Thứ năm, 28/03/2024 18:12 (GMT+7)

Đồ nhựa dùng một lần đang đi ngược lại với xu hướng xanh

MTĐT -  Thứ năm, 13/12/2018 17:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với đặc điểm tiện lợi và giá thành lại rẻ, nên đồ nhựa dùng một lần tại Việt Nam đang được sử dụng một cách vô tội vạ.

Ô nhiễm rác thải nhựa không còn là vấn đề riêng của quốc gia nào mà nó trở thành vấn đề của toàn cầu. Những năm qua, đã có không ít các công trình nghiên cứu chứng minh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa lại ngày càng đáng báo động.

Tại Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương diễn sáng 10/12, đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, Việt Nam là quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển đứng thứ 4 trên thế giới, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới).

Theo Vnexpress, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thừa nhận vấn đề rác thải, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang trở nên cấp bách.

"Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực", ông Hà nói.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa nhất thế giới. Ảnh: Zing. 

Theo ông Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng nghiên cứu biển, hải đảo Việt Nam, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và rất nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn hoặc mắc kẹt giữa các ngư cụ nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá huỷ.

Tại hội thảo, bà Katelijn, chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần xem xét, chỉ ra lĩnh vực nào phát thải rác lớn nhất để có chính sách cụ thể. "Việt Nam cần cải thiện công tác thu gom rác ở các thành thị, việc quản lý các bãi rác phải chặt chẽ hơn; đặc biệt chú ý việc xử lý rác ngay từ ban đầu chứ không để rác trôi ra biển vì kinh phí xử lý rác trên biển rất đắt đỏ", chuyên gia WB nói.

Nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hạn chế rác thải, ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho hay: "Ở Hàn Quốc, Chính phủ sản xuất một loại túi đựng rác cho các hộ gia đình và buộc họ phải sử dụng. Nhà nào thải ra nhiều rác sẽ phải mua nhiều túi qua đó đóng góp kinh phí vào việc xử lý rác sau này".

Ngoài ra, việc xả thải rác sai phép ở Hàn Quốc sẽ bị chế tài rất nặng. "Đối với các nhà sản xuất, chúng tôi áp đặt trách nhiệm tái chế rác thải trực tiếp. Các đơn vị này vừa sản xuất vừa phải tái chế một lượng rác nhất định, nếu không thực hiện có thể bị phạt lên tới 30% giá trị", ông Kim In Hwan nói.

Những năm qua, Chính phủ và các tổ chức bảo vệ môi trường đã tích cực vận động, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống. Thế nhưng đồ nhựa dùng một lần lại ngày càng phổ biến, đến mức dần thay thế cho các loại vật liệu khác.

Với đặc điểm tiện lợi và giá thành lại rẻ, nên đồ nhựa dùng một lần tại Việt Nam đang được sử dụng một cách vô tội vạ. Có thể thấy, từ ốc trà đá, nước mía, trà sữa, đồ ăn nhanh... đâu đâu cũng ống hút nhựa và cốc nhựa dùng một lần.

Tuy nhiên, người ta không biết rằng, rác thải nhựa khi vào môi trường tự nhiên phải cần tới 400 - 500 năm để phân hủy hoàn toàn.

Các vi hạt độc hại có trong đồ nhựa có thể phân tán ngấm vào lòng đất, nguồn nước, hủy hoại môi trường sinh thái. Chưa kể các loại đồ nhựa rẻ tiền, không đảm bảo an toàn, khi sử dụng các chất nguy hại có thể hòa tan với đồ ăn thức uống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việc sử dụng đồ nhựa một lần tràn lan như hiện nay gần như đang đi ngược lại với xu thế xanh. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có hành động cứng rắn hơn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Tại châu Âu, ngày 24/10 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.

Theo dự luật này, 10 sản phẩm bằng nhựa như ống hút, tăm bông... sẽ bị cấm sử dụng vào năm 2021 và 90% chai nhựa sẽ được tái chế vào năm 2025. Dự luật cũng đề ra mục tiêu giảm 25% đối với những sản phẩm nhựa chưa có sản phẩm thay thế vào năm 2025.

Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018: mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Theo ước tính, với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; đã và đang trở thành thách thức lớn đối với môi trường.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đồ nhựa dùng một lần đang đi ngược lại với xu hướng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.