Tập đoàn Novaland (mã NVL) gây chú ý với thương vụ mua lại hơn 80% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (C21). Tập đoàn này cũng mua lại Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) của Deawon Catavil (Hàn Quốc). Trong khi đó, Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) mua Khu nhà ở Chung cư cao tầng Phước Long B, quận 9, TP. HCM với giá 563,65 tỷ đồng và góp 712,5 tỷ đồng hợp tác đầu tư cùng Saigon Res tại lô đất 67.221 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM. 

Một thương vụ mua bán khác có thể kể đến là sự kiện CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta tuyên bố chuẩn bị tiến hành thâu tóm CTCP Vải sợi may mặc miền Bắc (mã TET - HNX). Mặc dù hoạt động kinh doanh của TET không thực sự nổi bật nhưng đơn vị này đang nắm trong tay những khu đất "vàng" tại Thủ đô như trụ sở chính đặt tại 37 Lý Thường Kiệt – Hà Nội có diện tích lên tới 1.028m2, đất kho, xưởng 12.407m2 tại 79 Lạc Trung; Tổng kho Đức Giang (Long Biên) với diện tích hơn 25.000m2, đất tại Tổng kho Giáp Bát có diện tích khoảng 3.700m2. 

Các chuyên gia nước ngoài nhận định, thị trường BĐS Việt Nam đang ở thời điểm rất hấp dẫn để đầu tư và sở hữu. Đại diện quỹ đầu tư Vinacapital cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tham gia vào công cuộc M&A tại Việt Nam. Họ tìm kiếm và nắm giữ những dự án được cho là sẽ sinh lợi hoặc đang hoạt động với dòng tiền dương ổn định. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2017 và các nhà đầu tư sẽ tiếp tục ưu tiên những phân khúc đang phát triển tốt của thị trường.

Cùng quan điểm, ông Alex Crane, Tổng Giám Đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam khẳng định: “Tôi nghĩ rằng việc mua bán và sáp nhập đương nhiên sẽ trở thành xu hướng. Thị trường Việt Nam cần sự đầu tư chuyên môn từ các doanh nghiệp nước ngoài bởi họ có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa tham gia thị trường tại Việt Nam, vì thế phương án tốt nhất để họ thâm nhập thị trường là thông qua việc mua bán và sáp nhập. Thông thường là qua việc liên doanh với 1 doanh nghiệp địa phương”.

Ông Sử Ngọc Khương – Giám Đốc Bộ phận Đầu tư Savills (Việt Nam) cũng dự báo khả quan về lĩnh vực M&A trên thị trường BĐS: “Đối với các nhà đầu tư ngoại, vấn đề rủi ro trong thị trường cùng với pháp lý là những quan ngại đáng kể nhất với họ khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, thị trường BĐS Việt Nam đã được chứng kiến không ít những hợp tác liên doanh phát triển BĐS giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, với những thương vụ lớn được thông qua trên tất cả các phân khúc, hoạt động mua bán sát nhập của các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sôi động. Năm 2017 sắp tới cũng sẽ hứa hẹn tiếp diễn xu thế và khởi sắc hơn nữa với nhiều hoạt động M&A, hợp tác đầu tư, tạo ra nhiều hoạt động và sản phẩm chất lượng cho thị trường”.

Trong khi đó, các chuyên gia trong nước cho rằng, hai sắc luật mới đã mở rộng phạm vi kinh doanh BĐS cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nới lỏng điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây chính là nền tảng để các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc tiến hành tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường thông qua các hoạt động M&A. Tuy nhiên, dù thị trường tiếp tục được đánh giá sẽ phát triển, nhưng cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Do đó, các bên tham gia vào thị trường BĐS từ nhà phát triển dự án, nhà đầu tư, ngân hàng và các cơ quan quản lý của nhà nước cần tỉnh táo và thận trọng hơn trong mỗi hành động và vai trò của mình.