Thứ sáu, 29/03/2024 12:55 (GMT+7)

Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo?

MTĐT -  Thứ sáu, 01/10/2021 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Hà Nội đã có thông tin về phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương.

Mới đây, Hà Nội đã có thông tin về phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương. Tuy nhiên, phương án thiết kế này đã gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ giới kiến trúc sư và những người yêu Hà Nội, đặc biệt là về hình thức kiến trúc của phương án. Ngày 18/9/2021, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: “Đến nay Hà Nội vẫn chưa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Hiện còn đang tranh luận, chưa chốt phương án kiến trúc nên chưa có quy mô đầu tư và các bước tiếp theo. Như vậy UBND TP Hà Nội chưa chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo…”

Nhằm ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu xoay quanh chủ đề này, Tạp chí Kiến trúc đã thực hiện diễn đàn “Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo?” để cầu Trần Hưng Đạo có thể thể xứng tầm với vị trí, vai trò và trách nhiệm của cần có. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo? - Tạp chí Kiến Trúc

Diễn đàn vẫn tiếp tục nhận ý kiến trực tuyến qua website Tapchikientruc.com.vn. Kính mời các KTS quan tâm tham gia diễn đàn bằng cách gửi email về địa chỉ [email protected] (Tiêu đề email ghi rõ: Tham gia diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo).

KTS Trần Hữu Thọ – Sáng lập văn phòng Giamy Studio: “Hà Nội không cần thêm niềm tự hào giả cổ”

Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo? - Tạp chí Kiến Trúc

Theo quy hoạch Hà Nội sẽ có 18 cầu qua sông Hồng. Tới lúc đó, đây sẽ là con sông xuyên thành phố chứ ko phải con sông rìa thành phố như hiện nay và Hà Nội sẽ hiện thực hoá tầm nhìn lấy sông Hồng là trung tâm quan trọng chứ không quay lưng vào sông Hồng như hiện nay. Chính vì vậy, các cây cầu sẽ đóng vai trò quan trọng ngoài việc là huyết mạch giao thông còn là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc cho thành phố.

Hiện nay, trong các cây cầu ở Hà Nội, người ta vẫn ấn tượng nhất với cây cầu Long Biên, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 trong thời Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương và cũng mang tên ông. Cây cầu lúc đó thuộc dạng hiện đại nhất châu Á, là niềm tự hào của người Pháp trong công cuộc khai phá thuộc địa. Cầu Long Biên trải qua hơn trăm năm nhưng vẫn là biểu tượng kiêu hãnh của Hà Nội, cho dù vai trò giao thông của nó không còn quan trọng như thời đầu. Phải đến 80 năm sau chúng ta mới có cây cầu thứ 2 là cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng do Liên Xô tài trợ, rồi cầu Chương Dương được hoàn thành sau đó vài năm. Những cây cầu này đều là cầu kết cấu bê tông kết hợp thép phổ biến trên thế giới, dù không phải là những cây cầu đặc sắc nhưng rất quan trọng đối với giao thông của Hà Nội. Chúng ta mất thêm 20 năm nữa để có tiếp cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy bằng công nghệ bê tông đúc hẫng khá phổ thông, những cây cầu này thuần tuý đáp ứng nhu cầu giao thông chứ không để lại dấu ấn kiến trúc nào. Gần nhất là cầu Nhật Tân khá hiện đại nhưng nằm ở vành đai 2.5. Như vậy 5 cây cầu qua sông Hồng đến giờ thì vẫn chỉ có cây cầu Long Biên là đi vào lòng người Hà Nội và trở thành biểu tượng của một Hà Nội cổ kính xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Cầu Trần Hưng Đạo có một vị trí đặc biệt, nối từ khu phố cũ của Hà Nội sang khu vực phát triển mới Long Biên, là cây cầu nối trung tâm nội đô giống như cầu Long Biên và Chương Dương nằm trong vành đai 1, kết nối trực tiếp trung tâm thành phố với vùng phụ cận nên có thể nói không có một vị trí nào phù hợp hơn cầu Trần Hưng Đạo để biến nó thành biểu tượng mới, là vương miện tô điểm cho khu vực trung tâm thủ đô. Cầu Trần Hưng Đạo sẽ như cầu Brooklin của Newyork nối trung tâm Manhatan với vùng phụ cận, hay cầu tháp London qua sông Themes, cầu cảng Sydney qua vịnh, nói đến các thành phố này người ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh những cây cầu mang tính biểu trưng cho thành phố.

Việc Hà Nội dự kiến chọn phương án cầu Trần Hưng Đạo với phong cách kiến trúc xứ Đông Dương sẽ vô cùng đáng tiếc vì thành phố đã mất một cơ hội có một biểu tượng mới về kiến trúc cho thủ đô. Nếu cầu Long Biên đại diện cho quá khứ vàng son thời thuộc địa thì cầu Trần Hưng Đạo sẽ là biểu tượng mới cho một Hà Nội phát triển ở kỷ nguyên hội nhập và hiện đại hoá của Việt Nam. Một cây cầu là biểu trưng cho thành phố sẽ là cây cầu thể hiện được tầm nhìn thời đại, thể hiện được công nghệ xây dựng kiến trúc của đầu thế kỷ 21. Cây cầu này cũng sẽ gửi gắm niềm tự hào của người dân Hà Nội về một thành phố có bề dày lịch sử văn hoá sánh ngang với các thành phố thủ đô châu Á khác. Chưa khi nào người ta thấy có sự bất đồng thuận cao đến thế trong việc lựa chọn phương án kiểu Đông Dương, từ người dân đến giới chuyên môn kiến trúc. Phải nói rằng chúng ta không cần thêm sự giả cổ nào nữa, di sản kiến trúc Pháp đã là niềm tự hào của quá khứ và không cần thêm những niềm tự hào được vay mượn bởi quá khứ nữa. Chỉ có sự tiên phong, hướng tới tương lai mới tạo sự khác biệt cho thành phố văn hoá – sáng tạo như Hà Nội. Chúng ta, một nước ảnh hưởng bởi văn hoá Pháp rất nhiều nhưng dường như lại không học được từ người Pháp là mấy. Paris xây tháp Eiffel bằng kết cấu thép giữa một rừng kiến trúc cổ điển đang thịnh hành hay tổng thống Francois Mitterrand quyết định lựa chọn phương án cải tạo bảo tàng Louvre danh tiếng của kiến trúc sư Ieoh Minh Pei với khối kim tự tháp bằng thép kính mọc giữa bốn bề là các công trình từ hàng trăm năm trước minh chứng cho việc thoát cổ, thể hiện sự đổi mới tái tạo lại diện mạo mới cho Paris xưa cũ bằng những công trình đón đầu xu thế kiến trúc đương đại, tháp Eiffel là đột phá của kết cấu thép của thời kỳ phát triển công nghiệp ở châu Âu của thế kỷ 19, còn kim tự tháp Louvre tiêu biểu cho phong trào hậu hiện đại của thế kỷ 20. Nước Pháp may mắn vì có những lãnh đạo với tư duy vượt thời đại nhờ đó Paris mới có những công trình vượt thời gian. Điều Hà Nội cần làm ngay đó là tổ chức 1 cuộc thi kiến trúc quốc tế cho cây cầu Trần Hưng Đạo để tìm ra được phương án thiết kế độc đáo cây cầu này. Đó sẽ là một biểu tượng cho khát vọng tự do và tinh thần dân tộc của hào khí Đông A và là một kiến trúc hiện đại thể hiện được tầm nhìn của thành phố cho cả trăm năm sau. Đến lúc chúng ta phải dũng cảm dứt khoát với những công trình bắt chước di sản cả trăm năm trước, chúng ta không cần phải bám chấp những chiếc vỏ của quá khứ mà cần một tinh thần mới mẻ, tiên phong, hiện đại của một Hà Nội xứng tầm thời đại, là thủ đô lớn nhất của nước Việt Nam từ khi lập quốc. Thủ đô Hà Nội hãy thể hiện vị thế của 1 thành phố đang lên với sự quyến rũ bậc nhất châu Á với di sản từ quá khứ và sự tiên phong cho tương lai.

KTS Vũ Hiệp – Giảng viên Đại học Giao thông vận tải: “Phương án chọn không phải quá tệ, chỉ là thiếu sáng tạo trong tạo hình”

Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo? - Tạp chí Kiến Trúc

Vừa qua, TP Hà Nội đã phê duyệt kết quả tuyển chọn Phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Tôi không rõ đề bài, nhiệm vụ thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo là gì nên không thể đánh giá phương án được chọn đã đạt yêu cầu của ban tổ chức hay chưa. Từ góc độ cá nhân, tôi thấy cả ba phương án đều có điểm mạnh nhất định, nhưng chưa vẫn chưa xứng với tầm quan trọng của dự án. Tôi cũng chia sẻ khó khăn với Hội đồng giám khảo, trong tình huống “so bó đũa chọn cột cờ”, thì phương án được chọn tốt hơn hai phương án còn lại, bởi có sự liên kết bối cảnh với khu phố Pháp, cũng như dễ ghi nhớ hình ảnh si-lu-ết (silhouette) hơn. Ngoài ra, làn giao thông đi bộ, vườn hoa, cùng với hình ảnh một công trình cầu kết hợp với nhà (dẫu chỉ một chút ở tháp trụ cầu) cũng là những điểm cộng của phương án. Nhìn lại lịch sử kiến trúc cầu Việt Nam cũng như thế giới, những cây cầu hấp dẫn đối với nhân dân hầu hết là những cầu có mái che, mà ở ta gọi là cầu ngói. Một hình thức lai giữa cầu với nhà, cổng chào ở vị trí đó là một tiếp cận khôn ngoan. Tất nhiên, tỷ lệ, đường nét, chất cảm của phương án còn nhiều cái chưa ổn, thiếu sáng tạo, nhưng có thể khắc phục được để mang vẻ đẹp của thời đại.

Phê bình kiến trúc không chỉ đơn giản là bình phẩm xấu – đẹp theo cảm quan cá nhân. Một phương án có người yêu, người ghét là chuyện bình thường. Như tôi đã nói ở trên, giải pháp của phương án chọn không phải quá tệ, chỉ là thiếu sáng tạo trong tạo hình. Cũng với cái cầu kết hợp với một chút mái che, rồi đường đi bộ, vườn hoa như vậy, chỉ cần đổi mới tư duy tạo hình cho phù hợp hơi thở của thời đại, nhất là công nghệ, vật liệu, thì sẽ là một phương án tốt. Ở vị trí đó, một công trình có khả năng thích ứng với khu phố Pháp sẽ tốt hơn là một sự sáng tạo phi thường, tiên phong, không cần bối cảnh. Sự sáng tạo phi thường có thể dành cho các cây cầu khác như Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy 2…

Không nên áp đặt hoặc coi một phong cách kiến trúc nào tiến bộ hơn phong cách nào. Vấn đề chính là mối quan hệ với bối cảnh, có thể thích ứng, có thể tương phản. Đương đại có thể thăng hoa nếu biết học hỏi từ truyền thống, nhưng chỉ học ở tinh thần chứ không học ở hình thức. Nếu biết chắt lọc những cái hay của phong cách Đông Dương trong hoàn cảnh hiện tại thì cũng đáng hoan nghênh.

Đối với phương án chọn, được cho là phong cách Đông Dương, thì vẫn chưa đạt, mà nếu có sao chép lại được đúng đẳng cấp của Đông Dương thì cũng không nên. Cái hay của Đông Dương là sự chiết trung, kết hợp nhuần nhị những thành phần văn hóa khác nhau, chỉ cần học ở cái nội hàm đó là đủ.

Là một kiến trúc sư, đồng thời là giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải, tôi luôn mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa yếu tố kiến trúc trong những công trình giao thông, trong đó có cầu.

KTS Nguyễn Quang Minh – Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội: “Công trình kiến trúc được xây dựng ở thời đại nào thì nên mang hơi thở của thời đại đó”

Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo? - Tạp chí Kiến Trúc

Cá nhân tôi cho rằng kiến trúc cần phải là tấm gương phản chiếu đời sống đương đại của một cộng đồng cũng như bối cảnh của một quốc gia, một vùng miền, một đô thị và hẹp hơn là một khu vực trong đô thị đang vươn mình để hướng tới tương lai. Nói khác đi công trình kiến trúc được xây dựng ở thời đại nào thì nên mang hơi thở của thời đại đó.

Chúng ta đã bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, xã hội hiện đại hơn, tư duy về kiến trúc đã mở rộng, khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ xây dựng tiên tiến hơn cách đây 100 năm rất nhiều, cảm nhận về thẩm mỹ cũng khác xa so với trước. Vậy thì tại sao phải áp dụng bằng được một hình thức nệ cổ, nhại cổ, nhắc lại một phong cách kiến trúc đã xuất hiện cách đây cả trăm năm cho nhà ở và công trình công cộng vào một cây cầu xây mới giữa Thủ đô? Đó là cách tiếp cận không phù hợp và khó có thể coi là một giải pháp cuối cùng để chốt duyệt trong khi vẫn có thể tìm kiếm những phương án thiết kế khác tốt hơn và có tính thẩm mỹ cao hơn.

Về điểm này, kiến trúc có sự tương đồng với ngôn ngữ. Truyện ngắn ngày nay được viết mà cứ đưa vào nhiều điển tích với dùng từ ngữ của văn học thế kỷ 17 hay 18 thì rất lạc lõng, và đại đa số độc giả sẽ không hiểu ý mà tác giả muốn diễn đạt hoặc gửi gắm.

Mong chính quyền Hà Nội xem xét lại thật kỹ bản thiết kế một công trình trọng điểm tại trung tâm thành phố Hà Nội đang gây tranh cãi, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp cùng sự phản biện của các kiến trúc sư, giảng viên ngành kiến trúc và nhiều nhà lý luận – phê bình kiến trúc.

KTS Lê Trung Lương – Giám đốc công ty Kiến trúc và xây dựng LA: “Hãy nhìn ra thế giới để có cái nhìn rộng hơn về các công trình mang dấu ấn quan trọng.”

Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo? - Tạp chí Kiến Trúc

Cách đây vài năm, đã có nhiều ý kiến phản đối về việc lựa chọn phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo hướng Đông Dương. Bẵng đi, những tưởng các nhà chức trách sẽ tìm hiểu thêm, suy nghĩ lại nhưng hiện tại, phương án được chọn vẫn na ná phương án cũ “mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương” để phù hợp với kiến trúc khu phố cũ tại quận Hoàn Kiếm. Tôi thấy cụm từ này hoàn toàn là ngụy biện cho việc lạc hậu và kém cỏi trong tư duy thiết kế.

Hãy nhìn ra thế giới.

Hà Nội có lẽ đang muốn một cái gì tương đồng với thủ đô các nước, đặc biệt là châu Âu (những cây cầu cổ và các con sông). Tuy nhiên, không ở đâu, không quốc gia nào khi làm thêm các cây cầu hay công trình kiến trúc mang dấu ấn quan trọng mới bên cạnh lại chọn phương án nhái lại lịch sử. Họ đâu ngại làm cái mới khác hẳn mà đặt vào bên cạnh cái cũ, miễn là nó hợp lý và đủ tính nghệ thuật để tôn trọng nhau. Lịch sử là lịch sử. Công trình Kiến trúc phản ánh đúng thời điểm ra đời của nó, gắn liền với lịch sử của thành phố, với thời kỳ chính trị xã hội, văn hóa cần được tôn trọng. Nó giống như câu chuyện về chiếc bình giả cổ đã nêu, trong khi đó, Hà Nội có một cái bình cổ hẳn hoi nhưng không giữ và để nó chết dần (cầu Long Biên)

“Một chiếc bình cổ thì vô giá, còn chiếc bình giả cổ thì không. Ai thật sự am hiểu hay trân trọng đồ cổ thì không bao giờ thích đồ giả cổ.”

Phương án được Hội đồng chọn lần này mắc phải các sai lầm sau:

  • Hình thức nhái cổ: Chỉ có ở Việt Nam và đặc biệt là thủ đô và các tỉnh lân cận. Tư tưởng này có vẻ dần dần đã thoái trào (cao trào vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21), tự nhiên bây giờ lại xuất hiện lại ở một công trình rất quan trọng của thành phố.
  • Hình thức kiến trúc hoàn toàn không phản ánh phương án Kết cấu: Cây cầu thoáng nhìn là những trụ tháp rất cao to, gợi ngay đến kết cấu cầu cổ điển trụ tháp gạch đá châu Âu thế kỷ 19, hình thức này là cách mạng trong ngành cầu đường thế giới (gắn liền với việc sử dụng dây cáp thép), khi người ta có thể bỏ bớt các trụ cầu gần nhau giữa sông và dùng 2 trụ rất to xa nhau để làm chỗ treo cáp, nổi tiếng là Chain Bridge ở Budapest hay Brooklyn ở NewYork. Cầu của ta có vẻ rất “ám ảnh” các hình thức đó, trụ tháp đúng như thế nhưng lại không thấy dây treo đâu mà thực tế kết cấu là dầm chịu lực. Trụ đỡ dầm chịu lực cũng mô phỏng kết cấu xây gạch đá mặc dù bằng bê tông.
  • Thiếu tính thẩm mỹ: Vì trụ tháp to cao mà không liên kết với dây treo nên ta thấy nó trơ trọi, mang nặng tính hình thức chứ không để làm gì. “Cái cổng” này thấy khắp nơi ở Hà Nội và miền Bắc rồi – đó là một thất bại của thiết kế Kiến trúc. Đi sâu hơn vào vào các chi tiết Kiến trúc khác thì tiếp tục là sự chắp vá, tham lam nhưng “non tay” với biện hộ là lối Kiến trúc Đông Dương.
  • Cầu được xây vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 nhưng nhìn vào không thấy chút công nghệ nào, nó vô tình thể hiện sự yếu kém, lạc hậu của Thủ đô.

Hãy nhìn ra các thành phố nổi tiếng với lịch sử và Kiến trúc như Budapest, Prague… và các con sông như Danube… xem đất nước họ xây những cây cầu mới như thế nào? Tại sao họ không ngại đặt nó vào một tổng thể toàn đồ cổ có giá trị như thế? Vấn đề là: với một công trình quan trọng, thường họ sẽ tổ chức các cuộc thi quốc tế và giám khảo thật sự uy tín, lương tâm.

Đừng để nhân dân thủ đô và cả nước, bạn bè quốc tế đánh giá Hà nội của chúng ta thiếu thẩm mỹ, thiếu kiến thức văn hóa lịch sử, thích hàng giả và ko nhìn ra thế giới – chỉ thích bám theo một giai đoạn của lịch sử. Đó là một điều rất buồn, đặc biệt là với quan chức và những người có trách nhiệm, liên quan đến bảo tồn và phát triển thủ đô.

Bạn đang đọc bài viết Diễn đàn Phương án nào cho Dự án xây dựng Cầu Trần Hưng Đạo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới