Thứ ba, 23/04/2024 17:22 (GMT+7)

Đề xuất Quốc hội khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2023

MTĐT -  Thứ tư, 04/05/2022 09:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km với tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỉ đồng, khởi công năm 2023.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Tờ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Theo đề xuất của Chính phủ, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại TP Biên Hòa; điểm cuối tại thành phố Bà Rịa. Tuyến cao tốc này dài khoảng 53,7km, được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe (giải phóng mặt bằng quy mô 6 - 8 làn xe như quy hoạch) theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 17.837 tỷ đồng từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Chính phủ đề xuất chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia thành 3 dự án thành phần:

Dự án thành phần 1 (từ km 0 đến km 16) dài khoảng 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.240 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (từ km 16 đến km 34+200, trong đó đoạn km 16+800 đến km 29+400 đi trùng với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) dài khoảng 18,2km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.407 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (từ km 34+200 đến km 53+700) dài khoảng 19,5km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.190 tỷ đồng.

Chính phủ cho biết theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế đặc thù phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện và Quốc hội giao Thủ tướng xem xét quyết định việc phân cấp cho các địa phương. Việc phân chia dự án thành 3 dự án thành phần bảo đảm điều kiện vận hành độc lập.

Khi phân cấp cho các cơ quan chủ quản thực hiện, để bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất trong quá trình triển khai, Thủ tướng sẽ giao Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình trọng điểm chỉ đạo triển khai thực hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở; đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời, là cơ quan chủ trì tổng hợp trình điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có) và tổng hợp báo cáo Quốc hội hằng năm về tình hình thực hiện đầu tư.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án.

Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Hoài Thu (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất Quốc hội khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới