Thứ tư, 24/04/2024 03:38 (GMT+7)

Bản tin đô thị ngày 2/4: “Giá chung cư có thể giảm sau các vụ cháy'

MTĐT -  Thứ ba, 03/04/2018 06:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bản tin đô thị ngày 2/4 có những tin chính như: “Giá chung cư có thể giảm sau các vụ cháy", TP HCM ban hành giá quản lý vận hành nhà chung cư, Xem xét sửa một loạt luật khắc phục lỗ hổng Condotel...

“Giá chung cư có thể giảm sau các vụ cháy"

Tin tức trên báo điện tử VOV, tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 3 tháng qua, tình hình vi phạm môi trường, tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, tài sản của người dân và doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Đây là vấn đề bức xúc trong xã hội và Thủ tướng rất quan tâm. Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành chức năng, các chính quyền các tỉnh thành rà soát kiểm tra toàn bộ về vấn đề này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018. Ảnh: VGP

“Tỷ lệ các chung cư đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rất thấp. Từ đó, yêu cầu phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác PCCC”- Bộ trưởng cho biết. Và với tình hình công tác đảm bảo an toàn PCCC còn nhiều hạn chế như hiện nay thì, theo Bộ trưởng nhận định “hiện nay giá chung cư có thể giảm xuống”.

Cũng tại họp báo, có phóng viên đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng nên chăng kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ ở các khu chung cư? Về đề xuất này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời: Đây là đề nghị rất tốt, nhưng hiện Tổ phải tập trung kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương; kiểm tra các bộ, địa phương, tổng công ty, tập đoàn nhà nước... việc đưa ra các giải pháp, tổ chức thực hiện mục tiêu tăng trưởng; kiểm tra việc xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Còn về kiểm tra an toàn PCCC, đặc biệt là tại các chung cư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến các bộ, ngành, chủ yếu là các nhà đầu tư thuộc cấp chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư là nhiều. Tất nhiên, “chúng tôi không nói là không kiểm tra, mà sẽ tính toán và thời điểm thích hợp sẽ kiểm tra. Hôm nay, Thủ tướng cũng đã giao người đứng đầu các Bộ, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc này”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

TP HCM ban hành giá quản lý vận hành nhà chung cư

Báo Người lao động đưa tin, UBND TP HCM vừa ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (NCC) trên địa bàn TP.

Phạm vi điều chỉnh áp dụng cho việc thu phí quản lý, vận hành NCC thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Đây cũng là cơ sở để các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc trong trường hợp có tranh chấp về giá dịch vụ giữa đơn vị quản lý vận hành NCC với chủ sở hữu, người sử dụng NCC.

Mức giá cụ thể như sau (đơn vị tính: đồng/m2): NCC không có thang máy mức tối thiểu là 500 đồng, tối đa là 3.000 đồng; NCC có thang máy mức tối thiểu 1.500 đồng, tối đa 6.000 đồng. Mức giá trong khung giá quy định tại khoản này chưa có các dịch vụ gia tăng (tắm hơi, bể bơi, internet, sân tennis, truyền hình cáp hoặc các dịch vụ gia tăng khác) và chưa bao gồm thuế GTGT (nếu có).

Khung giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư được áp dụng cho nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPẢnh: Hoàng Triều

Ngoài ra, giá dịch vụ quản lý vận hành NCC cũng không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng NCC.

Khung giá dịch vụ quản lý vận hành NCC nêu trên không áp dụng đối với các trường hợp sau: NCC cũ thuộc sở hữu nhà nước mà chưa được cải tạo, xây dựng lại; NCC xã hội chỉ để học sinh, sinh viên và công nhân ở theo hình thức tập thể nhiều người trong một phòng. Trường hợp thống nhất về giá dịch vụ quản lý tại hội nghị NCC; đã có thỏa thuận chung về giá dịch vụ quản lý vận hành NCC trong hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua căn hộ cũng không áp dụng mức phí trong quyết định này.

Xem xét sửa một loạt luật khắc phục lỗ hổng Condotel

Viettimes đưa tin, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, liên quan đến lỗ hổng kinh doanh loại hình bất động sản Condotel, hiện nay Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng giải thích, đây là loại hình căn hộ du lịch lưu trú, nên phải hiểu đây là một loạt căn hộ, villa như khách sạn, khu nghỉ dưỡng để lưu trú.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

“Tuy nhiên, điểm khác biệt là trước đây khách sạn, villa thuộc 1 chủ sở hữu nhưng giờ chuyển hóa thành nhiều chủ sở hữu thứ cấp, dẫn đến việc có cấp quyền cho các chủ sở hữu thứ cấp không? Lưu trú ngắn hạn thì không sao còn lưu trú lâu dài thì sao, hạ tầng có đáp ứng được hay không? Đây là vấn đề cần xem xét”, ông Hùng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc này không chỉ giải quyết trong Luật Kinh doanh bất động sản mà còn trong nhiều luật khác. Sắp tới tất cả sẽ được xem xét sửa, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Cụ thể, thứ nhất, xác định quyền sở hữu thứ cấp cho các chủ hộ. Thứ hai, yêu cầu đây là một sản phẩm mang tính lưu trú ngắn hạn thì phải điều chỉnh như thế nào, sẽ được làm rõ trong Luật.

Trước đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình Chính phủ về dự án bổ sung, sửa đổi một số điều Luật Đất đai 2013, trong đó đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài cho người mua căn hộ officetel, condotel.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường việc phát triển các căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel) đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và nhu cầu văn phòng để ở của các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do đây là loại hình bất động sản mới, Luật Đất đai chưa quy định cụ thể mà mới chỉ xác định đất sử dụng cho du lịch là loại hình của đất phi nông nghiệp, chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất cho loại hình này.

Do đó, cơ quan này đưa ra hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất là các công trình này nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.

Giải pháp thứ hai là vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai xác định là loại đất thương mại dịch vụ. Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.

Hải Phòng muốn xây hầm đường bộ vượt sông Cấm

Cũng theo tin tức trên Viettimes, dự án hầm qua sông Cấm này sẽ nối trực tiếp quận Hải An với huyện Thủy Nguyên bằng đường bộ, thay vì phải đi vòng hơn 10 km như hiện nay.
Dự án hầm đường bộ này có ý nghĩa then chốt trong việc đưa bán đảo Vũ Yên thành khu vực phát triển mới của Hải Phòng, đánh thức tiềm năng đã bị bỏ quên hàng trăm năm của khu vực này. Đồng thời, góp phần giải bài toán chỉ trông vào thu hồi đất đô thị, đất nông thôn cũ của thành phố để phát triển.

Dự án hầm đường bộ từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm sang đảo Vũ Yên có chiều dài 350m, được xây dựng 4 làn xe. Diện tích sử dụng đất 8,1ha với vốn đầu tư dự kiến 180 triệu USD.

Dự án nữa nhằm phát huy tiềm năng nằm bên cạnh luồng hàng hải quốc gia của huyện Thủy Nguyên mà Hải Phòng đang gọi vốn, là dự án cầu Bến Lâm. Cầu Bến Lâm nằm ở vị trí giữa cầu Bính và cầu Kiền, trên đường quốc lộ 5 cũ. Khi hoàn thành, sẽ hình thành hệ thống 3 cầu đường bộ nối quận Hồng Bàng với huyện Thủy Nguyên, gồm cầu Bính, cầu Kiền, và cầu Bến Lâm.

Nếu tính cả các dự án cầu, hầm đang hoặc sắp triển khai như cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Cấm, hầm chui vượt sông sang đảo Vũ Yên, thì Hải Phòng sẽ có hệ thống giao thông đường bộ với ít nhất 6 cầu, hầm vượt sông sang các vùng đất thuộc huyện Thủy Nguyên – khu vực thành phố đang muốn nâng cấp thành 2 quận mới.

Dự kiến, cầu Bến Lâm có chiều dài 1.300m, được xây dựng 10 làn xe, vốn đầu tư khoảng 160 triệu USD.

Dự án cầu thứ 3 Hải Phòng muốn triển khai ngay là Cầu Hải Thành nối từ đường 353 (Hải Phòng – Đồ Sơn) đến nút giao Tân Vũ. Cầu Tân Vũ nằm trên địa bàn quận Dương Kinh và Hải An, khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển khu vực hạ lưu sông Lạch Tray và sông Cấm vốn hàng chục năm nay thiếu hạ tầng giao thông để trở thành động lực phát triển.

Dự án Cầu Hải Thành có chiều dài 5 km, được xây dựng với quy mô 12 làn xe, vốn đầu tư khoảng 135 triệu USD.

Nếu cần sẽ lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Báo Tiền Phong đưa tin, tại buổi họp báo chiều 2/4, đề cập đến phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng đã quyết định vấn đề này trên cơ sở tôn trọng ý kiến của tư vấn độc lập, của Bộ GTVT và cả TP HCM. Qua đó, mở rộng cả phía Nam và phía Bắc.
“Cần diện tích đất chỗ nào thì mở rộng khu vực đó, ngay cả việc cần lấy lại sân golf để mở rộng sân bay thì cũng sẽ thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chủ trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của Công ty Tư vấn nước ngoài.

Qua đó, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía Nam với diện tích sàn 200.000 m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.

Với diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.

Bạn đang đọc bài viết Bản tin đô thị ngày 2/4: “Giá chung cư có thể giảm sau các vụ cháy'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tuấn Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới