Thứ bảy, 20/04/2024 12:09 (GMT+7)

Điều gì sẽ xảy ra khi rừng mưa Amazon bị biến mất?

MTĐT -  Thứ bảy, 24/08/2019 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rừng mưa Amazon, được ví như “lá phổi của hành tinh”, nơi sản xuất ra khoảng 20% lượng ôxy của thế giới đang bị cháy nghiêm trọng. Trái đất sẽ ra sao, nếu như rừng Amazon biến mất?

Rừng Amazon có diện tích gần bằng 1/2 nước Mỹ, là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất. Những cánh rừng nguyên sinh tại đây mang ý nghĩa sống còn trong nỗ lực giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Đó cũng là mái nhà của vô số các loài động vật và thực vật mà các nhà khoa học thậm chí còn chưa đặt tên hết.

Tuy nhiên, những ngày qua, rừng mưa Amazon ở Brazil, khu rừng mưa nhiệt đới và là lá phổi lớn nhất thế giới, đang bị hàng chục ngàn đám cháy hoành hành và tốc độ cháy lan nhanh kinh hoàng.

 Những đám cháy ở rừng mưa Amazon đang lan với tốc độ chóng mặt.

Theo các nhà khí tượng Brazil, các đám cháy hiện tại ở Amazon lớn đến mức khói đen từ rừng rậm đã lan tận Sao Paulo cách hơn 2.700 km. Khói bụi che lấp ánh nắng giữa trưa, khiến bầu trời thành phố ngày 20/8 bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm.

Chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cùng ngày công bố một báo cáo cho thấy khói bụi từ cháy rừng Amazon đang lan rộng kinh hoàng, từ Brazil đến tận phía đông Đại Tây Dương. Khói đen bao phủ gần 1/2 đất nước, lan sang cả các láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.

Theo nghiên cứu của INPE, những ngọn lửa đang nuốt chửng rừng mưa nhiệt đới Amazon với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút.

Do con người?

Theo kênh CNN, các tổ chức và nhà nghiên cứu môi trường cho biết các đám cháy đang tàn phá rừng mưa Brazil là do người chăn thả gia súc và người đốn gỗ muốn phát quang để tận dụng đất rừng.

Ông Christian Poirier, Giám đốc chương trình tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch, nói: “Phần lớn những đám cháy này là do con người gây ra”. Ông cho biết thậm chí cả trong mùa khô, rừng Amazon ẩm ướt không dễ bắt lửa như những vùng đất hoang nhiều bụi rậm khô cằn ở California hay Australia.

Nông dân và người chăn thả gia súc từ lâu đã dùng lửa để phát quang đất và có thể họ là thủ phạm gây ra những đám cháy bất thường ở Amazon những ngày gần đây.

Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Brazil (INPE) cho biết số đám cháy ở Brazil cao hơn năm ngoái 80%. Hơn một nửa xảy ra ở khu vực Amazon, gây thảm họa cho hệ sinh thái và môi trường trong khu vực.

Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles nói ngày 21/8 trên Twitter rằng cháy rừng là do thời tiết khô, gió và nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng co rằng cháy rừng ở Amazon chắc chắn do con người gây ra và không thể đổ cho nguyên nhân tự nhiên như sét đánh.

Diện tích rừng Amazon ngày càng bị thu hẹp.

Những vụ cháy rừng tại Amazon xảy ra ngày càng nhiều từ khi Tổng thống  Brazil Jair Bolsonaro nhậm chức. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, gần 73.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu 2019, con số cao nhất kể từ năm 2013, hầu hết trong số đó xảy ra ở rừng Amazon.

So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy rừng tại Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2019, Bolsonaro nhiều lần nói rằng ông tin Brazil nên mở cửa rừng Amazon vì mục đích kinh doanh, cho phép các công ty gỗ, khoáng sản và nông nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trước tình trạng cháy rừng nghiêm trọng, Tổng thống Brazil hôm 21/8 đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, trong phát biểu sau đó một ngày, lần đầu tiên ông nói rằng nông dân có thể đã gây ra các vụ cháy.

Rừng Amazon quan trọng như thế nào?

Rừng Amazon tạo ra khoảng 20% lượng ô xy của cả thế giới và thường được gọi là lá phổi của hành tinh.

Theo chuyên gia môi trường Adrian Forsyth, nhà đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Hiệp hội đối thoại Amazon, “Rừng Amazon là kho trữ khí carbon nhiệt đới lớn nhất thế giới. Và nếu cái kho này vỡ tung lên bầu trời thì chuyện đạt được các mục tiêu khí hậu mà chúng ta đang nỗ lực sẽ không thể” - tờ USA Today dẫn lời chuyên gia Forsyth nói.

Theo bà Moira Birss - Giám đốc chiến dịch tài chính của tổ chức phi lợi nhuận Quan sát Amazon, bộ phận gánh chịu ảnh hưởng sớm nhất từ vụ cháy rừng Amazon là những tộc người bản địa và những người sống trong hoặc gần khu rừng này.

“Vụ cháy đặc biệt có hại đối với những người sống trong rừng, về không khí họ thở, về khả năng duy trì cuộc sống thường nhật và một số trường hợp thì vụ cháy còn ảnh hưởng đến chính mảnh đất họ sống” - chuyên gia Birss nói.

Đó là những lý do tại sao rừng Amazon bị cháy là một vấn đề lớn với không chỉ Brazil mà với cả thế giới.

Theo Tạp chí Báo cáo khoa học của Mỹ, phải cần tới hơn 300 năm nữa mới có thể thống kê và kiểm chứng đầy đủ và chính xác toàn bộ các loài thực vật trong rừng Amazon.

Nếu rừng Amazon biến mất, kéo theo sự diệt chủng của rất nhiều loài động, thực vật. Điều này sẽ làm thế giới mất đi nguồn gien quan trọng, tác động mạnh mẽ đến chuỗi thức ăn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực thế giới.

Nhiều loài động vật bị chết trong vụ cháy rừng Amazon.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 cho thấy, rừng Amazon chịu trách nhiệm sản xuất một lượng mưa lớn cho thế giới nói chung và các nước trong khu vực Nam Mỹ nói riêng. Khi rừng Amazon biến mất, lượng mưa sẽ giảm đi đáng kể và số lượng các vụ hạn hán sẽ không ngừng gia tăng.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Điều gì sẽ xảy ra khi rừng mưa Amazon bị biến mất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