Phát biểu trên CNN, chuyên gia hàng không Richard Quest cho biết, máy bay được cho là mất liên lạc sau 2 giờ đồng hồ, tính từ khi cất cánh là một điều khó hiểu bởi đó là thời điểm an toàn nhất của một chuyến bay, được gọi là “bay bằng”. Một chuyến bay được chia ra làm các giai đoạn: chạy trên đường băng, cất cánh, bay lên cao và rồi bay bằng. Ở thời điểm này, máy bay bay tự động và phi công sẽ chỉ sửa chữa lỗi nhỏ hoặc thay đổi nhỏ về độ cao khi máy bay hết nhiên liệu.

Hơn nữa, theo ông Quest, “chiếc máy bay mất tích không phải là quá cũ. Malaysia có 15 chiếc Boeing 777-200ER như vậy và là một nhà điều hành cực kỳ giàu kinh nghiệm với loại máy bay này. Đó là một hãng hàng không rất có uy tín với một hồ sơ an toàn rất tốt”.

Do đó, chuyên gia này dự đoán, đã có một điều gì đó “đặc biệt nghiêm trọng” xảy ra vào thời điểm này.

Cũng theo ông Quest, phải mất 3 đến 4 phút cho một máy bay chở khách rơi ra khỏi bầu trời khi nó đang bay bằng.

Ông Quest lưu ý, khi tìm ra chiếc máy bay này, các điều tra viên có thể phân tích nguyên nhân vụ tai nạn là do cơ học, lỗi cấu trúc, cháy hay khủng bố.

Khi được hỏi là liệu có khả năng chiếc máy bay đã thực hiện hạ cánh khẩn cấp hay không, chuyên gia này cho biết, điều đó là có thể nhưng khó xảy ra, bởi đây là một chiếc máy bay thân rộng và đang bay đường dài.


Boeing 777 được đánh giá là loại máy bay hiện đại và có hồ sơ an toàn tuyệt vời

Đồng quan điểm với chuyên gia Richard Quest, bà Mary Schiavo - cựu Tổng thanh tra Bộ Vận tải Mỹ cho biết, với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại được trang bị trên chiếc Boeing 777, chắc chắn chiếc máy bay này đã hạ cánh xuống một nơi nào đó không thể liên lạc được.

Bởi, theo bà Schiavo: “Chiếc máy bay đó có rất nhiều cách khác nhau để xác định vị trí: cảnh báo tự động cho bạn biết nó ở đâu, liên lạc qua cả radio và hệ thống định vị toàn cầu GPS, thông tin liên lạc máy tính ngay trong buồng lái”.

“Việc thiếu thông tin liên lạc cho thấy rằng, có một điều gì đó đáng tiếc nhất đã xảy ra”, chuyên gia này nghi ngờ.

Tuy nhiên, bà hi vọng, tùy thuộc vào cách máy bay rơi, có thể còn có nhiều người sống sót và việc cấp bách bây giờ là tìm máy bay và cứu hộ.

Bên cạnh đó, bà Schiavo cũng cảnh báo rằng, nếu vì một lý do nào đó các máy phát tín hiệu trên máy bay không hoạt động, việc tìm kiếm rõ ràng sẽ trở nên phức tạp và tốn thời gian hơn rất nhiều.

“Nếu chúng (các máy phát) không làm việc thì thật đáng buồn và ở đây có điểm tương đồng với chiếc máy bay bị rơi xuống Đại Tây Dương của hãng hàng không Pháp Air France năm 2009. Khi đó, rất khó để xác định được vị trí máy bay rơi vì độ sâu của đại dương”.

Chiếc máy bay Airbus A330- 203 của hãng hàng không Pháp Air France, trong chuyến bay từ Brazil tới Paris, đã lao xuống Đại Tây Dương ngày 1/6/2009. Toàn bộ 228 người trên máy bay đều thiệt mạng. Sau đó, phải mất gần 2 năm với 4 cuộc tìm kiếm được triển khai mới có thể xác định được được vị trí chiếc máy bay dưới lòng đại dương. Xác chiếc máy bay Airbus A330-203 đã bị kẹt ở trong một dãy núi sâu dưới lòng đại dương.

Theo báo cáo chi tiết vụ tai nạn trên, các phi công đã không xử lý hiệu quả với các vấn đề về cảm biết tốc độ của máy bay hay hoặc đã sửa chữa quỹ đạo của nó khi có trục trặc đầu tiên xuất hiện.

Với chiếc máy bay Boeing 777-200, cũng như các chuyên gia trên, phi công đã nghỉ hưu của hãng hàng không Mỹ American Airlines Jim Tilmon đều có chung đánh giá, đây là một chiếc máy bay hiện đại với một hồ sơ an toàn tuyệt vời.

Vụ tai nạn chết người đầu tiên của loại máy bay 777 là vào ngày 6/7/2013, xảy ra với máy bay của hãng hàng không Asiana Airlines, khởi hành từ Seoul, Hàn Quốc đến sân bay quốc tế San Francisco, California, Mỹ. Trong 291 hành khách và phi hành đoàn 16 người, có 2 người đã thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn đến nay vẫn chưa được xác định nhưng nguyên nhân do khủng bố đã được loại trừ.

Theo ông Tilmon, cũng có một vụ tai nạn khác xảy ra với loại máy bay Boeing 777 nhưng không có ai bị thương. Do đó, vụ mất tích máy bay của Malaysia Airlines thực sự là một cú sốc theo rất nhiều cách khác nhau.

Linh Linh