Thứ sáu, 29/03/2024 11:53 (GMT+7)

Đề xuất đột phá: ‘giải cứu’ nguồn nước sông hồ Hà Nội

MTĐT -  Thứ ba, 06/07/2021 08:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội đang điều chỉnh tổng thể cho phù hợp với các quy định pháp luật mới ban hành (Luật quy hoạch 2017), hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá về quy hoạch hạ tầng đô thị, thúc đẩy thành phố phát triển.

Đây cũng là cơ hội tốt để Thủ đô khắc phục vấn nạn sông hồ ô nhiễm gia tăng do sai lầm quy hoạch thu gom xử lý nước thải…

Nước thải ở Hà Nội và hành trình trăm năm (1900-2000)

Trước khi tới Hà Nội, người Pháp trải qua nạn dịch kinh hoàng càn quét khắp Âu – Mỹ, Ấn Độ, Trung Hoa làm chết hàng trăm ngàn người… Bệnh dịch có nguồn gốc lan truyền từ nước thải đô thị ô nhiễm. Đến Hà Nội, cũng gặp nhiều trận dịch lớn, người Pháp đã rút kinh nghiệm qua việc khoanh vùng khu phố Tây với hệ thống thoát nước riêng; tách riêng khu phố của người Việt – nơi nước thải sinh hoạt tự thấm, không đổ vào cống chung.

Sau những năm 1930, Hà Nội mở rộng phố về phía Nam khu phố Tây. Khu hồ ao quanh Bảy Mẫu, Thuyền Quang san lấp tạo đất khô ráo, giảm bớt vùng bùn lầy ẩm thấp, vốn được coi là nơi phát sinh dịch bệnh. Có hai trở ngại xuất hiện: một là đất vận chuyển xa 6 km; hai là nước thải sinh hoạt phải sạch. Thành phố đã bán rẻ đất để hỗ trợ chi phí san lấp, nhưng yêu cầu khắt khe là cần làm sạch nước thải từ nhà đổ vào cống, vốn chỉ để thoát nước mưa thành phố.

Hồ Thuyền Quang phản ánh lịch sử trăm năm thu gom và xử lý nước thải Hà Nội (1900-2000). Nguồn: Hanoidata & City Solution

Cơ quan đô thị, y tế và vệ sinh thành phố đồng trách nhiệm kiểm soát, quy định nước thải trong nhà trước khi đổ vào cống thành phố phải trong, không màu, không mùi. Trong suốt thế kỷ 20, sông hồ Hà Nội có thể thả bè rau muống, sẵn cá tôm, cấp cái ăn cho cả thành phố. Trẻ em có thể bơi lội trong tất cả sông hồ Hà Nội.

Hồ Thuyền Quang sạch cho đến giai đoạn 1980-1990, sau đó dần nhiễm bẩn. Năm 2003, Hà Nội cho nạo vét bùn, rồi trộn đất sét với cát vàng, lu lèn chặt đáy hồ và kè xi măng chung quanh… biến hồ sinh thái tự nhiên thành đĩa bê tông đựng nước (các hồ khác cũng vậy) hệ luỵ là những năm sau đó cá chết nhiều. Thành phố xoay sở nhiều cách: bơm sục khí, bè thủy sinh, rắc hóa chất Redoxy 3C, thả thiên nga… cá vẫn chết nhiều và thường xuyên hơn.

Và một minh chứng đầy tính thời sự đó là trong hôm nay (3/7/2021) báo chí trong nước vừa đồng loạt đăng tải thông tin hình ảnh cá chết nổi trắng một góc hồ Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), chưa được xử lý nên bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng cá chết nổi tại hồ điều hòa Yên Sở. Trước đó, mỗi khi thời tiết thay đổi như nắng nóng kéo dài rồi đột ngột mưa lớn lại xuất hiện cá chết nổi trên hồ…

Những nhà máy xử lý nước thải ‘vô dụng’

Sau năm 1970, thành phố thay nhà vệ sinh “xí thùng” bằng “xí hai ngăn”. Xí nghiệp vệ sinh không đổi thùng hàng ngày mà vài tuần mới đến mở ngăn ủ phân trộn tro bếp, chuyển về ngoại thành bón ruộng hay đổ xuống các hồ lớn làm thức ăn nuôi cá. Những năm 1980-1990, quá trình đô thị hoá, Hà Nội san ruộng, lấp hồ tràn lan để xây nhà… thu hẹp dần đất nhận phân khô, thành phố thay “xí hai ngăn” bằng các bể “bán tự hoại”, thực chất là hóa lỏng nước thải trộn lẫn nước mưa đổ tự do vào cống, dồn vào các hồ, dẫn đổ vào sông Tô Lịch, bơm ra sông Hồng. Kết quả là sông hồ Hà Nội ô nhiễm: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, Sét trở trở thành cống lộ thiên nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối vòng quanh thành phố.

Cùng thời gian đó, Hà Nội vay ODA 550 triệu USD cho Dự án thoát nước: làm cống mới, trạm bơm, nạo vét bùn, lu lèn chặt và kè bê tông toàn bộ sông hồ nội thành. Thành phố xây 4 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) bên cạnh các hồ, trị giá 340 triệu USD, mỗi năm phải bỏ thêm cả trăm tỷ đồng vận hành, kết quả là sông hồ vẫn ô nhiễm. Ngay cả sau khi nhà máy Yên Xá hoạt động, tăng thêm 150.000 m3, tổng số 383.800m3 thì mới xử lý chưa tới 40% , còn lại 60% nước thải chưa xử lý phát tán ra môi trường hàng ngày.

