Thứ sáu, 26/04/2024 00:57 (GMT+7)

Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn

MTĐT -  Thứ tư, 26/10/2022 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhìn lại sau hơn 10 năm thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 10 năm 2019 đã vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2020, đó là 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

I. Đánh giá về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn

I.1. Tổng quan về phát triển đô thị và phát triển nông thôn trong quá trình đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra rất sớm nhưng diễn ra chậm trong thời kỳ phong kiến và thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Quá trình này diễn ra nhanh hơn sau thời kỳ giải phóng. Điển hình là có nhiều đô thị mới đã được ra đời, dân số đô thị ngày càng tăng. Các đô thị cũng dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… Trong thời kỳ này khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng và phát triển đặt biệt là sau cách mạng. Ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của Việt Nam thời kỳ này, với rất nhiều những chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã khẳng định được tầm quan trọng của khu vực nông thôn đến quá trình đô thị hóa tại các đô thị.

Khái niệm quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn lần đầu tiên xuất hiện tại Luật Xây dựng năm 2003 và mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn đã xuất hiện trong văn bản thông qua khái niệm của Quy hoạch xây dựng vùng. Quy hoạch xây dựng vùng là việc tổ chức hệ thống điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc liên tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Như vậy trong quy hoạch vùng phải có sự liên kết giữa đô thị và nông thôn.

Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đô thị hóa đươc thể hiện rõ nét qua tỷ trọng ngành công nghiệp - dich vụ và xây dựng tăng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đô thị đã thể hiện được vai trò của mình với đóng góp trên 70% GDP của cả nước.

Nhìn lại sau hơn 10 năm thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 10 năm 2019 đã vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2020 đó là 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Trong năm 2020 cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2. Covid-19 đã làm lộ ra những yếu kém trong mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn qua các vấn đề như nhà ở cho người công nhân tại các khu công nghiệp, các khu vực dân cư giáp ranh với các đô thị và nông thôn...

Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đô thị Kẻ Sặt mở rộng [6].

I.2. Đánh giá hệ thống chính sách về phát triển đô thị và nông thôn trong quá trình đô thị hóa

Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới tuy kết quả chưa đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2015 nhưng đã vượt chỉ tiêu vào trước năm 2020. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 4/2021, cả nước có 5.248/8.267 xã (chiếm 63,48%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ [2].

Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn cơ bản được hòan thiện và từng bước kết nối với đô thị. Giao thông nông thôn tăng nhanh cả về số lượng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, bảo trì, khôi phục 139.155 km; trong đó, khoảng 68,7% được cứng hóa; có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa, bê tông hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm; trên 64% số đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm…

Cải tạo và nâng cấp lưới điện trung hạ thế nông thôn, mở rộng diện cấp điện, cung cấp điện cho 100% số xã và 99,1% số hộ nông thôn. Tỷ lệ các xã có nhà văn hóa đạt trên 79%. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn từng bước được cải thiện, cả nước có 6.387 chợ nông thôn, trong đó có 223 chợ hạng I chiếm 3,5%; 683 chợ hạng II chiếm 10,7% và 5.428 chợ hạng III và có 61 chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh [4].

Kinh tế khu vực nông thôn cũng dần được cải thiện và liên tục tăng theo hướng công nghiêp - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 12,2% trong giai đoạn 2010 - 2019, cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2% xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010 - 2019. Đến năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông lâm thuỷ sản chỉ còn chiếm 22% tổng thu nhập của hộ nông thôn, thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 78%. Năng suất lao động nông nghiệp được cải thiện. Năm 2018, GDP bình quân trong ngành nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 40 triệu đ/lao động, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010 [5].

Quá trình đô thị hóa đang từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, là nhân tố then chốt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế của cả đô thị và nông thôn. Bởi khu vực đô thị đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn
Bản đồ mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang [7].

I.3. Đánh giá mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn trong quá trình đô thị hóa

Mật độ dân số đô thị chính là một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chí để phân loại đô thị. Trong tiêu chí về mật độ dân số còn có 2 tiêu chuẩn chính là tiêu chuẩn về mật độ dân số toàn đô thị và mật độ dân số nội thành, nội thị.

Đô thị hóa nhanh dẫn đến dân số dịch cư từ khu vực nông thôn đến khu vực đô thị để tìm kiếm việc làm, chính điều này đã làm cho mật độ dân số tại các đô thị tăng và phân bố không đồng đều giữa các khu vực.

Trong quá trình phát triển của đô thị, đô thị tăng cả về quy mô dân số và diện tích đô thị. Dẫn đến mật độ dân số thay đổi đặc biệt là khu vực nông thôn trở thành khu vực ngoại thị khi đô thị mở rộng. Mật đô dân số tại khu vực này thường ít hơn nhiều so với mật độ dân số tại khu vực nội thành.

