Thứ năm, 28/03/2024 22:43 (GMT+7)

DA làng nghề Mai Hương biến thành KĐT: Con voi chui lọt lỗ kim?

MTĐT -  Thứ năm, 08/08/2019 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội đã tự ý phân lô bán nền trên khu đất được cấp phép làm dự án làng nghề Mai Hương tại xã Hương Lâm và Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương tại xã Hương Lâm và Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nhưng Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội (TP Hà Nội) đã tự ý phân lô bán nền. Đến nay, nhiều công trình nhà ở, cây xăng, điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, cà phê đã được tự ý xây dựng lên tại đây.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Ghi nhận ý kiến người dân thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, báo Giao thông cho biết, bức xúc cho biết, ngay từ lúc chưa triển khai, người dân đã nghi ngờ đây không phải là dự án phát triển làng nghề mà thực chất là lợi dụng chính sách để lấy đất của người dân để buôn bán bất động sản nên kịch liệt phản đối, chưa nhường mặt bằng cho chủ đầu tư.

Một số căn nhà đã và sắp hoàn thiện tại dự án làng nghề Mai Hương. Ảnh báo Giao thông.

Tuy nhiên, trước sức ép về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện, xã, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác đã buộc phải chấp hành.

Nghi ngờ người dân càng có cơ sở bởi ngay trong  biện pháp giải phóng mặt bằng (GPMB) trong dự án có nhiều bất thường. Người dân cho biết, ông Đinh Văn Tưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội (quê tại thôn Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, gần vị trí xây dựng làng nghề - PV) đến gặp, vẽ nên khung cảnh sầm uất của làng nghề để lấy đất và tiền của dân. Công ty này còn đưa ra chính sách đổi đất nông nghiệp lấy đất ở trong dự án.

Theo đó, các hộ bị thu hồi 1,5 sào ruộng sẽ không được nhận tiền bồi thường mà phải nộp thêm 65 triệu đồng để nhận lại một 1 lô đất ở có diện tích 72m2 tại góc cuối dự án với lời hứa 3 tháng sau sẽ được cấp sổ đỏ, xây dựng nhà ở.

Bên cạnh đó, công ty này còn xây dựng giá bán ưu đãi từ 3,6-6 triệu đồng/m2 để thực hiện chính sách 10%, nghĩa là cứ 10m2 đất nông nghiệp sẽ đổi được 1m2 đất ở trong dự án.

Theo người dân, quán cafe, karaoke mở trái phép trong dự án làng nghề Mai Hương có nhiều dấu hiệu hoạt động dịch vụ nhạy cảm, trá hình.

Đơn cử, hộ bà Nguyễn Thị Chính có hai mảnh ruộng, tổng diện tích 540m2 nên được quy đổi lấy 54m2 đất ở trong dự án. Sau đó, gia đình bà chọn được lô đất ở tại làn 2 với diện tích 95,2m2, đơn giá 3,6 triệu đồng nên phải nộp thêm gần 150 triệu đồng cho chủ đầu tư.

“Thế là tôi vừa mất đất, vừa mất thêm tiền để nhận lại một miếng đất bé bằng 1/10 miếng đất đã giao, mà tới giờ vẫn chẳng thấy sổ đỏ đâu”, bà Chính cho hay.

Tin lời quảng cáo của doanh nghiệp, đã có hàng trăm hộ nộp tiền mua đất. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm nay, các hộ vẫn chưa nhận được hồ sơ pháp lý liên quan đến những thửa đất được giao này.

Theo tìm hiểu, dự án xây dựng làng nghề Mai Hương vốn được Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 với mục tiêu giải quyết nhu cầu đất sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp nhẹ như: Dệt may, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí chế tạo, tiểu thủ công nghiệp; đưa nghề đồ gỗ mỹ nghệ đạt chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn...

Quy mô dự án là 27ha, trong đó giai đoạn 1 là 9,9ha; tổng số vốn đầu tư gần 277,5 tỉ đồng, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Theo tiến độ giao của Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Giang thì đến năm 2020 dự án phải hoàn thiện, đi vào hoạt động. Tuy vậy, đến nay dự án chưa đạt 50% giá trị thi công, tức chậm tiến độ đến vài năm.

Đến nay, nhiều công trình nhà ở, cây xăng, điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, cà phê đã được tự ý xây dựng lên tại đây.

Nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch còn thừa nhận đây là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề nhưng thực chất chủ đầu tư đang xây dựng khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ hệ thống đường, điện; cấp, thoát nước, khuôn viên cây xanh, nhà văn hóa... đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khách hàng có thể xây nhà ở, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn 50 năm, hết hạn sẽ tiếp tục được thuê lại với chi phí thấp.

Ai chống lưng doanh nghiệp?

Những sai phạm trong thực hiện dự án trên chỉ được phát lộ khi Bộ TN-MT nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội. Ngày 10/8/2018, Bộ TN-MT đã về khảo sát tại địa điểm thực hiện dự án trên thì phát hiện chủ đầu tư đã “tiền trảm, hậu tấu” thi công nhiều hạng mục, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo dừng ngay hoạt động thi công, có biện pháp bảo đảm phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định hiện hành; báo cáo kết quả về Bộ TN-MT để tiếp tục xem xét cấp ĐTM cho dự án.

Sàn giao dịch bất động sản nằm trong dự án - Ảnh từ báo Giao Thông.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định: Đây là dự án phát triển làng nghề, không phải khu dân cư, đô thị. Đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chưa được UBND tỉnh cho thuê đất nên tất cả các công trình, giao dịch mua bán đất đều trái quy định. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa đã nhiều lần xử phạt chủ đầu tư về lỗi thi công dự án khi chưa có ĐTM; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép… tổng tiền phạt gần 500 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình vi phạm, tuyệt đối không được quảng cáo, tiếp thị, bán đất trong dự án cho đến khi được UBND tỉnh cho thuê đất, phê duyệt giá thuê đất theo quy định.

Cũng theo ông Chính, UBND huyện đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư còn một số sai phạm như chậm tiến độ đầu tư, năng lực kém, thiếu vốn và có biểu hiện bán “lúa non”, tự ý cho thuê lại đất khi chưa đủ điều kiện quy định.

Tuy nhiên, khi được hỏi về biện pháp xử lý, ngăn chặn, tránh những thiệt hại không đáng có, ông Chính lại không đưa được giải pháp cụ thể nào mà chỉ nói chung chung rằng “cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, “đây là dự án đầu tiên triển khai theo hình thức này nên sẽ nghiên cứu, kiến nghị tỉnh cho thay đổi quy hoạch, biện pháp quản lý phù hợp”...

Theo Sức khỏe cộng đồng

Bạn đang đọc bài viết DA làng nghề Mai Hương biến thành KĐT: Con voi chui lọt lỗ kim?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.