Thứ sáu, 29/03/2024 17:09 (GMT+7)

Điểm khác nhau giữa Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội

An Hạ -  Thứ ba, 06/12/2022 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự chuyển đổi này được Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội.

tm-img-alt
Ảnh: nguồn HUST

Thông báo được phát đi vào chiều tối ngày 5/12, sau khi có Quyết định 1512/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển của Bách khoa Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới", thông cáo nêu rõ.

Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan.

Sự chuyển đổi này được Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng, là sự kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài ở Bách khoa Hà Nội. Việc chuyển "đổi tên" này được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển đúng với định hướng, tầm nhìn và chiến lược phát triển của nhà trường qua nhiều thế hệ.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: "Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.

Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.

Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đại học”.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường ĐH lên ĐH, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Được thành lập năm 1956, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường top đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật. Trường có 65 chuyên ngành trình độ đại học, 47 chuyên ngành thuộc trình độ cao học, 32 chuyên ngành bậc tiến sĩ.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị trong nhiều năm cho việc "chuyển đổi" thành Đại học. Tháng 10 năm ngoái, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập ba trường gồm Trường Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2022, cơ sở giáo dục đại học này sẽ thành lập 5-6 trường và 4-5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa.

Bạn đang đọc bài viết Điểm khác nhau giữa Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.