Thứ năm, 25/04/2024 09:18 (GMT+7)

Điều tra nguyên nhân khiến 18 học sinh ngất tập thể tại Cao Bằng

Sơn Hà -  Thứ ba, 29/11/2022 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số em học sinh tiểu học tại Cao Bằng tự nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người…

18 học sinh tại điểm trường Nà Rại, Cao Bằng xuất hiện các biểu hiện lạ (ảnh: Sở Y tế Cao Bằng)
18 học sinh tại điểm trường Nà Rại, Cao Bằng xuất hiện các biểu hiện lạ (Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng)

Sự việc xảy ra tại điểm Trường Nà Rại, thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, khoảng 21h ngày 24/11/2022, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng nhận được thông tin tại điểm trường này có 18 trẻ bao gồm 2 nam, 16 nữ xuất hiện những biểu hiện lạ như: tự nhiên ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người... thời gian mỗi cơn là khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau cơn từ biểu hiện lạ, các em học sinh ngủ lịm khoảng 10 - 20 phút thì tỉnh lại và tiếp xúc bình thường.

Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, đánh giá các vấn đề về tâm lý, sức khỏe của các em. Qua khai thác, thu thập thông tin từ các thầy, cô giáo tại Điểm trường Nà Rại và phụ huynh, học sinh chỉ có các biểu hiện bất thường khi ở nơi đông người, không xuất hiện lúc ở một mình. Chủ yếu xuất hiện các cơn bất thường tại trường học. Các cơn bất thường có tính chất lây lan, càng tập trung nhiều người chú ý, chăm sóc lại càng có nhiều em xuất hiện triệu chứng.

Tất cả các trẻ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, tim nhịp đều, rõ; phổi thông khí đều 2 bên, không rạn; bụng mềm, không chướng, không có điểm đau khu trú; gan, lách không to. Ngoài ra, không phát hiện bệnh lý, thực thể bất thường.

Khám tâm thần sau cơn, các trẻ biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không trả lời khi được hỏi. Sau khi được điều trị tại chỗ bằng một số biện pháp tâm lý cơ bản, hầu hết các em hồi phục hoàn toàn, có thể trở về lớp học bình thường.

Bước đầu, các cơ quan chức năng kết luận, nhóm trẻ này bị hội chứng rối loạn phân ly tập thể, một trẻ có biểu hiện ra hội chứng dây chuyền nhiều trẻ bị theo. Đây là một nhóm các bệnh tâm thần thường gặp, là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ và quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Chứng bệnh này thường gặp ở trẻ em gái.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Một số yếu tố nguy cơ như môi trường sinh hoạt không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con; người nhân cách yếu, thiếu kiềm chế, thiếu tự chủ, tính dễ xúc động, thích được chú ý, cơ thể suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, trong giai đoạn dậy thì... cũng dễ mắc.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng vẫn đang theo dõi tình hình sức khỏe của nhóm trẻ và sẽ báo cáo các đơn vị liên quan cũng như trấn an gia đình các em.

Theo ThS-Bs Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3-0,5% dân số.

Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…

Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông với triệu chứng đa dạng. Xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn.

Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng.

Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… Trong những trường hợp như vậy, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, chăm sóc

Để đề phòng mắc chứng rối loạn phân ly, cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn; biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Ngoài ra, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, đi dã ngoại, chơi các môn thể thao và lao động tập thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập./.

Bạn đang đọc bài viết Điều tra nguyên nhân khiến 18 học sinh ngất tập thể tại Cao Bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành