Thứ sáu, 29/03/2024 12:49 (GMT+7)

Đổ đất đá tràn xuống vịnh Nha Trang làm chết san hô là một tai họa

MTĐT -  Thứ bảy, 04/04/2020 08:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Không mạnh tay với các dự án lấn biển tôi e các rạn san hô quý ở vịnh Nha Trang sẽ biến mất, khi đó lại phải bỏ rất nhiều tiền để phục hồi mà chắc chắn không làm được”, TS An nói.

Chuyên gia về hải dương học cho rằng để có một rạn san hô phải mất hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm, nhưng chỉ cần một tác động nhẹ của con người cũng có thể làm biến mất mãi mãi, không thể sửa chữa.

Sai phạm khó sửa

Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng vịnh Nha Trang nói chung và hệ sinh thái san hô ở đây nói riêng đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất, điều này rất có hại cho tương lai.

"Dự án trên đảo Hòn Tằm chưa có phép, như vậy họ đã sai ngay từ đầu. Bởi vịnh Nha Trang có các cơ quan chuyên trách quản lý, được bảo vệ bởi Luật Di sản hay quy định về khu bảo tồn biển. Vậy ta nên đặt câu hỏi vì sao một công trình lớn, nằm trong khu bảo tồn lại có thể thi công san ủi đất đá lấn, lấp biển trong thời gian dài?", TS An nói.

PGS.TS Nguyễn Tác An nhìn nhận phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu của xã hội, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố bền vững về môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa vùng đất đó.

PGS, TS Nguyễn Tác An. Ảnh: An Bình.

Ông cho rằng vịnh Nha Trang là tài sản quý không chỉ riêng Khánh Hòa mà của cả nhân loại. Bằng chứng là nơi đây được công nhận một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới và là danh lam thắng cảnh quốc gia.

“Nói vậy để hình dung vịnh Nha Trang quý như thế nào. Ngoài cảnh quan, giá trị văn hóa, hệ sinh thái san hô ở đây thực sự là vô giá mà không phải nơi nào cũng có”, ông nhìn nhận.

Công ty Hòn Tằm thi công san ủi làm đất đá tràn xuống vịnh Nha Trang khiến san hô bị ảnh hưởng. Ảnh: An Bình.

Theo vị tiến sĩ, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, dự án được cấp phép trong danh thắng vịnh Nha Trang chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ. Và nó trái ngược với các hệ sinh thái dưới vịnh Nha Trang, vì chúng đã và đang mang lại lợi ích lâu dài cho nhân loại.

“Nguồn lợi thủy sản từ biển thì các rạn san hô góp 50% công sức nuôi dưỡng, nếu mất chúng đi, ta mất chừng đó giá trị lợi nhuận bền vững từ biển”, ông nói.

Nói về dự án trên đảo Hòn Tằm đổ đất đá lấn, lấp vịnh Nha Trang làm chết san hô, TS Nguyễn Tác An cho rằng nếu suy xét ở tất cả góc độ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo tồn thì các công trình xây dựng ở Hòn Tằm là sai trái.

“Như tôi đã nói, Hòn Tằm nằm trong khu vực được Luật Di sản và quy định về bảo tồn biển bảo vệ nghiêm ngặt. Họ thi công không có giấy phép là sai, nhưng cái sai đó có thể sửa chữa được. Còn việc thi công mà để đất đá tràn xuống vịnh, làm chết san hô trong khu bảo tồn là một tai họa rất lớn, mà chắc chắn không thể sửa chữa”, TS An nhấn mạnh.

Hậu quả không thể đo đếm

Theo vị tiến sĩ, để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. Do vậy, việc thi công dự án trên đảo Hòn Tằm lấn lấp biển, đất đá tràn ra khu bảo tồn thì chắc chắn nơi đó san hô sẽ chết, hậu quả rất lâu dài.

“Phát triển kinh tế rất quan trọng, nhưng chúng ta phải cân nhắc lợi hại. Cho xây công trình trên đảo Hòn Tằm tôi chắc chỉ một nhóm nhỏ được hưởng lợi ích về kinh tế nó mang lại. Nhưng nó phá hỏng cảnh quan thiên nhiên trên đảo và dưới đáy vịnh như hiện nay thì cả xã hội phải gánh chịu”, TS An nhìn nhận.

