Thứ sáu, 29/03/2024 01:16 (GMT+7)

Đà Nẵng cấp “sổ đỏ” 21 lô đất ven biển cho DN Trung Quốc, có kẽ hở?

MTĐT -  Thứ tư, 25/09/2019 15:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Học, Học viện Nông nghiệp VN, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 doanh nghiệp Trung Quốc đối với 21 lô đất ở Đà Nẵng là tuân thủ đúng quy định nhưng có kẽ hở.

Mới đây, ngày 21/9, Tổng Cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng TP Đà Nẵng liên quan đến vấn đề 21 lô đất ven biển trên địa bàn đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp người Trung Quốc làm chủ.

Theo Sở TN-MT TP Đà Nẵng, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn hiện có 246 lô đất. Trong số này có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo báo Đầu tư, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP. Đà Nẵng  cho biết, đoàn công tác của Bộ TN-MT về lĩnh vực đất đai đã xác nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 doanh nghiệp đối với 21 lô đất ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) là tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, Liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt được thành lập theo Giấy phép số 2581/GP ngày 21/6/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trong đó, bên Việt Nam là Công ty cổ phần Hoàng Đạt góp vốn 10%; bên nước ngoài là Công ty TNHH Siver Shores, có trụ sở tại Hoa Kỳ do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện, góp 90%).

Doanh nghiệp được UBND thành phố cho thuê lô đất có diện tích 20ha đất (cơ sở sản xuất, kinh doanh) với thời hạn cho thuê đất 50 năm (đến ngày 21/6/2056) và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 451916 vào ngày 21/3/2007.

Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ V.N.HoLiDay là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% của cá nhân ông Lijinan có hộ khẩu thường trú tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng từ cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam 20 lô đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại vệt khai thác quỹ đất rộng 25 m dọc tường rào Sân bay Nước Mặn vào thời điểm từ năm 2013 - 2015.

Trước đó, Sở TN-MT TP. Đà Nẵng khẳng định đến thời điểm hiện nay, Sở không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bất kỳ cá nhân nào là người nước ngoài được sở hữu đối với nhà ở, đất ở riêng lẽ trong khu quy hoạch dân cư.

2 doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu 21 lô đất ven biển Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Internet.

Theo Luật sư Lê Ngô Hoài Phương, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, thì Sở TN-MT TP. Đà Nẵng cần làm rõ thông tin này.

"Ở đây, người ta nói doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng nhưng đã chuyển sang tên cho doanh nghiệp hay chưa? và đã điều chỉnh thời hạn hay chưa? Thông tin này hoàn toàn không được đề cập tới. Trả lời như vậy chưa đầy đủ, nên người dân họ càng nghi ngờ, càng cho rằng ông đang chống chế. Vấn đề là nhà nước đã điều chỉnh thời hạn sử dụng 50 năm hay chưa, nếu chưa thì bây giờ điều chỉnh. Cơ quan nhà nước cần phải làm điều đó, điều chỉnh thành 50 năm", luật sư Lê Ngô Hoài Phương nêu quan điểm.

Trong khi đó, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Học, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Sở TN-MT Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 doanh nghiệp Trung Quốc đối với 21 lô đất ven biển Đà Nẵng là không ổn.

Theo ông Học, lãnh đạo Sở TN-MT Đà Nẵng cùng với đại diện Bộ TN-MT đã xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 doanh nghiệp Trung Quốc đối với 21 lô đất ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn là tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai, nhưng có kẽ hở.

PGS Nguyễn Quang Học dẫn luật quy định về nhà ở của Việt Nam năm 2014 quy định, cho phép người nước ngoài được quyền mua nhà tại Việt Nam nhưng mỗi người nước ngoài chỉ được mua một căn nhà và phảichứng minh được đầy đủ các loại thủ tục theo yêu cầu.

Tuy nhiên, những người Trung Quốc này đã lách luật bằng cách nhờ người Việt đứng tên, hoặc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc các dự án của người Việt làm chủ. Sau đó, nhiều người Trung Quốc đã có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam.

Với cách thức kêu gọi góp vốn đầu tư, doanh nghiệp Việt không có tiền nên góp bằng đất, doanh nghiệp Trung Quốc góp bằng tiền.

Sau đó họ thành lập công ty, doanh nghiệp trên danh nghĩa liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc. Do quy định của luật pháp, doanh nghiệp nước ngoài không được sở hữu quá 51% cổ phần, do đó, thông thường các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nắm giữ tỉ lệ 49%, phía doanh nghiệp trong nước nắm giữ tỉ lệ 51%. Khi soi vào luật, về quy định việc hợp tác góp vốn là không sai nhưng về bản chất là có vấn đề.

Bởi khi doanh nghiệp Việt mua đất thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Có được quyền sở hữu đất, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào và sẵn sàng làm lỗ luôn sau đó sẽ đứng ra mua lại toàn bộ cổ phần rồi nghiễm nhiên trở thành sở hữu 90 - 100%, như trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores - doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên thực hiện dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Hoàng Đạt, với 100% vốn nước ngoài.

Khi đã nắm cổ phần chi phối, người Trung Quốc đương nhiên giữ Chức chủ tịch HĐQT và có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên hiển nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Đây là kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư nước ngoài cần phải được chấn chỉnh.

"Không thể giải thích một cách ráo hoảnh rằng việc cấp giấy chứng nhận trên là đúng quy định của pháp luật được, giải thích như vậy là thiếu trách nhiệm.

Vấn đề ở đây là quy trình, trách nhiệm quản lý tại địa phương. Nên nhớ, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua nhà, không được thực hiện giao dịch BĐS ngoài biên giới.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo Diễn đàn DN, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng: “Rõ ràng đây là một hiện tượng lách luật để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Trong khi đó, việc chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có quy định rất rõ ràng. Vì thế, vấn đề ở Đà Nẵng cần xem xét lại việc quản lý của các cơ quan chức năng, họ làm chưa nghiêm nên mới xảy ra tình trạng đó”.

Bảo My(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng cấp “sổ đỏ” 21 lô đất ven biển cho DN Trung Quốc, có kẽ hở?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.