Thứ tư, 16/10/2024 10:31 (GMT+7)

Đề xuất phạt kịch khung 1 tỷ đồng nếu không công khai thông tin thế chấp

MTĐT -  Thứ bảy, 20/07/2024 09:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đề xuất điều chỉnh tăng mức phạt tiền lên tối đa 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS...

tm-img-alt
Không công khai thông tin thế chấp dự án nhà ở, có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng. Ảnh: ITN.

4 hành vi vi phạm có thể bị phạt tối đa 1 tỷ đồng

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi nhân dân với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS và phát triển nhà ở.

Cụ thể, theo Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 1 tỷ đồng (kịch khung). Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định đề xuất điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đến tối đa là 1 tỷ đồng.

Thứ nhất, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP mặc dù đã quy định xử phạt đối với hành vi của chủ đầu tư không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư che giấu thông tin dự án đã bị đem đi thế chấp ngân hàng, dẫn đến người mua nhà do chưa đủ thông tin nên vẫn ký hợp đồng mua bán, đến khi bị ngân hàng phát mại tài sản mới biết căn nhà mà mình mua đã bị chủ đầu tư thế chấp trước đó.

Do đó, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa lên đến 1 tỷ đồng đối với hành vi không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định. Đề xuất này phù hợp mức phạt tối đa (kịch khung) trong lĩnh vực kinh doanh BĐS do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định.

tm-img-alt
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đề xuất điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS từ 200 triệu đồng đến tối đa là 1 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Internet.

Thứ hai, đối với hành vi kinh doanh BĐS khi BĐS không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã quy định xử phạt đối với hành vi này.

Tuy nhiên, tình trạng chủ đầu tư đưa BĐS vào kinh doanh, bán cho khách hàng nhưng chưa đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định vẫn còn diễn ra trên thực tế như: thiếu các điều kiện về khởi công, thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, công trình chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng... Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi này từ 600 triệu đồng lên tối đa là 1 tỷ đồng.

Thứ ba, hành vi chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh BĐS trong dự án BĐS không đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Thứ tư, hành vi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS khi dự án BĐS chuyển nhượng BĐS không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hiện nay dự thảo quy định mức phạt kịch khung là 1 tỷ đồng như nghị định 16/2022/NĐ-CP đã quy định.

Phạt tới 800 triệu đồng nếu chưa đủ điều kiện đã huy động vốn

Một điểm đáng lưu ý, dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng đối với hành vi chủ đầu tư ký văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời, để khắc phục tình trạng chủ đầu tư hiện nay ký với khách hàng bằng nhiều hình thức như phiếu đặt cọc, giữ chỗ để mua căn hộ dự án diễn ra ngày càng phổ biến, số tiền đặt cọc chiếm tỷ lệ lớn so với giá trị hợp đồng mua bán, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, dự thảo Nghị định bổ sung xử phạt từ 200 triệu đồng đến 260 triệu đồng đối với hành vi chủ đầu tư dự án BĐS thu tiền đặt cọc từ bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai không đúng quy định.

Ngoài ra, còn một số hình phạt bổ sung như buộc công khai đầy đủ thông tin về BĐS, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với doanh nghiệp BĐS…

Theo một số chuyên gia về lĩnh vực BĐS, hành vi vi phạm và hình thức xử phạt nêu tại dự thảo Nghị định lần này đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu rất kỹ, hình phạt (bao gồm hình phạt chính và bổ sung) đã nặng tính răn đe, chủ đầu tư không trung thực, dấu diếm thông tin sẽ bị xử lý thích đáng. Quyền lợi của khách hàng và người dân được pháp luật bảo vệ cao nhất.

Trước đó, đầu tháng 3/2024, Bộ Xây dựng đã có Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần kế thừa, hoàn thiện các quy định đã ổn định, phù hợp của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP; rà soát, bổ sung quy định mới trên cơ sở đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và hệ thống pháp luật chuyên ngành xây dựng hiện hành; khắc phục những thực tế còn tồn tại, vướng mắc của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, bãi bỏ những quy định còn chồng lấn, giao thoa, phân định rõ phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng, nhằm nâng cao hiệu quả và tính khả thi của Nghị định.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất phạt kịch khung 1 tỷ đồng nếu không công khai thông tin thế chấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Xây dựng

Cùng chuyên mục

Tin mới