Thứ sáu, 29/03/2024 16:27 (GMT+7)

Công ty Rạng Đông đã biến sân golf thành khu đô thị như thế nào?

MTĐT -  Thứ sáu, 29/05/2020 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án sân golf Phan Thiết đã trải qua 4 lần thay đổi chủ đầu tư. Lần gần nhất là năm 2013, chủ đầu tư là Cty CP Rạng Đông. Tuy nhiên, ngay sau đó chủ đầu tư xin chuyển nhượng đất sân golf sang đất ở.

Dự án sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị. Ảnh: Kinh tế & tiêu dùng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra (TTCP) rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết (phường Phú Thuỷ, TP Phan Thiết, Bình Thuận) thành khu đô thị du lịch biển.

Theo đó, để làm rõ đơn kiến nghị của ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận) về những sai phạm trong quá trình chuyển đổi hơn 62ha đất sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Phó Thủ tướng yêu cầu TTCP kiểm tra, rà soát lại vụ việc, nêu rõ căn cứ pháp lý để kết luận các nội dung phản ánh.

Trao đổi với báo Tiền phong, ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận từ năm 1992 - 2000) kể, quá trình UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty CP Rạng Đông chuyển đất sân golf thành khu đô thị (KĐT) du lịch biển Phan Thiết là “làm chuyện đã rồi”.

“Cuộc họp cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh, gồm các đời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Ủy viên Ban Thường vụ có khoảng 20 người. Bên cạnh một số người như tôi và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh phản đối thì cũng có nhiều người ủng hộ. Tôi nhớ những người ủng hộ đều đã được Công ty CP Rạng Đông bán đất tại dự án khác để cất nhà ở và tài trợ đi nước ngoài có người 2-3 chuyến”, ông Đinh Trung buồn bã nói.

Cũng lời kể của ông Đinh Trung, vào ngày 10 và 16/3/2013, còn xuất hiện hai đơn nặc danh ghi là tập thể người dân gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh ủng hộ xây dựng KĐT du lịch biển Phan Thiết.

Ngày 5/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận có thông báo số 75 về ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương (hiện đã nghỉ hưu - PV) đồng ý chủ trương cho Công ty CP Rạng Đông chuyển khu sân golf thành đất ở đô thị. “Nhưng sau đó 1 tháng, UBND tỉnh mới tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của cán bộ hưu trí và hội khoa học”, ông Đinh Trung nói.

Theo ông Đinh Trung, sân golf Phan Thiết là đất công nhà Nước cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê đất và các khoản thuế phát sinh hàng năm (100% vốn đầu tư nước ngoài) cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần, thời gian thuê đất 50 năm.

Sân golf Phan Thiết được đưa vào hoạt động từ năm 1997, đến ngày 15/11/2013 được chuyển nhượng chủ đầu tư lần thứ 4 sang Công ty CP Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp với mục tiêu “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.

Nhưng đến ngày 2/12/2013 (tức chỉ hai tuần sau khi nhận chuyển nhượng), Công ty Rạng Đông bất ngờ có văn bản đề nghị chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ.

Ngày 1/3/2014, Công ty CP Rạng Đông tức tốc ra thông báo “Sân golf Ocean Dunes sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/4/2014”, thời hạn giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên kể từ ngày 16/3/2014 đến hết ngày 16/6/2014.

Tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, sân golf Phan Thiết vẫn nằm trong quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Trong quyết định này ghi rõ: “Đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai xây dựng; dự án đã hoàn thành đang hoạt động trước ngày qui định này có hiệu lực thì tiếp tục hoạt động…".

Ngoài ra, tại Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến 2020 (ban hành kèm theo Quyết định định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - PV) vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.

Ông Đinh Trung cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận giai đoạn lúc bấy giờ khi làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa sân golf ra khỏi qui hoạch và chuyển sân golf sang đất ở đô thị đã biết trước đó chủ đầu tư đã chấm dứt hoạt động và bỏ sân golf từ ngày 1/4/2014 và giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên.

Nhiều biệt thự nguy nga mọc lên trên đất dự án sân golf. Ảnh: Báo Dân trí.

Công ty Rạng Đông là ai?

Không chỉ sở hữu hàng loạt dự án bất động sản du lịch qui mô từ vài chục đến hàng trăm ha mang thương hiệu Sea Links, bao gồm cả các sân golf và Lâu đài Rượu vang; Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Rạng Đông Group còn được biết đến với một nhà thầu chuyên thực hiện hàng loạt dự án BOT trọng điểm của tỉnh Bình Thuận.

Theo website công ty, Rạng Đông Group xuất thân từ đơn vị xây dựng mang tên Tổ hợp Xây dựng số 04, được thành lập vào năm 1991 với qui mô lao động chỉ 5 người. Khi mới thành lập, trụ sở đầu tiên được đặt tại xã Măng Tố, tỉnh Bình Thuận.

4 năm sau, một phần của Tổ hợp được chuyển xuống thị xã Phan Thiết và đổi tên thành Xí nghiệp Xây lắp Rạng Đông với 120 lao động.

Đến năm 2007, CTCP Rạng Đông chính thức ra đời, đánh dấu cho quá trình đi lên và phát triển mới: Sở hữu 15 công ty thành viên, trên 3.000 lao động và hơn 300 dự án đã hoàn thành, tính đến thời điểm hiện tại.

Cuối tháng 8/2016, Rạng Đông Group có vốn điều lệ 1.100 tỉ đồng, do ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Rạng Đông Group sở hữu 96% vốn, cổ đông Huỳnh Tịnh Túy nắm 2%, phần còn lại không rõ chủ sở hữu.

Gần nhất vào đầu tháng 10/2019, Rạng Đông Group tăng vốn điều lệ lên gần 2.436 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Đông nắm 97%. Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật được biết đến là ông Nguyễn Ngọc Lân (trước đó vị trí này do ông Nguyễn Ngọc Đông đảm nhiệm).

Tính đến hiện tại, Rạng Đông Group có trụ sở tại hai mặt tiền đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Cư Trinh, TP Phan Thiết. Công ty hoạt động ở các lĩnh vực: Công trình giao thông, Khoáng sản - Vật liệu Xây dựng, Khu nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn và Bất động sản.

Sau khoảng 13 năm phát triển (tính từ năm 2007), Rạng Đông Group sở hữu danh mục trên 300 dự án, điển hình là khu resort Sea Links City 154 ha với nhiều hạng mục lớn, gồm: Khách sạn 5 sao Sea Links Beach Hotel 188 phòng, Khu Biệt Thự Sea Links Beach Villa 315 căn biệt thự, Khu biệt thự Royal Hill, Sân golf Sea Links 18 lỗ và Lâu đài Rượu vang RĐ với hơn 200,000 chai vang.

Ngoài ra, Rạng Đông Group còn thi công các dự án khác, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố biển như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…

Theo thông tin từ website Rạng Đông Group, năm 1993, tỉ phú Larry Hillblom đến Việt Nam làm ăn. Nhận thấy Phan Thiết có thể làm một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, tỉ phú đã nhờ một công ty ở Hong Kong đứng ra xin giấy phép xây dựng. Sau những thương vụ kín, Rạng Đông Group đã mua lại dự án sân golf này để kinh doanh.

Tuy nhiên, sau đó, với lý do kinh doanh thua lỗ và dự án sân golf Phan Thiết làm hạn chế phát triển của TP Phan Thiết, năm 2013, Rạng Đông Group đã kiến nghị và sau đó đã được tỉnh Bình Thuận chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị.

Ngày 18/4/2015, Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết chính thức khởi công trên nền sân golf cũ hơn 62 ha và trở thành một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Thuận.

Bảo My(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Công ty Rạng Đông đã biến sân golf thành khu đô thị như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.