“Môi trường ở khu bảo tồn bị xâm phạm, những rạn san hô được hình thành cả triệu năm, mà anh chỉ phá hủy trong vòng vài ngày. Nói cái đó để thấy lợi và hại trong việc phát triển kinh tế khi cấp dự án trong khu vực vịnh Nha Trang nhưng buông lỏng quản lý”, ông nói thêm.

Theo TS An, để một hệ sinh thái san hô phát triển thì độ trong, sạch của nước cực kỳ quan trọng. Nếu đất đá lấn, lấp làm nước đục tràn ra thì cả một khu vực rộng lớn san hô sẽ chết hoàn toàn, từ đó hệ sinh thái biển cũng mất theo.

“San hô được ví như lá phổi của biển cả, nuôi dưỡng hàng triệu sinh vật biển, sản sinh ra nguồn lợi. Nếu ta phá hỏng thì những giá trị đó sẽ mất đi, không thể phục hồi”, ông phân tích.

TS An cho rằng trước mắt cần phải dừng ngay việc san ủi đất đá ở đảo Hòn Tằm, cần thiết bỏ hẳn dự án. Vì nếu khắc phục bằng cách múc đất đá lên hoặc cho thi công kè chắn càng gây thêm thiệt hại vì lượng bùn làm đục nước sẽ tiếp tục lan rộng ra.

Đất đá từ dự án khu du lịch Hòn Tằm tràn xuống biển vùi lấp san hô khu bảo tồn. Ảnh: Ban quản lý vịnh Nha Trang.

Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị ảnh gần khu vực dự án.

Tiền thu lại từ doanh nghiệp sẽ không đáng là bao so với giá trị của các rạn san hô mang lại nếu nó được bảo vệ. Rất nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã tài trợ, cung cấp cho chúng ta tiền của, vật chất và cả con người để bảo vệ khu bảo tồn vịnh Nha Trang thì nay nó đang bị phá đi, rất đau xót.

“Trước đây chỉ cần ra Hòn Đỏ hay cảng Cầu Đá là thấy san hô, nay thì phải đi ra rất xa. Nếu chúng ta không dừng việc cấp phép đối với các dự án ảnh hưởng đến môi trường biển, tôi e thời gian tới các rạn san hô quý ở vịnh Nha Trang sẽ biến mất, khi đó ta lại phải bỏ rất nhiều tiền ra để phục hồi, mà chưa chắc làm được”, TS An nói.

Cuối năm 2019, tổ liên ngành do Ban quản lý vịnh Nha Trang (thuộc UBND TP Nha Trang) chủ trì kiểm tra việc thi công dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm, do Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang (Công ty Hòn Tằm) làm chủ đầu tư. Tổ liên ngành phát hiện chủ đầu tư cho san ủi đất đá, tạo mặt bằng xây dựng nhiều công trình kiên cố ở đây.

Qua kiểm tra khu vực tây nam đảo Hòn Tằm, cơ quan này phát hiện Công ty Hòn Tằm đang xây dựng 2 đoạn kè chắn bằng bê tông dài 120 m (mỗi đoạn 60 m), cao từ 5-6 m; 5 hạng mục công trình bê tông, cốt thép với diện tích 137,6 m2.

Tháng 1/2020, UBND TP Nha Trang có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Xây dựng Khánh Hòa chỉ đạo kiểm tra và xử lý chủ đầu tư vì xây dựng các công trình không phép trên đảo Hòn Tằm.

Đến 3/2/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND TP Nha Trang, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý các sai phạm tại dự án khu du lịch trên đảo Hòn Tằm. Tuy nhiên, những sai phạm trên chưa được xử lý, các công trình sai phép vẫn tồn tại.

Ngày 20/3/2020, UBND TP Nha Trang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty Hòn Tằm về hành vi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng tại dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm.

Ngoài việc xây các công trình không phép trên đảo Hòn Tằm, chủ đầu tư dự án còn đổ đất đá xuống vịnh Nha Trang làm chết san hô, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Đổ đất đá tràn xuống vịnh Nha Trang làm chết san hô là một tai họa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới