Thứ sáu, 19/04/2024 12:13 (GMT+7)

5 dự án BT ở Hà Nội: Vẫn tiến thoái lưỡng nan

MTĐT -  Thứ bảy, 06/10/2018 17:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc Bộ Tài chính yêu cầu dừng dùng quỹ đất thanh toán các dự án BT khiến số phận của 5 dự án BT trọng điểm đang được triển khai ở Hà Nội đang đứng trước nguy cơ không biết đi đâu về đâu.

Theo báo Đầu tư, tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã “than” rằng, việc tạm dừng thanh toán quỹ đất cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng đang khiến các địa phương này gặp khó.

Đề cập thực trạng dự án BT trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc dừng thanh toán quỹ đất cho các dự án BT đang gây nhiều khó khăn cho Thành phố.

“Hà Nội muốn được sớm giao đất cho nhà đầu tư tại các dự án BT, dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư", ông Toản nói thêm.

Còn theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa, có nhiều cách để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó, đổi đất lấy đường có thể được xem là cách thức thuận lợi, ngắn, tiết kiệm nhất, nên Hà Nội lựa chọn.

Từng trao đổi với TheLeader, ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với các dự án BT, nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho thành phố để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.

Theo ông Tiên, sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND thành phố mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT. Sau khi thanh toán tương đương giá trị công trình BT, diện tích đất còn thừa (nếu có), thành phố sẽ thu hồi lại, thực hiện quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ. 

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên là một trong các dự án BT đã hoàn thành. Ảnh: Internet. 

 Như vậy, để triển khai các dự án này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công. Việc dừng giao đất đang gây những khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư trong công tác triển khai dự án.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 8759/BTC-QLCS gửi UBND TP Hà Nội về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình BT.

Nội dung công văn này cho biết, trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về việc UBND TP Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án BT về hạ tầng giao thông.

Dẫn quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính cho biết, kể từ ngày 1/1/2018, không áp dụng quy định nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Để hướng dẫn các địa phương thực hiện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Tuy nhiên, tới nay Nghị định chưa được Chính phủ ban hành.

Trong khi chờ hướng dẫn mới, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định mới được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo chuyên đề về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT diễn ra chiều 5/10, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính thừa nhận, Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành do vướng nhiều khó khăn.

Cụ thể, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Về nguyên tắc, luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo.

Ông cũng cho rằng: “Đây là Nghị định rất khó vì liên quan đến nhiều pháp luật khác nhau: Đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện Nghị định này trước khi ban hành”.

Về việc dừng thanh toán các dự án BT, ông Thịnh nhấn mạnh: “Đây là tạm dừng thanh toán chứ không phải dừng dự án BT”.

Trong khi chờ nghị định ban hành, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư từ ngày 1/1/2018.

“Đối với các dự án đã ký hợp đồng rồi, trong thời gian Nghị định chưa ban hành thì thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ để xử lý khoảng trống pháp lý. Nguyên tắc là được thanh toán theo các văn bản quy phạm pháp luật ở từng thời kì. Hợp đồng kí ở thời kì nào thì áp dụng nguyên tắc thanh toán ở thời kì đó”, ông Thịnh cho biết.

Từng trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, đầu tư theo hình thức BT là hoàn toàn đúng đắn, nhưng để đầu tư BT phát huy tối đa hiệu quả, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, định giá đất đai và thẩm định tổng mức đầu tư dự án cần được tiến hành kỹ lưỡng. Đặc biệt, xây dựng dự án hạ tầng không thể căn cứ dựa trên tổng dự toán mà phải thực hiện theo hình thức đấu thầu để xác định theo giá thị trường. Ông Liêm cũng cho rằng, giá trị đất đai tại các thành phố lớn sẽ đem lại nhiều tiềm năng khi thực hiện thành công các dự án BT.

Tuy nhiên, việc tổ chức, triển khai thực hiện cần có sự giám sát, công khai, minh bạch, tính toán rõ ràng để không xảy ra chuyện trục lợi, thất thoát tài sản nhà nước.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết 5 dự án BT ở Hà Nội: Vẫn tiến thoái lưỡng nan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?