Thứ sáu, 29/03/2024 00:54 (GMT+7)

Bỏ 2% phí bảo trì là 'vẽ đường' cho chủ đầu tư trốn trách nhiệm

Bùi Phương -  Thứ ba, 12/03/2019 14:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu đề xuất bỏ phí bảo trì, có nghĩa rằng đã tạo ra một hành lang pháp lý để rất nhiều chủ đầu tư sẽ trốn tránh được trách nhiệm phải nộp và được hưởng lợi từ 2% này.

Cách đây không lâu, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, khi sửa luật Nhà ở, nên bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì nhà chung cư như hiện nay. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối.

Tạo ra hành lang pháp lý - chủ đầu tư trốn nộp và hưởng lợi 2%

Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về ý kiến bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì chung cư?

Theo quy định tại Điều 108 Luật nhà ở, phí bảo trì chung cư là do Chủ đầu tư phải có trách nhiệm nộp, được trích từ giá trị hợp đồng và phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ. Đây được hiểu là quyền lợi được bảo hành, bảo trì của người mua căn hộ. Và đây không phải là khoản nộp bổ sung của người mua căn hộ. Khoản phí này là cần thiết để phục vụ cho hoạt động duy trì, bào trì, bảo dưỡng nhà khi đưa vào sử dụng. Thế nên việc ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, khi sửa luật Nhà ở, nên bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì nhà chung cư như hiện nay là không phản ánh đúng quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm nộp phí bảo trì.

Nếu đề xuất bỏ phí bảo trì, có nghĩa rằng đã tạo ra một hành lang pháp lý để rất nhiều chủ đầu tư sẽ trốn tránh được trách nhiệm phải nộp và được hưởng lợi từ 2% này.  

Đề xuất bỏ 2% phí bảo trì chung cư là điều bất hợp lý.

Trong cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần đưa ra những chế tài liên quan đến trách nhiệm của cư dân khi phát sinh những vấn đề cần đến phí bảo trì nhà chung cư, ý kiến của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Về bản chất của các giao dịch dân sự khi mua bán hàng hóa vẫn có quy định để người bán hàng có trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng cho người mua hàng. Luật nhà ở cũng thể hiện rất rõ, phản ánh đúng bản chất của hợp đồng mua bán nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trích lập nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng nhà ở.

Nếu chúng ta bỏ phần phí bảo trì này, đồng nghĩa với việc làm lợi cho chủ đầu tư, không gắn trách nhiệm của chủ đầu tư và bỏ đi quyền lợi thiết yếu của người mua nhà, đi ngược lại với bản chất của việc bảo trì, bảo dưỡng nhà theo quy định của pháp luật.

Đẩy trách nhiệm người sử dụng chung cư tự lo bảo trì, bảo dưỡng cho căn hộ của mình là điều rất vô lý. Đương nhiên, quy định bắt người dân tự đứng ra bảo trì, bảo dưỡng là rất khó, bất khả thi bởi lý do rất khó để tập hợp, kêu gọi, bắt toàn bộ người dân bỏ thêm tiền để bảo trì, bảo dưỡng chung cư mình ở được. Nếu có bắt buộc sẽ phát sinh rất nhiều việc khiếu nại, khiếu kiện của một số cư dân làm cho kéo dài thời gian chờ đợi để được bảo trì, bão dưỡng nhà.

Chúng ta không nên “đá” trách nhiệm này từ chủ đầu tư cho người dân, một mặt tạo ra quá nhiều quyền lợi cho chủ đầu tư và hạn chế đi trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư, như thế người mua rất thiệt thòi.

Đáng lẽ ra, chúng ta nên thiết chặt hơn các biện pháp trích thu 2% này từ chủ đầu tư và đưa ra thêm các biện pháp gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bảo trì, bảo dưỡng nhà, có như vậy buộc nhà đầu tư phải có trách nhiệm hơn với chất lượng công trình do mình xây dựng và có trách nhiệm với người mua.

Bỏ 2% phí bảo trì, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân

Nếu bỏ 2% phí bảo trì chung cư này đi ,vậy theo luật sư quy định này có ảnh hưởng như thế nào đối với Ban quản trị tòa nhà? Đời sống của cư dân trong chung cư có bị ảnh hưởng gì không?

Chắc chắn là ảnh hưởng đến Ban quản trị tòa nhà, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân. Với đề xuất này, Ban quản trị tòa nhà sẽ không chủ động được nguồn vốn để tu sửa, bảo dưỡng tòa nhà. Đẩy trách nhiệm của Ban quản trị tòa nhà lớn hơn trong việc đi thu các khoản tiền bảo dưỡng, bảo trì tòa nhà từ các hộ dân. Điều này là cực kì khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Và đương nhiên sẽ có rất nhiều khiếu kiện, khiếu nại làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà.

Đối với cư dân, họ sẽ luôn ám ảnh, nỗi lo thường trực về an toàn, tiện lợi khi có bất cứ sự cố, hư hỏng gì liên quan đến vận hành, sử dụng tòa nhà mà không được sửa chữa kịp thời.

Cần có quy định phá luật cụ thể đối với chủ đầu tư.

Có nhiều vấn đề trong việc xác định 2% phí bảo trì nhà chung cư, ví dụ căn cứ vào giá bán rồi nhân với 2% tổng giá trị căn hộ nhưng một dự án thường được bán trong nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn như vậy là một giá bán khác nhau, một căn hộ lại một giá bán. Điều này dẫn đến những bất đồng giữa Ban quản trị và Chủ đầu tư . Như vậy thật sự rất rắc rối. Luật sư nghĩ gì về vấn đề này?

Nếu căn cứ Luật Nhà ở, chúng ta có thể thấy luật quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư phải nộp cho từng phần công trình, cách tính cụ thể cho từng phần công trình. Trong khi đó, tất cả các công trình đều có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ, hồ sơ xây dựng… cho cả tòa nhà để làm căn cứ tính diện tích, giá trị tòa nhà để làm căn cứ truy thu phần phí bảo trì 2% này. Hoặc có thể mời bên thẩm định giá để có chứng thư định giá cụ thể, đương nhiên phải tính trên giá trị còn mới của tòa nhà, đồng thời khi tính cũng phải áp dụng cả phần lãi xuất do chủ đầu tư chậm nộp.

Có lẽ rằng, vấn đề chính ở đây là do chủ đầu tư không có thiện chí hợp tác, không thực hiện trách nhiệm của mình để kéo dài thời gian, gây khó khăn cho việc hoàn trả 2% kinh phí bảo trì này. Chúng ta cần có quy định pháp luật đủ mạnh, có tính răn đe trực tiếp với chủ đầu tư là giải pháp tốt nhất, hiệu quả để truy thu, sử dụng có hiệu quả 2% kinh phí bảo trì theo đúng quy định. Thiết nghĩ những người quản lý, có trách nhiệm nên tập trung xây dựng quy định thiết chặt hơn việc thu khoản phí bảo trì 2% này, có thể bổ sung quy định xử phạt nặng, hoặc rút giấy phép hoặc thậm chí khởi tố hình sự nếu có sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khi cố tình không nộp 2% phí bảo trì này theo quy định.

Xin cảm ơn Luật sư!

Bạn đang đọc bài viết Bỏ 2% phí bảo trì là 'vẽ đường' cho chủ đầu tư trốn trách nhiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.