Thứ bảy, 20/04/2024 04:05 (GMT+7)

Điều ít biết về tên gọi "Hà Nội"

MTĐT -  Thứ hai, 08/05/2023 10:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tên gọi Hà Nội ra đời sau cuộc cải cách hành chính lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, thời vua Minh Mạng, cách đây 192 năm.

Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông chia Việt Nam thành 30 tỉnh và 1 phủ; Xóa bỏ Bắc Thành (gồm 11 trấn và phủ Hoài Đức) ghép thêm phủ Thường Tín, Ứng Hòa và Lý Nhân (thuộc trấn Sơn Nam) để lập tỉnh Hà Nội. Hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức (đất kinh thành thời Lê) vẫn là trung tâm của tỉnh Hà Nội.

Các vua sau Minh Mạng là Thiệu Trị, Tự Đức có thay đổi số tổng, xã, thôn nhưng cơ bản, tỉnh Hà Nội vẫn bao gồm 4 phủ như thời Minh Mạng.

Điều ít biết về tên gọi "Hà Nội" - Ảnh 1.
Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Trước sức ép của người Pháp, năm 1875, vua Tự Đức phải cắt hơn 18ha của huyện Thọ Xương cho họ lập khu lãnh sự (còn gọi là khu nhượng địa Đồn Thủy, nay tương ứng khu vực Bệnh viện 108 đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia) nên tỉnh Hà Nội không còn nguyên vẹn. Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882) rồi chiếm hết huyện Thọ Xương thì địa giới hành chính tỉnh Hà Nội lại thay đổi.

Năm 1883, họ lập tòa công sứ ở phố Hàng Gai, thiết lập các cơ quan cai trị, cho xây nhà làm việc vào năm 1885 để phục vụ mục đích bình định toàn xứ Bắc Kỳ. Những việc làm này cũng là bước chuẩn bị cho việc ra đời thành phố nhượng địa (concession) Hà Nội trên đất tỉnh Hà Nội.

Trong phiên họp Hội đồng bảo hộ Bắc Kỳ ngày 2/5/1886, Tổng trú sứ Paul Bert tuyên bố: "Hà Nội sẽ ngày càng trở thành một thành phố châu Âu, phải mau chóng xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa, chợ búa, lò mổ. Để chỉ huy công việc này cần phải có một chính quyền coi sóc đặc biệt cho Hà Nội. Chính quyền này chỉ có thể là một ủy ban thành phố".

Tuyên bố đó cho thấy chính phủ Pháp đang hiện thực ý đồ biến một phần đất tỉnh Hà Nội thành thành phố nhượng địa. Ngày 19/7/1888, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định, theo đó đứng đầu thành phố Hà Nội và Hải Phòng là đốc lý kiêm chủ tịch hội đồng thành phố. Chức vụ này dành riêng cho người Pháp, do thống sứ Bắc Kỳ đề xuất và Toàn quyền Đông Dương ra quyết định bổ nhiệm. Giúp việc cho đốc lý còn có hai cấp phó. Còn hội đồng thành phố gồm 16 người nhưng chỉ có 4 người Việt còn lại là người Pháp. Nghị định cũng quy định: Hội đồng thành phố họp mỗi năm 4 lần để quyết định các vấn đề và nó chỉ có giá trị khi được thống sứ Bắc Kỳ thông qua.

Ngày 1/10/1888, vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương, một phần nhỏ huyện Vĩnh Thuận cho Pháp lập thành phố nhượng địa. Thực ra chỉ dụ đó chỉ là hợp thức hóa những quyết định mà người Pháp đã làm trước đó.

Một tháng sau, thống sứ Bắc Kỳ cho lập một bản đồ vẽ tay chỉ giới thành phố Hà Nội, theo bản đồ này, ranh giới phía Bắc với tỉnh Hà Nội là hồ Trúc Bạch, phía Nam là khu nhượng địa Đồn Thủy, phía Tây là thành Hà Nội và Văn Miếu. Diện tích thời kỳ đầu là 945ha với dân số là 100.000 người. Thành phố chia ra làm 8 hộ (tương đương như phường hiện nay), trưởng hộ thay mặt dân quan hệ với nhà chức trách. Hội đồng thành phố khóa đầu cũng cho đúc huy hiệu hình tròn, hai bên có hai con rồng, ở giữa nhô lên thanh kiếm, trên cao là mặt trời mầu đen, xung quanh là tường thành. Không rõ người Pháp hay người Việt vẽ nhưng huy hiệu có tính biểu trưng khá cao khi sử dụng truyền thuyết và di tích lịch sử Thăng Long.

Điều ít biết về tên gọi "Hà Nội" - Ảnh 3.
Biểu tượng thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp, phiên bản đúc hình tròn.

Dù trở thành thành phố nhưng những ngày đầu Hà Nội vẫn là thành phố bảo hộ, chưa thực sự là thuộc địa nên vẫn còn nha huyện Thọ Xương mà lỵ sở ở thôn Tiên Thị (nay tương ứng với phố Ngõ Huyện) để giải quyết những việc như: Thu thuế, điều tra xét hỏi, giải quyết các tranh chấp... Tuy nhiên đến tháng 6-1896 chức này bị xóa bỏ, sau đó thành lập Nha hiệp lý chỉ để giải quyết vấn đề tư pháp nhưng bị xóa bỏ ngay vì thành phố đã có tòa án. Ngày 26/1/1896, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định do chánh thư ký của quan toàn quyền là J.Foures ký, chuyển trị sở tỉnh Hà Nội vào vùng đất làng Cầu Đơ thuộc tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai.

Một sự kiện lớn xảy ra năm 1902 làm thay đổi tư thế của thành phố là Quốc hội Pháp đã quyết định Hà Nội là thủ đô của Liên bang Đông Dương gồm: Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào và Campuchia. Thủ đô liên bang không thể trùng tên với một tỉnh nên ngày 3/5/1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra nghị định đổi tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Vì Cầu Đơ là tên nôm của một làng giờ mang đặt tên cho tỉnh lớn nằm ngay sát thủ đô của Liên bang Đông Dương vì thế có nhiều ý kiến đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho đổi tên khác. Và ngày 6-12-1904, quan toàn quyền đã ra nghị định đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành Hà Đông.

Ngày 21/4/1965, tỉnh Sơn Tây sáp nhập vào Hà Đông gọi là Hà Tây, lấy thị xã Hà Đông làm thủ phủ. Sau đó, thị xã Hà Đông được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Tây. Sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội từ ngày 1/8/2008, thành phố Hà Đông trở thành quận Hà Đông.

Bạn đang đọc bài viết Điều ít biết về tên gọi "Hà Nội". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Nguyễn Ngọc Tiến/danviet.vn

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...