Thứ sáu, 29/03/2024 07:35 (GMT+7)

Dân cư sống gần bãi rác Nam Sơn: Phơi quần áo cũng bị ám mùi rác

Hương Thơm - Mạnh Hoàng -  Thứ năm, 04/07/2019 22:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù dân cư sống gần bãi rác Nam Sơn chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng khi có phương án di dời lại lâm vào thế "đi cũng dở, ở không xong".

Những ngày vừa qua, câu chuyện về bà con xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội chặn đường không cho xe rác tiến vào khu xử lý rác thải Sóc Sơn là câu chuyện đang được dư luận quan tâm.

Như đã phản ánh, nhiều năm nay, mùi hôi thối từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây, đặc biệt là 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn.

Gần đây, khi triển khai kế hoạch di dời, phương án đền bù đất được cho là không thỏa đáng càng khiến bà con bức xúc. Đỉnh điểm, tối ngày 1/7 vừa qua, bà con xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn 1 lần nữa chặn xe rác không cho rác về khu xử lý Sóc Sơn đòi quyền lợi.

Cả nhà bị bệnh hô hấp khi sống gần “bãi rác thủ đô”

Để hiểu rõ hơn về những câu chuyện đời sống và những khúc mắc của người dân sống gần “bãi rác thủ đô”, chúng tôi tìm về thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là một trong số những thôn thường xuyên hứng chịu mùi hôi thối từ bãi rác Nam Sơn nhiều năm qua.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lý kể chuyện như trút nỗi lòng: “Khổ lắm, mùi hôi thối ghê gớm, mỗi lần có gió thổi về là chỉ có đóng cửa chui vào nhà. Nhà rộng như vậy nhưng mấy người phải chui hết vào phòng tận sâu phía trong đóng cửa lại thì mới không thấy mùi rác.

Trong nhà có nhiều ruồi nhặng.

Gió Bắc thì nó sẽ thổi về đằng này, còn gió Nam hất ngược về những xã trên kia, những hôm im gió hoặc trời mù mịt thì không khí nặng nề, khủng khiếp lắm.

Quần áo phơi phóng cũng phải đem vào nhà, không thì ám mùi. Cả khu nấu ăn, mỗi lần nấu cơm thấy mùi rác cảm thấy mất vệ sinh kinh khủng, nhưng chẳng biết phải làm thế nào”.

Ngày mưa có thể phơi phóng ở ngoài, những ngày trời gió phải mang vào nhà.

Chưa hết, chồng bà Lý là ông Nguyễn Đình Hùng cũng thường xuyên mắc các bệnh về mũi họng, cứ đỡ lại tái lại, nhiều năm không khỏi. "Sống cạnh bãi rác mãi, nhà bác đâm ra bệnh tật. Quanh năm ngửi mùi này tôi đau đầu, nhiều khi buốt lên tận óc. Còn các bệnh về hô hấp, nghẹt mũi thì không thể nào khỏi nổi", ông Hùng giãi bày.

Gia đình ông Hùng có 4 người con và 8 cháu nhỏ, nhưng cả 8 đứa nhỏ đều thường xuyên mắc các bệnh về mũi họng. Kể chuyện về con cháu, bà Lý không khỏi xót xa: "Chúng nó sinh bệnh suốt ngày, đứa này khỏi thì đứa kia đau ốm, khổ thân chúng nó. Nhà này còn một anh con trai cả đi làm ăn xa, thế mà giờ bảo về quê chắc cũng chẳng muốn về, sống cạnh bãi rác này mà làm gì".

Đi cũng dở, ở không xong

Ở trong khu vực ảnh hưởng môi trường của khu xử lý rác thải là vậy, chịu nhiều hệ lụy về sức khỏe và bất tiện về sinh hoạt, tuy nhiên, cũng giống như tất cả bà con 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, gia đình bà Nguyễn Thị Lý cũng không muốn di dời nếu như không có điều chỉnh về mức giá đền bù đất ở. 

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đình Hùng cũng tâm sự thành thực: "Phải đặt vào hoàn cảnh này để hiểu câu chuyện, thu hồi đất của dân là 230 triệu đồng/sào, 1 sào là 360m2, vậy mà san ra bán đất tái định cư cho chúng tôi giá 4 triệu đồng/sào. Đền bù như vậy làm sao mà chúng tôi đi nổi? Mà có cái không đền bù, có cái đền bù rất bèo bọt, như thế dân rất bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Không chỉ bức xúc về câu chuyện đền bù, gia đình còn lo ngại về việc toàn bộ cuộc sống sẽ bị đảo lộn, không còn đất lao động sản xuất sau khi di dời: "Bác ở nông thôn, phải có sân phơi, phải có nhà ngang để chứa thóc, phải có gian bếp, chuồng lợn, chuồng bò, giờ đổi ra tái định cư đất giá cao, chỉ có thể có cái nhà, ngoài ra không có đủ diện tích để sinh hoạt sản xuất, mọi thứ xáo trộn, rất đáng ngại.

Hơn nữa nhà đông con, những mấy anh chị em, ở quê còn có đất cát chia cho mỗi người một gian, giờ ra kia sinh sống chỉ có mảnh đất thật không biết phải làm thế nào".

Nhà bà Nguyễn Thị Lý tương đối rộng, có vườn cây và nhiều gian dành cho sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù "sống chung với lũ", chịu ảnh hưởng từ mùi rác nhiều năm qua, nhưng ngay cả khi có phương án di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường cũng, gia đình bà Lý cho biết không thể đi nổi vì mức đền bù không đủ để ổn định cuộc sống mới.

Câu chuyện của gia đình bà Lý là một trong những hoàn cảnh điển hình của bà con 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, cuộc sống rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười "đi thì cũng dở, ở không xong"

Bạn đang đọc bài viết Dân cư sống gần bãi rác Nam Sơn: Phơi quần áo cũng bị ám mùi rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.