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chính là một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chí để phân loại đô thị. Trong tiêu chí này có 2 tiêu chuẩn đó là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị.

Đô thị hóa nhanh dẫn đến dân số dịch cư từ khu vực nông thôn đến khu vực đô thị đã giúp tỷ lệ lao động tại các đô thị tăng lên.

Khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ngày càng tăng. Nông dân không còn mặn mà với nghề nông. Thay vào đó họ tìm kiếm những công việc mang lại kinh tế ổn định hơn như làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Đô thị ngày càng được mở rộng ra các vùng nông thôn lân cận. Chính vì vậy dân số ở khu vực này có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ lao động cho đô thị mở rộng. Khu vực nông thôn quanh khu vực đô thị sẽ là khu vực mở rộng của đô thị sau đồ án quy hoạch mở rộng của đô thị.

Các khu vực nông thôn trở thành đô thị khi đô thị mở rộng lại không đáp ứng được các chỉ tiêu về đô thị như các chỉ tiêu về hạ tầng, hệ số sử dụng đất, mật độ dân số… Trong quá trình phát triển, đô thị khó có thể tự cân bằng về các yếu tố tự nhiên, môi trường… Chính vì vậy khu vực nông thôn trở thành khu vực không gian mở cho vùng đô thị, tạo vùng đệm an toàn cho vùng đô thị và là vùng sinh thái xanh cân bằng của khu vực nội thị.

Quy hoạch đô thị đã được quy định tại luật Quy hoạch đô thị và các Nghị định hướng dẫn. Quy định các yêu cầu về quy hoạch như trình tự lập, thẩm định và các yêu cầu về nội dung như quy hoạch sử dụng đất, không gian đô thị; Quy định hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Quy định về vệ sinh môi trường…

Quy hoạch xây dựng nông thôn đã được quy đinh tại Luật Xây dựng và Nghị định với các quy định về quy hoạch xã nông thôn mới, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch chung điểm dân cư nông thôn.

Tại Luật Quy hoạch đã khẳng định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phải được liên kết với nhau qua quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn có sự xung đột do khi quy hoạch mở rộng đô thị ra vùng nông thôn thì lập quy hoạch đô thị mở rộng, trong khi đó khu vực nông thôn được mở rộng thành đô thị lại lập quy hoạch xây dựng nông thôn.

Vùng ven đô chính là cầu nối giữa đô thị và nông thôn. Khu vực này vừa mang tính chất của đô thị lại cũng mang tính chất của vùng nông thôn, là vùng cụ thể hóa một cách sinh động điển hình của mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Khu vực ven đô có thể hiểu và phân thành 2 vùng đó là khu vực ven đô giáp ranh nội thành - ngoại thành (thành phố), giữa nội thị - ngoại thị (thị xã) và khu vực ven đô giáp ranh đô thị. Khu vực xã ven đô chính là phần không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị.

II. Kinh nghiệm phát triển về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn

Kinh nghiệm phát triển về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn của Việt Nam:

TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang đứng trước rất nhiều khó khăn như vùng canh tác nông nghiệp đang xâm lấn đất rừng và đất đô thị, tính chất đô thị đặc thù của Đà Lạt đang dần bị mai một do quy hoạch chưa tạo được mối liên kết giữa đô thị và nông thôn. Để giải quyết các khó khăn TP Đà Lạt đã điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 với chiến lược xây dựng các đô thị và nông thôn phát triển xanh và bền vững. Quy hoạch điều chỉnh đã tạo được sự kết nối TP Đà Lạt với các đô thị vệ tinh chính là các vùng nông thôn để tạo sự liên kết phát triển kinh tế của cả khu vực.

Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn
Bản đồ phân vùng lãnh thổ của vùng Ile-de-France [9].

Kinh nghiệm phát triển về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn của Pháp:

Vùng Ile-de-France đã quy hoạch rất thành công để tạo nên được mối liên kết giữa đô thị và nông thôn thông qua việc tạo vành đai xanh.

Trong quá trình phát triển vùng Ile-de-France đã tiến hành quy hoạch phát triển vùng không gian đô thị mở rộng, đó chính là không gian nông nghiệp xung quanh đô thị. Chính điều này đã giúp bảo tồn được các khu vực đất nông nghiệp và đất rừng trước sự mở rộng tự phát của các đô thị. Các chính sách nhằm phục hồi và đa dạng sản phẩm nông nghiệp ở các cấp độ khác nhau đã giúp tăng tính bền vững và khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc quản lý đất đai khu vực.