Bỏ ra hàng tỷ USD xây nhà máy XLNT, hàng năm tốn cả chục triệu USD vận hành, loay hoay mọi các nhưng nước sông Tô Lịch và các sông đặc quánh đen kịt, cá chết trắng các hồ Hà Nội. Nguồn: Hanoidata & City Solution

Nước thải đổ vào sông Tô Lịch sau đó chảy vào sông Nhuệ rồi xuôi về Nam, khiến nông ngư nghiệp Hà Nam không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng, thiệt hại. Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề xuất Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy liên quan đến 5 tỉnh/thành phố và thành lập Ủy ban vận hành đề án.

Cuối năm 2020, các Bộ, ngành địa phương đã họp tổng kết sau 12 năm vận hành cũng như họp định kỳ hàng năm. Đề án đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo nhưng ô nhiễm nước thải vẫn ngày càng trầm trọng, hành vi gây ô nhiễm ngày càng tinh vi. Phải công nhận ngành TN&MT đã tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới, tăng cường nhân lực, thiết bị cho quan trắc ô nhiễm… nhưng kết quả công bố trên mạng lại chưa tương xứng, nếu không nói là không mấy giá trị.

Bản đồ Hà Nội 1928: khu vực đầm hồ quanh hồ Thuyền Quang và Bảy Mầu trước khi mở rộng phố mới (bên trái). Sơ đồ thu gom, xử lý và thoát nước mưa, nước thải Hà Nội trong 20 năm (2001 -2021) và không gian đầu nguồn nước sạch cho sông hồ Hà Nội. Nguồn: Hanoidata & City Solution

Cũng cần biết là Bộ TN&MT có vai trò chủ trì lập quy hoạch bảo vệ môi trường nhưng đến nay chưa thấy đâu. Không có quy hoạch tổng thể, kế hoạch hành động cụ thể cũng như chưa nhận diện, đánh giá đúng sai, hiệu quả đầu tư nên Đề án đã chi ra 20.000 tỷ nhưng không đạt kết quả tương xứng, rồi lại tiếp tục xây dựng các nhà máy XLNT tốn kém và vô tác dụng. Thí dụ: Nhà máy XLNT Hồ Tây xây xong không có nước thải, trong khi các cống nước thải vẫn đổ thẳng xuống hồ; Nhà máy XLNT Trúc Bạch cũng tương tự. Nhà máy XLNT Bảy Mẫu, Kim Liên xử lý xong đổ vào sông Lừ, Sét, Kim Ngưu trộn lẫn nước bẩn chảy vòng quanh thành phố (có thể khiến người dân lãnh đủ ô nhiễm) rồi mới đổ vào nhà máy Yên Sở xử lý, bơm nước sạch ra sông Hồng cho cá bơi.

Hà Nội đang kỳ vọng Nhà máy XLNT Yên Xá sẽ “giải cứu” sông Tô Lịch nên dồn lực đầu tư 800 triệu USD, công suất 270.000m3/ngày đêm… nhưng hai đường ống ngầm đôi bờ sông dài 10 km, nhận nước thải từ 300 cửa cống chỉ đón 150.000m3/ngày đêm, tức là mới đạt nửa công suất. Khả năng nước thải không chảy nổi về nhà máy, Hà Nội đề xuất lấy nước sạch sông Hồng làm sạch Hồ Tây và sông Tô Lịch: nước sạch hòa nước bẩn chảy về nhà máy XLNT, trong khi phần lớn nước thải không thu gom, xử lý, phát tán ô nhiễm khắp thành phố…

Phải chăng hàng tỷ USD đã và sẽ trôi theo dòng nước thải?

Cơ hội vàng để chỉnh trang đô thị

Không có phép màu nào có thể làm sạch sông hồ Hà Nội “sau một đêm”. Nhưng có thể sửa sai bằng cách làm sạch sông hồ ngay từ trạm bơm nước sông Hồng đổ vào đầu nguồn Nhuệ, sông Tô lịch và Hồ Tây.

Giải pháp này kích hoạt đồng thời với việc Bộ Xây dựng khởi động Dự án quy hoạch xây dựng trụ sở 12 Bộ ngành, quy mô 35 ha tại Tây Hồ Tây. Khu vực này có cảnh quan trông ra Hồ Tây đẹp nhất kinh kỳ, vốn là vùng trồng hoa đào nổi tiếng, lại được đầu tư hạ tầng tập trung hạ tầng đô thị cực mạnh… vậy mà chỉ lợi lạc cho các dự án bất động sản tư nhân, nay chỉ còn lại 35 ha đất công. Nhưng có còn hơn không, may mà vẫn đủ điều kiện xây dựng công trình quy mô lớn: diện tích làm việc chỉ dùng hết 20%, còn 80% dư ra để khai thác đa năng, thu hồi vốn xây lắp và nâng cấp môi trường cảnh quan cả vùng.

Tây Hồ Tây có thể trở thành “bộ lọc sinh thái” cho khu vực và đầu nguồn toàn bộ sông hồ Hà Nội (trích ghép sơ đồ “bộ lọc sinh thái” ở Milan –Italia). Trả lại không gian cảnh quan đẹp và sạch cho Hà Nội thay vì chỉ bán đất hay xây nhà bán. Nguồn: Hanoidata & City Solution

Khu Tây Hồ Tây có thể tạo “bộ lọc sinh thái” để tạo ra hệ tuần hoàn tự nhiên, tái tạo nước sạch, không khí sạch… từng bước phục hồi đa dạng sinh học từ đầu nguồn, sau đó lan tỏa toàn thành phố để thay thế cách quy hoạch xử lý nước thải Hà Nội sai lầm trong suốt 20 năm qua (2000-2020).

Theo Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội/ Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất đột phá: ‘giải cứu’ nguồn nước sông hồ Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới