Thứ bảy, 20/04/2024 06:17 (GMT+7)

Chuyển condotel thành chung cư sẽ phá vỡ quy hoạch?

MTĐT -  Thứ ba, 03/12/2019 15:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước thông tin CocoBay Đà Nẵng sẽ chuyển đổi sang căn hộ chung cư nhiều chuyên gia cho rằng, khách hàng sẽ là người tiếp tục chịu thiệt và việc chuyển đổi sẽ phá vỡ quy hoạch.

Khách hàng bị thiệt 2 lần

Ngày 1/12, trong thông báo mới nhất gửi khách hàng mua condotel tại Đà Nẵng, doanh nghiệp vừa phá vỡ cam kết lợi nhuận cho biết, những chủ sở hữu condotel muốn chuyển đổi sang căn hộ chung cư phải đăng ký trước 20/12/2019. Phí chuyển đổi trên 15% giá gốc được giải thích là đầu tư hạ tầng xã hội như bố trí quỹ đất xây nhà xe, trường học, công viên, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trong khi đó, nói về các phương án mà chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đưa ra với khách hàng sau khi vỡ cam kết lợi nhuận, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý cho rằng, dù khách hàng chọn phương án nào thì cũng bị thiệt hại hàng trăm cho tới hàng tỷ đồng.

Là người bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư condotel tại dự án CocoBay, chị Hoàng Yến (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội), chia sẻ với báo Tiền phòng rằng, nguyện vọng ban đầu khi mua condotel cho chủ đầu tư khai thác để lấy tiền thu nhập hằng tháng, chứ không phải để ở.

“Chúng tôi ở xa như Hà Nội, TP.HCM, làm sao vào đấy ở được. Chúng tôi chỉ muốn chủ đầu tư trả lợi nhuận cam kết. Còn nếu bắt buộc chuyển thành chung cư để ở thì chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí. Ngoài ra phải có chính sách rõ ràng về các chi phí khác phát sinh trong quá trình ở sau này. Thử hỏi nếu như là nhà chung cư, chúng tôi không bao giờ chấp nhận mua với giá cao như vậy?  Chủ đầu tư không khác gì lừa khách hàng", chị Yến nói.

"Đơn cử như phương án chuyển từ condotel sang chung cư, khách hàng phải mất thêm 15% giá trị căn hộ để thực hiện phí đất. Điều này rất vô lý, bởi việc phá vỡ hợp đồng là do phía chủ đầu tư dự án chứ không phải do khách hàng. Nhưng giờ doanh nghiệp lại bắt khách hàng phải gánh chịu hệ quả, như thế là rất khó hiểu" - trao đổi với báo Đất Việt, luật sư Trần Đức Khánh bày tỏ.

Theo ông Khánh, khi cam kết trong hợp đồng mua bán căn hộ khách sạn - condotel không được một trong các bên thực hiện, thì bên phá vỡ hợp đồng phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho bên còn lại.

"Việc đền bù này dựa trên điều khoản mà 2 bên đã ký kết tại hợp đồng mua bán. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào quá trình đàm phán và thỏa thuận giữa 2 bên sau khi xảy ra sự cố. Còn cách hàng xử của chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng cho thấy như họ đang đẩy lỗi sai cho khách hàng khi chủ động đưa ra 3 phương án và phương án nào cũng là thiệt hại về kinh tế với khách hàng" - ông Khánh chia sẻ.

Chạy theo lợi ích của chủ đầu tư

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc chuyển Condotel thành chung cư sẽ tồn tại nhiều bất cập, bởi condotel trên thực tế là sản phẩm nằm trên đất kinh doanh thương mại dịch vụ (không phải đơn vị ở), nhưng khi chuyển thành chung cư (đất ở) sẽ xuất hiện nhiều bất cập. Trong đó, việc chuyển đổi thành chung cư và để dân vào sinh sống trong những tòa nhà ven biển sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của cả thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là pháp luật cho phép nhưng điều chỉnh quy hoạch phải nhằm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Việc điều chỉnh từ condotel sang chung cư nhà ở không chỉ là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm mà còn liên quan đến cả việc điều chỉnh quy hoạch đất. Bởi ở đây là điều chỉnh từ đất phi nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ (bao gồm đất du lịch) sang đất ở. Nếu không đánh giá, cân nhắc tổng thể công tác điều chỉnh quy hoạch lại là có dáng dấp theo nhu cầu của chủ đầu tư”, ông Châu nói.

Đặc biệt lưu ý việc điều chỉnh từ condotel sang chung cư nhà ở bởi các dự án condotel đều chủ yếu nằm ở vị trí ven biển. Cũng theo ông Châu, vấn đề này ông đã nhiều lần nêu ý kiến. Tuy nhiên, đến nay những bất cập trên vẫn chưa được cơ quan nhà nước xem xét. Cũng theo ông Châu, việc điều chỉnh cho phép căn hộ Condotel thành căn hộ chung cư là đang chạy theo lợi ích của chủ đầu tư và không phù hợp quy hoạch.

“Điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng phải có lý do chứ không phải điều chỉnh theo lợi ích của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có quyền đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhưng cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nếu chưa đủ thông tin nếu sự điều chỉnh lớn làm thay đổi cục diện điều chỉnh quy hoạch thì rõ ràng phải mời các chuyên gia để phản biện”, ông Châu nhấn mạnh.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyển condotel thành chung cư sẽ phá vỡ quy hoạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...