Thứ bảy, 20/04/2024 16:21 (GMT+7)

Một số đề xuất cải thiện hệ thống thu gom rác thải đô thị ở Việt Nam

TS.Nguyễn Hồng Đăng -  Thứ sáu, 07/08/2020 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo kết quả tính toán và khảo sát thực tế, lượng CTR phát sinh ở các thành phố và đô thị là rất lớn với tỷ lệ trung bình 1,0 kg/người/ngày.

Hiện trạng

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hàng ngày một lượng lớn chất thải rắn (CTR) từ các hoạt động của con người được xả ra môi trường. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến hiện trạng và các vấn đề trực tiếp cần giải quyết trong thu gom CTR sinh hoạt đô thị trong hoạt động thường ngày, phục vụ nhu cầu đời sống của con người.

Theo kết quả tính toán và khảo sát thực tế, lượng CTR phát sinh ở các thành phố và đô thị là rất lớn với tỷ lệ trung bình 1,0 kg/người/ngày. Các địa phương có khối lượng phát sinh lớn như TP Hồ Chí Minh là 9.100 tấn/ngày, Hà Nội là 6.500 tấn/ngày. Đặc biệt rác sinh hoạt có khối lượng và thành phần đa dạng phụ thuộc vào mức sống người dân và sự phát triển công nghiệp, thương mại của từng địa phương, trong đó rác hữu cơ chiếm 70-75%, vô cơ (như thủy tinh, kim loại) chiếm 25-30%; rác có thành phần nhựa chiếm 8-16% và rác thải nguy hại chiếm 1-2% (1).

Công tác phân loại rác thải tại nguồn thường được thực hiện bởi người dân, một phần rác có thể tái chế (giấy bìa các tông, kim loại, nhựa) được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ quả, ... được tận dụng cho chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phân loại tại nguồn chưa được thực hiện triệt để và phù hợp với công tác xử lý, chủ yếu sau khi được vận chuyển về nhà máy xử lý hoặc lò đốt rác mới được phân loại sơ bộ để xử lý.

Quá trình thu gom rác đóng vai trò rất quan trọng vì thường chiếm khoảng 70-80 % tổng kinh phí của hệ thống quản lý CTR. Dù tỷ lệ thu gom ở thành phố hiện nay là khá cao (khoảng 90%) nhưng do lượng CTR phát sinh liên tục tăng lên, đồng thời việc quy hoạch thu gom và hạ tầng cơ sở vẫn chưa theo kịp, vì vậy tỷ lệ thu gom ở nhiều đô thị vẫn chưa đạt yêu cầu (2).

Tính cấp thiết cần phải tối ưu hóa hệ thống thu gom CTR

Quy trình thu gom rác sinh hoạt được thực hiện như sau: Người dân bỏ rác tại các điểm ven trục đường, sau đó công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và đưa rác về các điểm tập kết. Xe chuyên dụng lấy rác tại các điểm đó và vận chuyển về nơi xử lý. Đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt khu vực đô thị thường được giao cho các Công ty môi trường đô thị và Công ty quản lý công trình công cộng của các quận huyện.

Việc thu gom rác hiện nay vẫn dựa trên sơ đồ cơ bản nêu trên và có thể thấy còn một số các vấn đề chưa được giải quyết triệt để như sau:

  • Tuyến đường thu gom của các xe thu gom đẩy tay cũng như các xe cơ giới vận chuyển rác đến khu xử lý.

Số lượng điểm tập kết của các đô thị sẽ ảnh hưởng tới số lượng nhân lực và phương tiện để thu gom cho từng địa bàn, vì vậy cần phải bố trí hợp lý vị trí các thùng rác, điểm tập kết rác; tuyến đường thích hợp cho thu gom; xác định phương tiện cũng như tuyến đường thích hợp cho vận chuyển đến nơi xử lý.

Đến nay, các tuyến đường thu gom vận chuyển đều được vạch ra thường dựa vào kinh nghiệm mà không được xem xét hay tính toán một cách khoa học vì vậy không tránh khỏi tình trạng hao phí thời gian, nhân công và nhiên liệu. Nhiều tuyến đường vận chuyển rác không hợp lý, xe tải lớn phải đi vào các con đường nhỏ chật chội làm ảnh hưởng đến giao thông, làm ô nhiễm không khí các khu dân cư.

Chính vì vậy, quãng đường thu gom cần được tối ưu để có được quãng đường ngắn nhất, giảm thiểu thời gian di chuyển, đồng thời giảm thiểu lượng nhiên liệu sử dụng, giảm lượng khí thải phát sinh (3).

Các vấn đề này về cơ bản có thể được giải quyết bằng ứng dụng hệ thống thông tin GIS. Công nghệ này cho phép:

  • Tối ưu hóa vị trí đặt thùng rác theo các tuyến đường.
  • Tối ưu hóa lộ trình ngắn nhất cho các xe thu gom tới các bãi chôn lấp dựa trên cơ sở hạ tầng bằng công nghệ GIS (tìm đường đi ngắn nhất).
  • Tối ưu hóa số lượng điểm thu gom và tập kết các thùng rác.
  • Tối ưu hóa sử dụng nhiên liệu trong hệ thống xe vận chuyển được sử dụng.
  • Tối ưu hóa vị trí trạm trung chuyển và quãng đường vận chuyển rác từ đến bãi chôn lấp (4).
  • Rác đứa về các trạm trung chuyển để thu gom, sau đó vận chuyển đến khu xử lý CTR.

Trạm trung chuyển với nhiệm vụ tập trung CTR từ các xe thu gom rác. Từ các trạm trung chuyển CTR được vận chuyển lên các bãi chôn lấp bằng các xe có trọng lượng lớn (10 – 15 Tấn/xe). Hiện nay các trạm trung chuyển được đầu tư xây dựng chưa nhiều. Hiện tại mới có một số ít trạm trung chuyển tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thủ Dầu Một, Bắc Giang…(4)

Các xe rác đẩy tay, xe thu gom rác nhỏ có thể đến để chuyển rác vào các container lớn tại trạm trung chuyển, từ đó giúp giảm thiểu thời gian vận chuyển rác bằng các xe nhỏ đến nơi xử lý, đồng thời giảm chi phí thu gom. Ngoài ra, trạm trung chuyển còn giúp các xe thu rác vận hành linh hoạt hơn: rác liên tục được thu trong ngày giúp đường phố sạch hơn, đặc biệt phát huy vào những giai đoạn cao điểm như lễ tết, sự kiện lớn, …

Như vậy, áp dụng trạm trung chuyển rác thải có thể giải quyết vấn đề còn tồn đọng trong thu gom rác thải tại đô thị hiện nay trực tiếp liên quan đến môi trường và giảm thiểu chi phí. Vấn đề này cần được quan tâm ngay từ khâu quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

  • Ngoài ra một số chính sách rác thải cũng cần được cải tiến đề phù hợp với xu thế và sự phát triển của đất nước và toàn thế giới.

Quy định bỏ rác tập trung theo giờ sẽ hạn chế việc người dân vứt rác bừa bãi xuống lòng đường, vỉa hè; vứt rác bừa bãi, nhiều lần ban ngày, đồng thời cần có các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần triển khai mô hình thúc đẩy các hộ dân phân loại CTR từ nguồn phát sinh. Việc phân loại này sẽ làm tăng tỷ lệ tái sinh chất thải, cũng có nghĩa giảm bớt khối lượng chất thải phải vận chuyển và xử lý.

Công nghệ đang ứng dụng tại một số quốc gia tiên tiến

Ngày nay có nhiều các hệ thống quản lý rác thải được ứng dụng các công nghệ thông minh để có thể quản lý CTR hiệu quả nhất. Các thùng rác đều có cảm biến để xác định mức độ đầy của rác và được thông báo trực tuyến về trung tâm. Lúc này lộ trình, tuyến đường thu gom sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào lượng rác, độ đầy trong thùng sao cho hợp lý nhất (5).

Rác tái chế cũng sẽ được thu gom riêng với tần suất thấp hơn rác thải tổng hợp. Và các thùng rác cảm biến lượng rác tái chế cũng sẽ báo về trung tâm trực tuyến để có thể dễ dàng điều chỉnh lộ trình xe sao cho hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Kết luận

Với khối lượng rác phát sinh hàng năm đang tăng lên đáng kể, việc rất quan trọng để hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay đó là đưa ra các biện pháp thu gom rác, và chính sách phù hợp với định hướng phát triển của xã hội và nhận thức của người dân. Một số phương pháp cụ thể để có thể giải quyết trước mắt các vấn đề còn tồn đọng trong hệ thống thu gom rác thải đô thị tại Việt Nam là tối ưu hóa hệ thống với ứng dụng công nghệ GPS/GIS, bổ sung trạm trung chuyển rác, thu gom rác theo giờ, và dần dần tiến tới quản lý CTR đô thị thông minh. Các giải pháp này sẽ nâng cao hiệu quả thu gom rác của hệ thống, giảm thiểu chi phí và ô nhiễm phát sinh trong đô thị.

Tài liệu tham khảo

1. The world bank. Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại các phương án và hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia.

2. Hiện trạng phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam. Tạp chí Môi trường 8/2020.

3. Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Hiếu Trung, Nguyễn Phúc Thanh và Yasuhiro Matsui. Ứng dụng GIS và GPS hỗ trợ công tác quan trắc và quản lý hệ thống thu gom – trung chuyển chất thải rắn đô thị ở thành phố Cần Thơ. Trường đại học Cần Thơ. Tạp chí khoa học 2011:20b 1-11

4. Hiện trạng phương tiện, thiết bị thu gom, tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong đô thị. Tạp chí Công nghệ Môi trường. 8/2019

5. Giải pháp quản lý rác thải thông minh. Website Sở KHCN TP.Hồ Chí Minh. 3/2020

Bạn đang đọc bài viết Một số đề xuất cải thiện hệ thống thu gom rác thải đô thị ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