Thứ sáu, 19/04/2024 21:49 (GMT+7)

Đề xuất tăng thuế nơi “sốt” đất: Khó khả thi

MTĐT -  Thứ sáu, 31/05/2019 21:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến đề xuất tăng thuế nơi “sốt” đất của Bộ Xây dựng, giới chuyên gia cho rằng, đề xuất này chưa hợp lý và khó có khả thi.

Trước tình trạng sốt đất xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua, mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản. Hướng đề xuất là Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn.

Đây không phải lần đầu Bộ Xây dựng kiến nghị sử dụng biện pháp thuế để xử lý cơn sốt bất động sản (BĐS). Vào năm 2007, bộ này đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng nhằm hạn chế đầu cơ và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Theo Bộ Xây dựng, hiện một số đối tượng đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường, dẫn chứng tình trạng này ở một số địa bàn như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP.HCM.

Cùng với đó, thị trường địa ốc cũng tồn tại nhiều bất cập về giá như chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Thị trường phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.

Đề xuất tăng thuế nơi "sốt" đất. Ảnh minh họa: Internet.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ý tưởng này chưa thuyết phục. Bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, Lê Hoàng Châu cho biết, luật pháp phải áp dụng trên bình diện quốc gia và một sắc thuế phải đảm bảo tính bình đẳng đối với người dân ở mọi vùng miền trên cùng một lãnh thổ.

Trao đổi với báo Thanh niên, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: “Điều chỉnh tăng thuế đối với những tỉnh thành đang có sốt BĐS để điều tiết là không hợp lý và khó khả thi. Bởi chính sách thuế thường áp dụng chung cho tất cả các tỉnh thành, tránh phân biệt gây ra sự bất công. Hơn nữa, do “sốt” nên giá tăng nhanh nhưng cũng giảm rất nhanh. Trong khi điều chỉnh thuế sẽ qua các bước lấy ý kiến, đến khi đưa vào thực hiện nếu giá trên thị trường giảm thì tính thế nào?”.

Theo luật sư Xoa, thị trường càng có nhiều giao dịch thì nhà nước thu thuế càng nhiều. Vấn đề không phải là tăng thuế từ 2% trên giá bán BĐS lên 4% hay 10% hay một mức nào, mà là xác định được giá thực tế để tính thuế. Bởi giao dịch BĐS giữa các cá nhân với nhau luôn tồn tại 2 mức giá, giá thực tế và giá khai tại phòng công chứng để xác định phí công chứng và thuế thu nhập cá nhân (2% trên giá bán).

Quy định giá khai với cơ quan thuế nếu không thấp hơn bảng giá nhà đất của UBND tỉnh thành thì thuế thu nhập cá nhân 2% được tính trên mức giá khai này. Trường hợp giá khai thấp hơn thì cán bộ thuế sẽ tính theo giá trong bảng giá đất trong khi bảng giá đất 5 năm thay đổi 1 lần, không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Cơ quan chức năng không kiểm soát được giá mới dẫn đến tình trạng không thể quản lý được thị trường.

Vì vậy, quan trọng là xác định được giá thực tế. “Quy định của luật hiện nay đã khá đầy đủ, vấn đề là thực hiện như thế nào. Việc giảm giá kê khai nhằm giảm mức thuế đóng ít hơn vi phạm vào tội trốn thuế, có thể sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Thế nhưng, tình trạng 2 giá trong giao dịch BĐS ai cũng biết nhưng chưa có một vụ hậu kiểm và xử lý nào. Nên cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thì đâu cần phải tăng mức thuế”, ông Xoa nói.

Trao đổi với báo Tiền phong, ông Nguyễn Văn Đực, đại diện Công ty địa ốc Xanh cho biết, cách đánh thuế này chỉ gây khó cho người mua sau cùng và tạo thêm áp lực, bất bình đẳng cho người nghèo.

Theo ông Đực, cách này khó giúp thị trường phát triển bền vững và chỉ giải quyết vấn đề từ ngọn, thậm chí là vi hiến. Cách tốt nhất để ngăn chặn sốt đất và chống nạn đầu cơ, theo ông, là đẩy mạnh tuyên truyền, minh bạch thông tin quy hoạch, có phương pháp và hệ thống dữ liệu nghiên cứu thị trường bài bản để cung cấp cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, thực chất cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra các căn cứ làm quy chuẩn như thế nào gọi là sốt đất và thiếu dữ liệu thống kê cập nhật sát diễn biến thị trường.

Trao đổi với Sài Gòn đầu tư, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, để ngăn chặn tình trạng sốt đất, cần phải tính đến các giải pháp, trong đó có việc tăng thuế. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cách sửa luật về thuế thế nào lại là câu chuyện khác.

Nếu việc đề xuất trên chỉ để cho Chính phủ chủ động, tôi nghĩ không phải. Ở đây, ta thấy rằng nó còn liên quan đến phạm vi điều chỉnh của nhiều luật khác, cụ thể phải sửa lại cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đây là vấn đề khá phức tạp. Cũng có thể nên có luật giao Chính phủ quyết định tỷ suất thuế trong trường hợp có dấu hiệu sốt đất, nhưng luật cũng cần phải làm rõ khái niệm sốt đất, cụ thể thế nào được cho là sốt đất, và tiêu chí nào để so sánh cũng là điều cần phải định nghĩa rõ ràng. Tôi cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là cần sửa luật thuế chứ không chỉ là trao thẩm quyền cho Chính phủ.

Nguyên lý cơ bản của thị trường BĐS là thuế cao thì giá thấp. Khi nâng mức thuế lên cao hơn sẽ tạo hệ quả tất yếu giá đất giảm tương ứng, làm giảm chi phí đầu vào đất đai trong sản xuất hàng hóa, tăng thêm năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Đặc biệt, ở các nước trên thế giới, các sắc thuế nêu trên chỉ tập trung vào những địa bàn phát triển, không tạo gánh nặng nghĩa vụ tài chính cho nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, phù hợp với nguồn thu nhập của dân cư đối với từng giai đoạn phát triển.

Ý nghĩa của sắc thuế này rất lớn, do đó đề xuất của Bộ Xây dựng chưa phải là phương án đầy đủ và toàn diện. Đề xuất này cần nghiên cứu gấp để hoàn thiện như một phương án thuế có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng thuế nơi “sốt” đất: Khó khả thi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...