Giải pháp cho quy hoạch vùng Ile-de-France chính là vườn tự nhiên cấp vùng (tiếng Pháp: Parc naturel régional hay PNR). PNR đặt ra các mục tiêu và hướng dẫn về quản lý cư trú của con người, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường tự nhiên. Dự án nông nghiệp đô thị trong vành đai xanh “PAU” là phát triển nông nghiệp đô thị trong vành đai xanh nhằm duy trì không gian sinh thái nông nghiệp xung quanh đô thị đã mang lại sự liên kết về cảnh quan giữa thành phố và nông thôn, bổ sung các tiện nghi cho khu vực đô thị và nông thôn. Các dự án nông nghiệp đô thị là chiến lược giữ gìn không gian xanh mở đa chức năng trong vùng Ile-de-France.

Kinh nghiệm phát triển về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn của Trung Quốc:

Tại Trung Quốc thực hiện rất thành công về quy hoạch vùng ven đô qua quá trình tích tụ đô thị. Các đô thị Trung Quốc trải qua 4 giai đoạn tăng trưởng, tích tụ hình thành các chùm đô thị. Sự tích tụ đô thị chính là sự hình thành các đô thị trong tương lai. Khi sự tích tụ đô thị được xác định và lên kế hoạch để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các đô thị sau này.

Có hai mô hình phát triển đô thị ở vùng ven đô, cụ thể: (1) Mô hình đô thị thành lập mới từ định hướng của Chính phủ cho phép mở rộng thành phố trung tâm vùng; (2) Mô hình đô thị mới được hình thành từ nhu cầu tích tụ đô thị ở vùng nông thôn.

Các đô thị mới hình thành ở vùng ven đô được xác lập “từ dưới lên” có xu hướng tăng, bởi nó phản ánh quá trình tích tụ theo nhu cầu thị trường, được liên kết chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn, từ đó hội tụ lối sống đô thị.

III. Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn

Như đã phân tích ở trên, vùng ven đô chính là khu vực thể hiện rõ nhất cho mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên các chính sách hay những nghiên cứu về khu vực này còn rất ít. Vùng ven đô lại được coi là khu vực nông thôn, trong khi đó nhiều khu vực ven đô lại là khu vực có lực lượng lao động phi nông nghiệp chiếm đại đa số, cơ sở hạ tầng phát triển hơn hẳn so với khu vực nông thôn… Để nhận diện rõ nhất về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn để tìm ra hướng giải quyết cho sự phát triển bền vững của đô thị trước quá trình đô thị hóa cần có định hướng chính sách sau:

Chính sách tài chính và phát triển nhiệm vụ KHCN:

Để khuyến khích thúc đẩy các nghiên cứu đánh giá cụ thể mang tích khoa học, các hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, để có cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Chính sách về huy động nguồn vốn cho nghiên cứu, khuyến khích các tập thể trong và ngoài ngành nghiên cứu, đánh giá về mối quan hệ ở mọi khía cạnh của mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn.

- Tăng ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu KHCN:

+ Theo quy định tại Điều 49 của Luật KH&CN số 29/2013/QH13 thì tổng chi ngân sách nhà nước cho KHCN hàng năm là 2% trở lên và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KHCN. Tuy nhiên trên thực tế con số này lại thấp hơn so với quy định. Theo báo cáo năm 2021 chi cho KHCN của Việt Nam là 7.732 tỷ đồng, tính trên tổng chi Ngân sách Trung ương của năm là 827.550 tỷ đồng thì chỉ chiếm 0,934 %. Dự kiến năm 2022, chi cho KHCN dự tính là 9.140 tỷ đồng, tính trên tổng chi của Ngân sách Trung ương là 841.310 tỷ đồng, chiếm 1,086% [12]. Chính vì vậy việc tăng nguồn ngân sách cho hoạt động KHCN từ cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia, quốc tế sẽ thúc đẩy có nhiều nghiên cứu hơn, các nghiên cứu có tính khoa học cao hơn…

+ Chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho các đề tài nghiên cứu, hoạt động khoa học: Theo quy định hiện nay các đề tài hoạt động nghiên cứu KHCN đang phải chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%.

+ Chính sách huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động KHCN. Trước tình trạng vốn ngân sách còn hạn chế do dịch Covid-19 thì việc có chính sách để huy động vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài cho các hoạt động KHCN là rất cần thiết. Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, nhất là chính sách thuế và chính sách quản lý thuế đối với hoạt động KHCN. Các chính sách như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng…, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động KHCN, chính sách thuế đối với các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN.

+ Đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KHCN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong những năm gần đây nhiều địa phương cũng đã tiến hành cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN. Tuy nhiên việc chuyển đổi còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách còn thiếu.

+ Hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN, cần có những chính sách cụ thể hơn phù hợp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp nhất là hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt trong việc giải ngân. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ năm 2011 đến năm 2019, cả nước đã có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tổng mức trích lập Quỹ của các doanh nghiệp trong toàn quốc từ năm 2011 đến năm 2019 là 22.083,5 tỷ đồng [13].

+ Ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đổi mới công và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần có các chính sách về giao dịch thương mại hóa sản phẩm KHCN.

Chính sách về quy hoạch:

- Mở rộng địa giới hành chính đô thị là điều tất yếu trong quá trình phát triển của đô thị. Tuy nhiên hiện nay quy hoạch đô thị đang cho thấy nhiều mặt hạn chế như:

+ Hệ thống quy hoạch đô thị nhiều nơi còn thiếu đồng bộ, thiếu các quy hoạch chi tiết. Chất lượng quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều nơi còn tùy tiện ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch. Chính vì vậy cần có chính sách quy hoạch và quản lý quy hoạch thực sự tốt để tránh việc thay đổi quy hoạch nhiều lần, quy hoạch đô thị nhưng vẫn phải tạo được sự kết nối với khu vực lân cận đặc biệt là khu vực nông thôn. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch cùng cần được quan tâm nhiều hơn để tránh tình trạng thực hiện sai quy hoạch.

+ Hiện nay Thủ tướng Chính phủ quyết định các khu vực phát triển đô thị mở rộng sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng trong các khu vực: khu vực mở rộng tại các đô thị có đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Khu vực phát triển đô thị mở rộng thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh trở lên; Khu vực phát triển đô thị mở rộng nhằm hình thành một đô thị mở rộng có quy mô dân số tương đương đô thị loại IV trở lên theo quy hoạch đã được phê duyệt; Khu vực phát triển đô thị mở rộng có ý nghĩa quan trọng về an ninh - quốc phòng. UBND cấp tỉnh quyết định các khu vực phát triển đô thị mở rộng còn lại.

Các khu vực phát triển đô thị mở rộng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, các quy hoạch và chiến lược phát triển ngành khác gắn với an ninh quốc phòng; Sự phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt; Tính khả thi của kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị mở rộng.

- Quy hoạch và thực hiện quy hoạch là tiêu chí hàng đầu đóng vai trò then chốt, tạo nền móng thực hiện cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở khu vực nông thôn.

+ Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương tình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 thì có 99,7% số xã trên cả nước được lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Tuy nhiên có tới 98,7% các xã đạt chuẩn theo tiêu chí quy hoạch vào cuối năm 2015. Trong khi đó năm 2016 tiêu chí quy hoạch được điều chỉnh thêm các yêu cầu (cầu đảm bảo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa của các xã ven đô và đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn).

+ Theo Bộ Xây dựng đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch của một số xã còn thấp, thiếu sự liên kết giữa bố trí dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng, vùng sản xuất tập trung và thiếu tính liên kết vùng; chủ yếu đáp ứng yêu cầu xây dựng trước mắt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, quy hoạch thiếu tính khả thi do đã lạc hậu và có sự sao chép, không gắn kết với điều kiện đặc thù của địa phương, nhà ở thì không theo quy hoạch gây lộn xộn, mất mỹ quan.

- Công tác lập quy hoạch xây dựng NTM liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. Để đảm bảo thống nhất và hiệu quả trong việc lập và quản lý quy hoạch Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM nhằm đáp ứng yêu cầu này. Bộ Xây dựng cũng ban hành các quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác lập quy hoạch và xây dựng NTM bằng Thông tư số 31/2009/TT-BXD về tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng nông thôn (cho các vùng miền) và Thông tư số 32/2009/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy hoạch xây dựng NTM.

Hiện nay hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM đều được lập theo Thông tư số 09 và có bổ sung một số nội dung về quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Thông tư liên tịch số 13/2009. Các đồ án chưa thể hiện rõ các yêu cầu quy hoạch xây dựng NTM theo tinh thần Nghị quyết 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tiết kiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Chính vì vậy cần có các chính sách về quy hoạch NTM để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch thông qua các giải pháp như:

+ Chính sách đào tạo nâng cao năng lực của các nhà quy hoạch, các tổ chức tư vấn... để nâng cáo chất lượng đề án quy hoạch. Hiện nay lực lượng tư vấn làm quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, cả nước hiện có 16 viện quy hoạch xây dựng thuộc Trung ương và thành phố, có 47 trung tâm quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng các địa phương và khoảng hơn 200 công ty tư vấn, nhưng thực tế đánh giá chỉ có khoảng 10 - 15% tham gia công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn.

+ Cần có chính sách quy định rõ trong việc lập đề án quy hoạch nông thôn để tăng sự liên kết vùng, liên kết giữa nông thôn và thành thị thông qua hệ thống cơ sở hạ tâng, tổ chức không gian của 2 khu vực, đồng thời cần có hoạch định mang tính đa ngành cho địa bàn vùng huyện hoặc liên huyện.

- Khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn lại được quy hoạch như khu vực nông thôn. Trong khi đó nhiều khu vực này lại có cơ sở hạ tầng tương đối tốt phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp; dân cư tập trung đông và chủ yếu là lao động phi nông nghiệp. Chính vì vậy việc áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch của nông thôn cho khu vực này là không hợp lý và không bám sát vào thực tế. Trong khi đó nhiều khu vực giáp ranh này lại được định hướng trong quy hoạch đô thị là khu vực mở rộng của đô thị, chính vì vậy đã có sự chồng chéo trong quy hoạch khu vực này. Việc đề ra chính sách quy hoạch cụ thể cho khu vực này là rất quan trọng, quy hoạch khu vực này phải được định hướng theo các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí quy hoạch của khu vực đô thị. Đồng thời thể hiện rõ được mối liên kết giữa đô thị và nông thôn thông qua các mặt về kinh tế - xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, văn hóa, không gian cảnh quan…

- Khu vực ven đô tại nhiều khu vực giáp ranh đô thị lại được lựa chọn làm nơi cho các bố trí các KCN, CCN. Trong khi đó hiện nay trong quy hoạch KCN, CCN lại ít đề cập đến vấn đề nhà ở cho công nhân và thiết chế công đoàn, vấn đề thiếu nhà ở cho người công nhân trang trở thành gánh nặng cho đô thị và nông thôn. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 5/2021, cả nước có 394 KCN và hàng nghìn CCN, thu hút hàng triệu lao động làm việc.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142 nghìn căn, với tổng diện tích khoảng 7,1 triệu m² (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020), trong đó mới chỉ hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân KCN, với quy mô xây dựng khoảng 54 nghìn căn hộ, với tổng diện tích 2,7 triệu m².

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động KCN, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020). Theo đó, giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì thực hiện; các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp, trong đó có Bộ Xây dựng; mục tiêu từ năm 2026 trở đi phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Chính vì vậy cần có chính sách để giải quyết khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân thông qua các giải pháp như:

+ Bổ sung, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động làm việc tại các KCN, CCN ra khỏi đối tượng hưởng, tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

+ Chính sách tăng diện tích ở đối với nhà ở cho công nhân. Chính sách sửa đổi trong việc quy hoạch sử dụng đất, theo đó đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN trong các văn bản quy phạm theo hướng trong quy hoạch KCN phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng; đáp ứng các tiêu chuẩn pháp luật về xây dựng và pháp luật khác liên quan đối với nhà ở.

- Chính sách về quản lý sử dụng đất: Hiện này Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ban hành ngày 29/11/2013 có hiệu lực ngày 01/7/2014 đã hết hiệu lực một phần vào năm 2018. Tuy nhiên đến nay Quốc hội vẫn chưa ban hành Luật Đất đai sửa đổi, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Chính vì vậy cần có cơ chế chính sách để hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý đất đai và sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi.

- Cần hoàn thiện chính sách phát triển đô thị và nông thôn một cách hài hòa tránh tình trạng di cư ổ ạt từ nông thôn lên thành thị. Hiện nay chính sách di cư lao động nông thôn - đô thị còn thiếu công bằng. Trong khi đó các đô thị mới chỉ ước lượng số dân di cư chứ không có con số thống kê chính xác. Sức ép về môi trường, nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội do di cư lên khu vực đô thị đang là các vấn đề khó có thể giải quyết. Tuy nhiên di cư từ nông thôn đến đô thị đã giải quyết được lượng lớn lao động, tăng nguồn thu nhập, giải quyết nhu cầu cần lao động cho đô thị. Cần có các chính sách giải quyết vấn đề nhà ở cho người di cư, giúp người di cư tiếp cận với các dịch vụ xã hội, công cộng. - Chính sách về quy mô, mật độ dân số: Quy mô dân số và mật độ dân số là một trong những tiêu chí để phân loại đô thị. Tuy nhiên, nếu việc mật độ dân số gia tăng mà không được kiểm soát và không được định hướng rõ ràng thì sẽ kéo theo rất nhiều những hệ lụy cho đô thị và nông thôn như áp lực đất đai, nhà ở, cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, lưu trú, môi trường… Chính vì vậy, việc định hướng, đánh giá quy mô dân số đô thị và nông thôn trong đồ án quy hoạch là rất quan trọng để từ đó để có định hướng cho sự phát triển của đô thị trong tường lai một cách bền vững.

- Chính sách về kinh tế: Quy mô dân số và tăng trưởng kinh tế luôn là 2 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau theo tỷ lệ nghịch. Để tăng GNP bình quân đầu người hàng năm nếu quy mô và mật độ dân số tăng mà GNP không thay đổi sẽ làm giảm GNP tính trên đầu người. Chính vì chính sách tăng trưởng kinh tế phải đồng bộ với chính sách quy mô và mật độ dân số để cải thiện được đời sống người dân ở đô thị và nông thôn.

Đặc biệt là các chính sách kinh tế cho người di cư từ nông thôn đến đô thị, giải quyết công ăn việc làm và đảm bảo các nhu cầu cần thiết cho người nhập cư. Tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm… Hỗ trợ vốn thông qua các gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm. Các chính sách về an sinh xã hội dành cho người di cư…

- Chính sách về cơ sở hạ tầng: Đô thị hóa nhanh dẫn đến mật độ dân số tập trung quá đông ở một khu vực dẫn tới áp lực về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tình trạng tắc đường thường xuyên diễn ra đặc biệt là tại các thành phố lớn, tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu cơ sở và dịch vụ y tế, giáo dục… Chính vì vậy cần có chính sách định hướng cụ thể để phát triển cơ sở hạ tầng khi quy mô, mật độ dân số tăng. Chính sách này phải được thể hiện ngay từ bước lập quy hoạch, theo đó cơ sở hạ tầng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai khi mở rộng đô thị. Đồng thời cơ sở hạ tầng đô thị phải được gắn kết với khu vực nông thôn.

- Chính sách về bảo vệ môi trường: Tác động của gia tăng dân số và quy mô dân số đông sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, tác động đến nguồn tài nguyên. Diện tích đất canh tác khu vực nông thôn bị giảm do nhu cầu diện tích đất để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác tăng lên. Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến đất bị bào mòn ở miền núi, bị nhiễm mặn, bị lấp cát ở vùng đồng bằng ven biển. Trong quá trình đô thị hóa khu vực ven đô còn trở thành vùng đệm, tiêu thoát nước cho các vùng đô thị.

Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn
Sơ đồ định hướng phát triển không gian TP Đà Lạt đến năm 2030 [8].

Hiện nay xu hướng chuyển dịch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất ra khu vực ven đô và vùng nông thôn. Trong khi đó việc xử lý nước thải, phế thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất lại còn nhiều bất cập. Chính vì thế nước thải, khí thải, phế thải từ các khu công nghiệp lại thải trực tiếp xuống sông, hồ gân ô nhiễm nguồn nước, đất… Do đó cần có các chính sách rõ ràng để bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn như: Hoàn thiện, bổ sung chính sách về môi trường nhằm nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường. Chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. Quản lý, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

IV. Kết luận

Hiện nay một số khái niệm chưa có trong hệ thống văn bản và chưa được công nhận chính thức, đề tài đề xuất các khái niệm như sau:

NTM: là nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; xã hội ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ.

Quy hoạch NTM: là việc tổ chức không gian, sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng thời bố trí và sắp xếp các khu vực có chức năng sản xuất, dịch vụ, hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường theo quy trình quy hoạch xây dựng nông thôn và theo tiêu chuẩn NTM.

Thực tế đã cho thấy vùng ven đô không chỉ là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn mà còn là khu vực chuyển tiếp giữa nội thành và ngoại thành (thành phố), nội thị và ngoại thị (thị xã). Như vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất khái niệm vùng ven đô như sau: Vùng ven đô: là một khu vực giáp ranh giữa đô thị - nông thôn và khu vực giáp ranh giữa nội thành - ngoại thành và giữa nội thị - ngoại thị, với các đặc thù vê mặt không gian, kinh tế - xã hội và pháp lý.

Trong năm 2020 cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những yếu kém trong mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn thôn qua các vấn đề như nhà ở cho người công nhân tại các KCN, các khu vực dân cư giáp ranh với các đô thị và nông thôn…

Khái niệm quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản luật, đó là Luật Xây dựng năm 2003 và mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn đã xuất hiện trong văn bản thông qua khái niệm của Quy hoạch xây dựng vùng.

Đô thị hoá gắn với CNH, HĐH đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị nông, lâm, thuỷ sản tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trong và có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn” ra đời.

Các chính sách phát triển đô thị gắn với quá trình đô thị hóa trong thời kỳ 2010 - 2020 đã đem lại rất nhiều những thành công có thể kể đến các chính sách như:

+ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới đô thị. Đưa ra các dự báo phát triển đô thi, định hướng phát triển chung, định hướng tổ chứ không gian hệ thống đô thị trên cả nước.

+ Kế hoạch phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu tạo lập và phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh với 3 chủ đề chính và 14 nhiệm vụ hành động ưu tiên.

+ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển đô thị và nông thôn gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của các vùng đô thị lớn, đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế.

- Các chính sách phát triển nông thôn găn với quá trình đô thị hóa tại Việt Nam thời kỳ 2010 - 2020 cũng đem lại nhiều thắng lợi lớn, có thể kể đến các chính sách như:

+ Chính sách tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

+ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, chương trình đã đưa ra định hướng năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

+ Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu xây dựng định hướng và đề xuất các giải pháp xây dựng NTM gắn với đô thị hóa.

Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách xây dựng NTM tính đến tháng 10/2019 đã vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2020 đó là 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

- Quá trình đô thị hóa đang từng bước gắn kết với quá trình CNH, HĐH của đất nước, là nhân tố then chốt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế của cả đô thị và nông thôn. Khu vực đô thị đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

- Đô thị hóa nhanh với quy mô ngày càng lớn đã dẫn đến việc gia tăng ô nhiễm, nước thải sinh hoạt và sản xuất, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp, hệ thống thoát nước còn yếu kém dẫn đến việc thoát nước còn chậm, gây ngập úng nhiều khu vực.

Đô thị hóa nhanh dẫn đến sức ép về dân số ở các đô thị đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM do quá trình dịch cư của nguồn lao động nông thôn đến các đô thị, dẫn đến cơ sở hạ tầng khu vực đô thị bị quá tải.

Quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là những tiêu chuẩn quyết định đến việc phân loại đô thị. Trong các tiêu chí này đều có các tiêu chuẩn về khu vực toàn đô thị và khu vực nội thành, nội thị.

Quy mô dân số đô thị tăng nhanh do quá trình dịch cư từ các cùng nông thôn đến các khu vực đô thị. Đồng thời dân số tăng đô thị do quy hoạch mở rộng của các đô thị biến vùng nông thôn thành vùng mở rộng của đô thị. Sự tăng dân số theo hình thức này cũng gây ra nhiều thách thức lớn cho vùng đô thị và vùng nông thôn. Khu vực nông thôn đã trở thành khu vực giảm nhiệt cho khu vực đô thị, tạo không gian di lịch sinh thái đồng thơi cũng là nơi giúp cho khu vưc đô thị cân bằng và đảm bảo được yếu tố môi trường, tự nhiên, khí hậu.

Hệ thống các văn bản pháp lý đã quy đinh rõ về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn. Tuy nhiên trong quá trình phát triển của đô thị khi quy hoạch đô thị mở rộng, vùng mở rộng của đô thị chính là vùng nông thôn. Tuy nhiên khu vực nông thôn này vẫn lập quy hoạch xây dựng nông thôn gây chồng chéo, lãng phí…

Vùng ven đô chính là cầu nối giữa đô thị và nông thôn. Khu vực này vừa mang tính chất của đô thị, vừa mang tính chất của vùng nông thôn, là vùng cụ thể hóa một cách sinh động điển hình của mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn.

TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đông) chính là một điển hình cho mối liên kết giữa đô thị và nông thôn thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt đã tạo ra sự kết nối. Quy hoạch điều chỉnh TP Đà Lạt đã tạo được sự kết nối TP Đà Lạt với các đô thị vệ tinh chính là các vùng nông thôn để tạo sự liên kết phát triển kinh tế của cả khu vực. Vùng Ile-de-France (CH Pháp) là một điển hình về quy hoạch để tạo nên được mối liên kết giữa đô thị và nông thôn thông qua việc tạo vành đai xanh. Thông qua mô hình vườn tự nhiên cấp vùng và các dự án nông nghiệp đô thị trong vành đai xanh.

Trung Quốc là một điển hình về sự thành công về quy hoạch vùng ven đô qua quá trình tích tụ đô thị. Từ đó định hướng được quá trình phát triển đô thị khi mở rộng và tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa đô thị và nông thôn.

Hiện nay các nghiên cứu về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn còn rất hạn chế. Để nhận diện rõ về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn để tìm ra hướng giải quyết cho sự phát triển bền vững của đô thị trước quá trình đô thị hóa đề tài đề xuất những định hướng chính sách sau:

- Chính sách tài chính và phát triển nhiệm vụ KHCN: Để khuyến khích thúc đẩy các nghiên cứu đánh mang tích khoa học, các hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, để có cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Chính sách về huy động nguồn vốn cho nghiên cứu. Khuyến khích các tập thể trong và ngoài ngành nghiên cứu, đánh giá về mối quan hệ ở mọi khía cạnh của mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Tăng ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu KHCN. Chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho các đề tài nghiên cứu, hoạt động khoa học. Đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KHCN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN, cần có những chính sách cụ thể hơn phù hợp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp, nhất là hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Cần ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đổi mới công và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần có các chính sách về giao dịch thương mại hóa sản phẩm KHCN.

+ Chính sách về quy hoạch:

Chính sách để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch để tránh việc thay đổi quy hoạch nhiều lần, quy hoạch đô thị nhưng vẫn phải tạo được sự kết nối với khu vực lân cận đặc biệt là khu vực nông thôn. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch cùng cần được quan tâm nhiều hơn để tránh tình trạng thực hiện sai quy hoạch.

Chính sách về quy hoạch NTM để nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch thông qua các giải pháp như: Chính sách đào tạo nâng cao năng lực của các nhà quy hoạch, các tổ chức tư vấn... để nâng cáo chất lượng đề án quy hoạch; Chính sách quy định rõ trong việc lập đề án quy hoạch nông thôn để tăng sự liên kết vùng, liên kết giữa nông thôn và thành thị thông qua hệ thống cơ sở hạ tâng, tổ chức không gian của 2 khu vực đồng thời cần có hoạch định mang tính đa ngành cho địa bàn vùng huyện hoặc liên huyện.

Chính sách về quy hoạch định hướng khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn phải cụ thể, quy hoạch khu vực này phải được định hướng theo các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí quy hoạch của khu vực đô thị. Đồng thời thể hiện rõ được mối liên kết giữa đô thị và nông thôn thông qua các mặt về kinh tế - xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, văn hóa, không gian cảnh quan…

+ Chính sách về phát triển nhà ở cho người công nhân và thiết chế công đoàn tại các KCN, CCN như: Bổ sung, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động làm việc tại các KCN, CCN ra khỏi đối tượng hưởng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; Chính sách tăng diện tích ở đối với nhà ở cho công nhân; Chính sách sửa đổi trong việc quy hoạch sử dụng đất, theo đó đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân KCN.

+ Chính sách về quản lý sử dụng đất: Cần có chính sách để hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý đất đai và sớm ban hành Luật Đất đai sửa đổi.

+ Chính sách phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn tránh tình trạng di cư ổ ạt từ nông thôn lên thành thị.

+ Chính sách về quy mô, mật độ dân số thông qua các định hướng trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

+ Chính sách về kinh tế như giải quyết vấn đề việc làm cho người di cư, hỗ trợ vốn và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người di cư.

+ Chính sách về cơ sở hạ tầng tạo được sự liên kết vùng giữa đô thị và nông thôn.

+ Chính sách về bảo vệ môi trường như: Hoàn thiện, bổ sung chính sách về môi trường nhằm nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế; Chính sách khuyến khích xã hội hóa trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường; Chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến môi trường.

PGS.TS Lưu Đức Hải, TS Lê Thị Bích Thuận, KS Trần Văn Hành 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ashui.com - “Phố xưa Hà Nội và Sài Gòn trước năm 1975” - 27/4/2018.

2. moc.gov.vn - “Cả nước có 63,48% số xã đạt chuẩn nông thôn mới” - 24/5/2021.

3. hoinongdan.org.vn - “Xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới” - 21/01/2016.

4. Bộ NN&PTNT - “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam” - 7/2021.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - “Đô thị hóa nông thôn, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa” - 7/2021.

6. baobacgiang.com.vn - “Bản đồ mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang” - 17/8/2017.

7. UBND huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương - “Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Giang, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” - 9/2021.

8. dalamour.com.vn - “Sơ đồ định hướng phát triển không gian TP Đà Lạt đến năm 2030” - Đà Lạt, 18/01/2021.

9. researchgate.net - “Bản đồ phân vùng lãnh thổ của vùng Ile-de-France” - 11/2018.

10. moc.gov.vn - “Hội thảo Đô thị hóa khu vực ven đô TP Hà Nội và những thách thức trong phát triển nông nghiệp ven đô” - 2017.

11. vienkientrucquocgia.gov.vn - “Hội thảo Quốc tế Giải pháp quy hoạch xã nông thôn mới ven đô nhằm tăng cường liên kết đô thị-nông thôn và phù hợp với định hướng đô thị hóa” - 2020.

12. kinhtevadubao.vn - “Năm 2022, Ngân sách Trung ương tăng chi cho khoa học công nghệ” - 2022.

13. vietnam.vn - “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Vì sao khó giải ngân?” - 2021.

Bạn đang đọc bài viết Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.