặc biệt là đối với ĐBSCL.

...Đến đòn bảy logistics

Nói đặc biệt đối với ĐBSCL là đứng trên hai phương diện, đặc điểm địa hình và đặc điểm sản phẩm.

Về địa hình, đây là vùng đất mới, trũng thấp, ngập nước, nhiều sông ngòi kênh rạch… Địa hình bị chia cắt, nền đất yếu trũng thấp là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hạ tầng ở khu vực này kém phát triển. Trong khi đó về sản phẩm, chủ lực ở đây lại là sản phẩm nông nghiệp với hai tính chất cố hữu là cồng kềnh, khối lượng lớn và cần chế độ bảo quản khắt khe, nhất là hàng tươi sống. Chính hai đặc điểm có tính chất đối chọi, loại trừ nhau này khiến cho hàng nông sản ở ĐBSCL dù chất lượng tốt nhưng mất đi lợi thế cạnh tranh bởi chi phí vận chuyển, lưu trữ, bảo quản… (logistics) quá cao. Cũng bởi thế mà sức lan tỏa và giá trị sản phẩm không lớn.

Hàng nông sản có đặc điểm là cần chế độ bảo quản khắt khe mới bảo đảm được chất lượng và cần phải qua chế biến, càng sâu càng tốt, mới đưa được hàng hóa đi xa và nâng cao được giá trị. Thế nhưng, tất cả những điều này ở ĐBSCL đều vừa thiếu, vừa yếu, khiến cho năng suất thì cao nhưng thu nhập cuối cùng của người nông dân lại thấp. Đồng thời cũng khiến cho nông dân luôn bị ép giá và thường rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Mặt khác, nông sản muốn nâng cao giá trị phải hướng đến xuất khẩu. Thế nhưng mặc dù có lợi thế về hệ thống giao thông đường thủy, nhưng có đến 70% khối lượng hàng xuất khẩu của ĐBSCL vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP.HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), khiến chi phí vận tải đội lên 10 - 40%. Nhiều doanh nghiệp thủy hải sản ở khu vực cho biết, nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL, không phải đưa lên TP.HCM thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn, cỡ từ 30 - 40% và khi đó, tính cạnh tranh của hàng hóa sẽ còn cao hơn nhiều.

Ngay ở nội địa, hàng nông sản tươi sống của khu vực này với đặc trưng miệt vườn rất phong phú nhưng chủ yếu cũng chỉ lên đến TP.HCM là hết, còn ra đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng không nhiều, giá cũng đã đội lên rất lớn và chất lượng cũng không còn “tươi ngon” nữa. Đã không ít lần, người nông dân ở ĐBSCL không thiết thu hoạch sản phẩm vì giá xuống mức quá rẻ, thậm chí không bù được chi phí thu hoạch; trong khi cũng mặt hàng đó ở phía Bắc giá vẫn đứng ở mức cao ngoài thị trường. Không cần phải suy nghĩ sâu xa cũng có thể thấy, nếu có một hệ thống lưu trữ, bảo quản và vận tải đủ nhanh, đủ mạnh thì tình trạng đó đã không xảy ra.

Có lẽ nhìn thấy điều đó nên ông Đào Hồng Tuyển, ông chủ của Tập đoàn Tuần Châu, người được mệnh danh là “chúa đảo” khi mở đầu cuộc tiến biển và thành công vang dội với tổ hợp Tuần Châu ở Quảng Ninh, trong một lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã đề xuất ý tưởng xây dựng một thành phố hải sản ở Cà Mau và lấn biển để làm sân bay. Một ý tưởng nghe rất ngắn gọn, nhưng nó có thể chứa đựng cả đường hướng phát triển cho Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung trước đe dọa của BĐKH và nước biển dâng. Đó là, lấy chuyển hướng sang kinh tế biển làm tiền đề và lấy logistics làm khâu then chốt.

Kinh tế biển chính là thích ứng với BĐKH một cách khôn ngoan và phát huy được lợi thế của một nước hướng biển như Việt Nam. Còn xây dựng, phát triển, hoàn thiện chuỗi logistics từ hệ thống kho bãi chứa hàng, bảo quản, chế biến… đến vận chuyển chính là mấu chốt để nâng cao giá trị sản phẩm của khu vực; và đây chính là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững nói chung và trước biến đổi khí hậu của ĐBSCL nói riêng.

Có nhiều giải pháp để giải quyết bài toàn ứng phó với BĐKH, nhưng nếu không giải quyết được khâu logistics thì hình như, mọi giải pháp mới chỉ là giải quyết tình huống mà chưa giải quyết được bản chất của vấn đề. Và ĐBSCL có thể sẽ khó phát triển bền vững trước BĐKH.

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu: Then chốt là Logistics. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.