Thứ bảy, 20/04/2024 09:16 (GMT+7)

Để di sản kiến trúc sống cùng đô thị hiện đại

MTĐT -  Thứ bảy, 15/06/2019 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự khắc nghiệt của thời gian và những bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn khiến những di sản kiến trúc đô thị đang ngày càng mai một. Đó là thực trạng đáng buồn về việc bảo tồn, gìn giữ di sản.

Tại hội thảo “Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” diễn ra ngày 14/6, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh: “TP.HCM đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một thành phố lớn, trong đó có vấn đề về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị đã biến dạng, biến mất, hoặc đang bị đe dọa trước áp lực của quá trình đô thị hóa, trước sức ép tăng dân số và áp lực về quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đặt ra cho chính quyền và nhân dân thành phố sự cân nhắc trong định hướng quy hoạch phương thức bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa”.

Theo thống kê, TPHCM hiện có 172 di sản đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 114 di tích cấp thành phố. Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, cần nhìn nhận Sài Gòn - TPHCM như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống di sản đô thị có nhiều giá trị.

Tuy nhiên, có một thực tế được PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, đặt ra, đó là nhiều công trình lớn, mang tính biểu tượng: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật… lại chưa được xếp hạng di tích dù đã có trong danh mục kiểm kê.

“Điều này dẫn đến một hệ lụy là nhiều công trình có giá trị về lịch sử, chỉ vì chưa kịp xếp hạng di tích nên không được bảo vệ thông qua cơ sở pháp lý, có nguy cơ bị phá bỏ để làm dự án một ngày nào đó”, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cũng cho rằng, thực tế trên thế giới đã có những bài học, công trình ngàn năm có thể bị phá do một quyết định tức thời và không thể có lại.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Hiện nay cơ sở pháp lý về bảo tồn di sản còn thiếu sót khá nhiều, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các giải pháp bảo tồn về mặt quy hoạch và kiến trúc”. Luật Di sản đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó đáng lưu ý nhất là không giải quyết được giải pháp bảo tồn cho các di sản chưa được xếp hạng, hiện đang chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, Luật Di sản hiện cũng xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo, phục hồi và tái thiết di sản. PGS-TS Nguyễn Khởi cũng khẳng định: “Các cơ quan chuyên môn, quản lý di sản chưa theo kịp đà phát triển xây dựng của đô thị, chưa đưa ra một chính sách toàn diện cùng các giải pháp hữu hiệu trong bảo tồn”.

Không chỉ là câu chuyện của TP. HCM

Làm thế nào để bảo tồn di sản đô thị trước cơn bão đô thị hóa cũng là vấn đề của Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội có 5.922 di tích – đứng đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử, văn hóa. Trong bảng phân loại, Hà Nội có đủ 4 loại di tích được quy định tại Luật Di sản Văn hóa - đó là: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học, danh lam thắng cảnh. Trong đó, Hà Nội đang sở hữu 1 di tích lịch sử văn hóa thế giới, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) xếp hạng quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố…

Theo báo Hà Nội mới, đánh giá về tiềm năng của di tích Hà Nội, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: “Đây không chỉ là kho báu, mà còn là nguồn lực to lớn đã và đang có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dưng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại”.

Nhiều năm qua, Hà Nội luôn quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa. Và thực tế, Hà Nội đã từng bước phát huy được các giá trị di sản văn hóa và bước đầu có những nguồn thu từ việc nâng cao giá trị di sản. Khách quốc tế và trong nước đến tham quan di tích tăng theo từng năm, tỷ lệ thuận với nguồn thu từ bán vé. Cụ thể, ngân sách thu từ bán vé ở di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2017 là hơn 30 tỷ đồng; Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2016 là hơn 7 tỷ đồng; quần thể danh thắng chùa Hương là 180 tỷ đồng trong năm 2017…

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhiều di sản mới chỉ được nhìn nhận về giá trị kiến trúc mà chưa được để tâm về góc độ văn hóa, lịch sử, tác động định hình đô thị. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều nhà đầu tư coi di sản chỉ là bất động sản, vô tư phá các công trình kiến trúc chỉ để phát triển dự án bất động sản, xóa đi dấu tích, văn hóa, bản sắc của đô thị nghìn năm lịch sử quý giá.

Phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” ngày 10/6 vừa qua do báo Thanh niên tổ chức, PGS.TS. KTS Trần Văn Khải chia sẻ: "Một số nhà đầu tư cho rằng phá những ngôi nhà cổ để xây công trình mới sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn. Họ không hiểu và không biết khai thác di sản rồi tự đánh vào doanh thu của mình".

Là người có nhiều năm kinh nghiệm, tiếp xúc với nhiều nền kiến trúc trên khắp thế giới, kiến trúc sư Aldo Zoli Lo Prinzi (Italia) khẳng định kiến trúc cổ điển có thể trường tồn trong các đô thị hiện đại và mang theo những giá trị rất lớn. Kiến trúc cổ điển được kết tinh qua các thời kỳ và vẫn đang tiếp tục được truyền bá khắp nơi trên thế giới.

Điển hình như ở Pháp có Khải hoàn môn; ở Anh có Bảo tàng Anh; tại Mỹ, nhiều công trình cũng mang đậm phong cách kiến trúc cổ điển từ cách thức cột, mái vòm, sảnh tiền… như tòa nhà Quốc hội Capitol, Đài tưởng niệm Jefferson (Washington D.C), Đại học Virginia (bang Virginia), Caesars Palace (Las Vegas, bang Nevada)…Những công trình này cũng đang đóng góp rất lớn những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cũng như kinh tế cho cả địa phương và nhân loại”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Để di sản kiến trúc sống cùng đô thị hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam