Thứ tư, 24/04/2024 01:26 (GMT+7)

Bỏ phí bảo trì: Chung cư sẽ thành “ổ chuột”

MTĐT -  Thứ năm, 11/04/2019 14:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến việc bỏ phí bảo trì chung cư, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc không có kinh phí bảo trì để sửa chữa sẽ khiến nhiều chung cư xuống cấp nhanh chóng và trở thành các "khu ổ chuột".

Việc thu phí bảo trì chung cư là học tập kinh nghiệm quốc tế

Thời gian qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM đã liên tục bùng nổ những bất cập liên quan đến phí bảo trì chung cư.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong các tranh chấp tại các tòa nhà chung cư hiện nay (trên 108 dự án có tranh chấp), có 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong số này có đến 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. Chính những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và BQT chung cư xoay quanh khoản quỹ này thời gian qua khiến cho nhiều ý kiến đưa ra đề xuất nên bỏ quỹ này.

Trước đó, cuối năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra thông báo danh sách một loạt các chủ đầu tư “chây ì” không chịu bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị (BQT) năm 2018.

Nhiều vụ tranh chấp chung cư liên quan đến phí bảo trì. Ảnh: Internet.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đưa ra kiến nghị đổi mới phương thức thu phí bảo trì 2% giá trị hợp đồng nhà tại thời điểm bàn giao nhà. Cụ thể, HoREA kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà, bởi theo HoREA, quỹ này hoàn toàn không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà. Theo HoREA, nếu vẫn còn quy định khi mua nhà chung cư, người mua nhà phải nộp kinh phí bảo trì 2% sẽ còn phát sinh tranh chấp.

Tuy nhiên, đến nay, những câu hỏi xung quanh vấn đề này vẫn đang gây ra những tranh luận trái chiều.

Theo Theleader, mới đây tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2019 của Bộ Xây dựng, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc thu phí bảo trì chung cư của Việt Nam là học tập kinh nghiệm từ quốc tế.

Một toà chung cư là đa sở hữu với cả diện tích chung và riêng và theo quy định pháp luật, trách nhiệm bảo trì chung cư là của các chủ sở hữu, do đó mới thành lập quỹ bảo trì để sử dụng vào việc bảo trì tòa nhà, ông Hùng nói.

Trước những bất cập về quỹ bảo trì 2% vừa qua dẫn tới nhiều tranh chấp ở các toà chung cư như việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì, hoặc ban quản trị sử dụng quỹ bảo trì không đúng mục đích, ông Hùng cho rằng, cần xem xét lại quy định về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo trì.

Việt Nam mới xây dựng và quản lý chung cư được hơn 10 năm trở lại đây nên cũng đang từng bước hoàn chỉnh cơ chế quản lý. Các đề xuất về thu hay không thu quỹ bảo trì nhà chung cư cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả và phù hợp điều kiện pháp luật Việt Nam, ông Hùng cho hay.

Nhiều bất cập

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo KTĐT, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, việc đưa ra đề xuất bãi bỏ thu phí bảo trì 2% tòa nhà chung cư trong thời điểm này sẽ gây ra một hiệu ứng không tốt. Vì người dân nghĩ rằng cơ quan chuyên môn không quản lý được nên từ bỏ.

BĐS nhà chung cư là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, không giống như những loại hàng hóa khác vì nó như một xã hội thu nhỏ. Mà đã là hàng hóa thì phải có người bán - người mua, phải có chế độ bảo hành. Vì vậy, phải xây dựng được tính pháp chế về bảo hành công trình phân theo từng cấp khác nhau. Trong thời gian đó, người sử dụng không vi phạm quy định của hợp đồng, công trình có vấn đề gì thì chủ đầu tư phải tự bỏ tiền ra bảo hành, hết thời hạn bảo hành thì mới đến giai đoạn bảo trì công trình.

“Chúng ta không nên luật hóa vấn đề bảo trì, mà nên luật hóa vấn đề bảo hành và đưa công nghệ quản trị 4.0 vào quản trị nhà chung cư. Nếu làm được, Nhà nước sẽ không phải can thiệp vào những vấn đề đó nữa, mà chỉ can thiệp vào việc chủ đầu tư xây chung cư phải có giấy phép, phải đảm bảo chất lượng, có chế độ bảo hành nhà chung cư” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, không nhất thiết phải bỏ quy định về thu phí bảo trì nhà chung cư. Phí bảo trì không tính vào giá thành nhà. Vì có người mua nhà ở một hoặc hai năm phải bán như vậy phí bảo trì sẽ bị mất. Sau thời gian bảo hành ghi rõ trong hợp đồng 3 - 5 năm, nếu người dân đồng thuận, tin tưởng thì có thể đóng góp phần phí bảo trì cho chủ đầu tư, để chủ đầu tư tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, có thể không thu 2% mà thu thấp hơn tùy vào các danh mục sửa chữa.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, làm việc về vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư tại Hà Nội, TP. HCM và nhận được báo cáo của 40 địa phương về việc quản lý quỹ bảo trì, vận hành nhà chung cư. Cuối tháng 4 tới, Bộ Xây dựng sẽ có buổi giải trình với Ủy ban Pháp luật Quốc hội về vấn đề này. Về việc bỏ không thu phí bảo trì ngay tại thời điểm mua nhà hay giữ nguyên như hiện tại, bộ sẽ đánh giá cụ thể và quyết định.

Theo ông Ninh, phương án nào cũng có mặt được và hạn chế. Nếu thu, phải quản lý minh bạch quỹ bảo trì, còn không thu sẽ quay trở lại với quy trình quản lý chung cư cũ hiện nay rất nhiều bất cập nan giải.

Theo đó, thực trạng đã thấy rõ tại các tòa chung cư cũ hiện nay, do không có kinh phí bảo trì để sửa chữa đã xuống cấp nhanh chóng và trở thành các "khu ổ chuột". Do đó, Bộ Xây dựng ưu tiên phương án một, vẫn giữ việc thu phí bảo trì theo quy định hiện hành. Cùng với đó là có biện pháp quản lý công khai minh bạch, sử dụng quỹ bảo trì sao cho hợp lý, hiệu quả, đặc biệt là cơ chế giám sát từ ban quản trị, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bỏ phí bảo trì: Chung cư sẽ thành “ổ chuột”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới