Thứ sáu, 29/03/2024 06:34 (GMT+7)

Di dời nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp: Khó mấy cũng phải làm

Sơn Hà -  Thứ bảy, 08/10/2022 09:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Đồng Nai đang có nhiều biện pháp buộc các cơ sở ô nhiễm phải di dời nhưng kết quả chưa cao. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, việc di dời các cơ sở này dù khó khăn cũng phải kiên quyết làm.

Đồng Nai có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động; phần lớn trong số đó là DN nhỏ và vừa có nhà máy nằm ngoài khu, cụm công nghiệp (CCN). Nguyện vọng của nhiều DN là được hỗ trợ di dời vào khu sản xuất tập trung song đến nay tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CCN để phục vụ mục tiêu này vẫn còn hạn chế, trong khi DN di dời nhà máy không phải dễ dàng, ngày một ngày hai.

Để phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh cho rằng, dù khó khăn, quá trình quy hoạch, sắp xếp lại, đưa các DN vào khu sản xuất tập trung trước sau cũng phải làm. Trong quá trình ấy, tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để DN di dời sản xuất.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Muốn vào sản xuất ở khu, CCN

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Quốc Nghi cho hay, hiện nay nhiều DN hội viên sản xuất các ngành nghề: cao su kỹ thuật, nhôm kính, nội thất, gia công cơ khí, gạch men, chế biến nông sản... đang phải sản xuất ngoài khu, CCN. Các DN này có nhu cầu đất sản xuất không lớn, từ vài ngàn đến dưới 10 ngàn m2 nên rất khó thuê đất trong các khu công nghiệp.

“Các DN mong muốn được tạo điều kiện để sản xuất phát triển, thuê mặt bằng chi phí phải chăng để mở rộng quy mô của mình. Đối với mặt bằng sản xuất, nhu cầu của DN là tìm kiếm khu đất để đầu tư CCN chung, vừa để ổn định lâu dài vừa thuận lợi trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu, tạo tính liên kết, hỗ trợ nhau của các DN” - ông Nghi chia sẻ.

Tương tự, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, nhu cầu của các DN muốn được vào sản xuất trong các khu, CCN là rất lớn. Trong bối cảnh giá thuê mặt bằng và diện tích cho thuê tại các khu công nghiệp quá sức thì mô hình CCN là phù hợp với đại đa số DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ đầu tư hạ tầng còn rất chậm, từ đó kéo theo quỹ đất cho thuê trong CCN cũng rất hạn chế. Vì vậy, tỉnh và các địa phương có quy hoạch đất dành cho phát triển CCN cần đẩy nhanh tiến độ hơn.

Trong khi quỹ đất và tiến độ đầu tư hạ tầng chậm thì đối với các DN, để di dời nhà máy sản xuất cũng không phải dễ dàng. Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng cho biết, DN của ông thuộc diện di dời vì đang sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. “Là DN nhỏ nên lâu nay chúng tôi thuê mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Để di dời sẽ tốn rất nhiều chi phí, Nhà nước cần hỗ trợ lộ trình phù hợp và hỗ trợ chi phí di dời cũng như tạo thuận lợi hơn cho DN trong quá trình này” - ông Phan Văn Tứ mong muốn.

Đảm bảo phát triển bền vững

Do sự tồn tại của lịch sử, vấn đề DN sản xuất nằm ngoài khu, CCN là thực trạng mà Đồng Nai đang gặp phải trong thời gian qua. Quan điểm của tỉnh là để phát triển bền vững thì phải xây dựng, quy hoạch lại sản xuất một cách quy củ.

Việc đầu tư các CCN chính là vì mục tiêu sắp xếp lại sản xuất, đưa DN hoạt động bên ngoài vào khu sản xuất tập trung nhưng cho đến hiện tại, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc diện bắt buộc di dời vẫn đang hoạt động trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch.

Tại hội thảo bàn về việc phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, sản xuất tại những địa điểm không phù hợp quy hoạch sẽ gây hệ lụy về sau. Đơn cử như TP.Biên Hòa trước đây xác định 200 DN thuộc diện di dời, trong đó bao gồm khoảng 100 DN trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và 100 cơ sở sản xuất gây ảnh hưởng môi trường nằm rải rác trong khu dân cư. Chính quyền thành phố đang có nhiều biện pháp buộc các cơ sở ô nhiễm phải di dời nhưng kết quả chưa cao. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, việc di dời các cơ sở này dù khó khăn cũng phải kiên quyết làm. Để hạn chế những vấn đề nêu trên, cần kiên quyết hơn trong việc không cấp phép cho các dự án không nằm trong các khu vực quy hoạch sản xuất được duyệt.

Nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng CCN, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về đầu tư hạ tầng CCN đến năm 2025. Theo đó, Nhà nước sẽ đồng hành với đơn vị đầu tư hạ tầng bằng cách hỗ trợ đầu tư chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật chung CCN. Cụ thể là DN đầu tư xây dựng hạ tầng có thể được hỗ trợ 30% tổng mức vốn đầu tư dự án được duyệt, nhưng tối đa không quá 50 tỷ đồng/cụm.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, chi phí để đầu tư một CCN với diện tích khiêm tốn 50ha đã lên tới gần 500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Tỷ suất đầu tư cao nên rất khó để thu hút DN. Việc tỉnh nâng chính sách hỗ trợ lên 50 tỷ đồng (so với 20 tỷ đồng giai đoạn trước) cũng là một giải pháp để khuyến khích, tạo động lực dù biết rằng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết./.              

Bạn đang đọc bài viết Di dời nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp: Khó mấy cũng phải làm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.