Đề xuất vịnh Hạ Long trở thành Di sản thế giới lần thứ 3 với tiêu chí về đa dạng sinh học
Nếu được công nhận, vịnh Hạ Long sẽ trở thành khu vực đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO ba lần, sau khi đã được công nhận hai lần trước đó.
Theo quy định của UNESCO tại Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, để trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mỗi di sản cần đạt được một trong 10 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí 10 là chứa đựng các môi trường sinh sống thiên nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa sạng sinh học, kể cả những nơi chứa đựng các giống loài bị đe doạ có giá trị nổi bật toàn cầu xét dưới góc độ khoa học hoặc bảo tồn.
Tại kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới đang diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, từ ngày 21 –31/7/2024, đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh do bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã tiến hành tham vấn các chuyên gia và cơ quan tư vấn của UNESCO. Mục tiêu là xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thế giới theo tiêu chí 10 về đa dạng sinh học.
Vịnh Hạ Long nổi bật với sự phong phú về các loài sinh vật, từ thực vật trên cạn đến các loài sinh vật biển. Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, khu vực này hiện có khoảng 3.000 loài động thực vật, bao gồm 507 loài thực vật trên cạn, 110 loài san hô và 156 loài cá biển. Đặc biệt, nhiều loài mang nguồn gen đặc hữu và quý hiếm, như cá Niếc hang Hạ Long và cua hang Hạ Long.
Ngoài ra, vịnh Hạ Long còn sở hữu nguồn gen dược liệu phong phú, với khoảng 357 loài cây cỏ và gần 100 loài động vật có thể dùng làm thuốc. Các loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, sò, và tôm he cũng đóng góp vào sự đa dạng sinh học của khu vực này.
Nếu được công nhận, vịnh Hạ Long sẽ trở thành khu vực đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO ba lần, sau khi đã được công nhận hai lần trước đó vào năm 1994 và 2000 về giá trị thẩm mỹ và địa chất. Việc này sẽ khẳng định thêm vị thế của vịnh Hạ Long trên bản đồ di sản thế giới, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị sinh học độc đáo của vùng vịnh này.